Trung bình chỉ làm ra hai cái nón trong một ngày, nhưng số tiền kiếm được lại chưa đến trăm nghìn đồng. Đó là nguyên nhân khiến bà con trong thôn La Sơn xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bỏ nghề để tìm công việc mới mang lại thu nhập cao hơn.
Gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn…
Cách đây khoảng mấy chục năm về trước, thôn La Sơn vốn nổi tiếng với nghề làm chằm nón. Tuy nhiên vài năm trở lại đây thì cái nghề này dần bị mai một, đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người dân ở trong thôn phải tìm công việc khác để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Bay (55 tuổi, thôn La Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc ) là một trong những số bà con đang có một nghề mới cho biết: “Gia đình chị đã từng theo nghề chằm nón rất lâu rồi, từ cái thời bà của chị làm rồi truyền nghề cho mẹ chị. Từ lúc đó chị đã tiếp xúc và được mẹ chị chỉ dạy để theo nghề. Nhưng 2 năm gần đây, việc làm nón không đủ để chi tiêu trong cuộc sống, nên gia đình chị từ bỏ hẳn luôn, mà thay vào đó chị nhập từ chợ Đông Ba để về bán, may ra còn có đồng vô đồng ra”.
Nghề làm chằm nón phải trải qua khá nhiều công đoạn, mỗi công đoạn làm ra tốn rất nhiều thời gian. Để có một chiếc nón ưng ý, người làm phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn của người làm. Từ giai đoạn chọn nguyên liệu lá nón, khung vành, chỉ màu, cho đến công đoạn hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản. Theo chị Bay cho biết: “Công đoạn khó khăn và cần sự khéo léo nhất đó là công đoạn uốn vành, vì để tạo nên một cái khung cho chắc hầu như mình làm bằng tay, trong việc uốn từ vòng lớn đến vòng nhỏ sao cho đều và cố định. Bên cạnh đó, công đoạn lợp lá cũng không kém phần quan trọng, bởi lẽ người làm phải tuyển chọn thật kỹ để phù hợp với giá của từng chiếc nón”.
Chị Bay còn cho biết thêm “Mỗi cái nón chị làm ra chỉ bán được với giá khoảng 35 nghìn đến 85 nghìn đồng tùy theo mức dày mỏng của mỗi loại, thế nhưng không đủ để bù lại tiền mua nguyên liệu, công sức bỏ ra, bán thì không lời được bao nhiêu. Làm nghề vất vả mà thu nhập quá ít nên chị cùng với người dân trong thôn đành bỏ nghề và chuyển sang kiếm nghề khác để làm”.
Làng nghề “biến mất”
Mệ Trần Thị Quýt (65 tuổi, thôn La Sơn, xã Lộc Sơn) người đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm nón cho hay: “Ở thôn này, bây giờ không còn một ai còn mặn mà với nghề, đa số bỏ nghề để làm công việc khác. Mệ làm nghề này cũng mong muốn có con cái theo đuổi để tiếp nối nhưng làm nghề vất vả, gian nan nên không có đứa nào muốn theo cái nghề này. Mệ giờ tuổi già, sức yếu, mắt không còn sáng như trước để xỏ kim làm vành, già rồi chỉ biết trông cháu cho các con của mệ đi làm. Hai đứa thì đi làm ở Lào, còn một đứa thì làm nghề khác”. Giọng nói đầy vẻ tiếc nuối của mẹ, khi các thế hệ con cháu không còn lưu luyến theo đuổi cái nghề của ông bà cha mẹ để lại.
Đúng như mệ Quýt và chị Bay tâm sự, nghề làm chằm nón ở La Sơn dần bị mai một, nhiều người trẻ ở đây còn không biết làng mình đã từng có một thời làm nghề chằm nón thịnh hành. Trong quá trình chúng tôi đi tìm hiểu ở thôn La Sơn, thì hiện giờ không còn ai giữ lại đồ nghề để làm chằm nón. Cái nghề mà tuổi đời đã gần 80 năm ở làng, giúp mọi người dân trong thôn có thêm kinh tế ổn định cuộc sống, không những thế còn thể hiện tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong việc tìm nguyên liệu lá nón, cây la ô, nhưng giờ chỉ còn lại cảnh đìu hiu và sự điêu tàn.
Tạm biệt mệ Quýt, chúng tôi của ám ảnh mãi cái cảnh tượng mệ ngồi trước cửa trông lũ cháu với đôi mắt đượm buồn khi chúng tôi trao đổi, trò chuyện về cái nghề một thời đã ăn sâu vào máu thịt và đôi tay nghề của mệ và những người già ở thôn La Sơn…
Khanh Hoàng