Đàn Nam Giao cách Thành Nội (Thành Nhà Hồ) 3,5 km về phía Đông Nam, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 45. Di sản thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Thành và Tiểu khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
Năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở vùng đất An Tôn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay). Năm 1398 ông cho dời đô từ Thăng Long về An Tôn đổi tên gọi là Tây Đô.
Bên cạnh việc xây dựng cung điện trong Hoàng thành, đắp La thành…Vương triều Hồ đã cho đắp đàn Nam Giao làm nơi tế lễ trời đất hằng năm của vua. Dưới sự tác động của thời gian, khí hậu, con người, đàn Nam Giao thuộc di sản thế giới Thành Nhà Hồ (Tây Đô) đang dần bị xuống cấp.
Đàn Nam Giao Tây Đô bị quên lãng trong lòng đất qua nhiều thế kỷ. Khu Di tích này được phát hiện, đưa vào thống kê từ những năm 80 của thế kỷ XX. Năm 1990 cụm di tích lịch sử văn hóa gồm: Đền thờ Trần Khát Chân, Chùa Giáng (Tường Vân), Chùa Giò (Nhân Lộ) và Đàn tế Nam Giao thuộc xã Vĩnh Thành đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Những bí ẩn của Đàn Nam Giao Tây Đô bắt đầu được hé lộ từ năm 2004. Tháng 10 năm 2007, Đàn tế này đã được công nhận là di tích khảo cổ cấp Quốc gia.
Kể từ năm 2004 đến năm 2016, đàn Nam Giao Tây Đô đã qua 4 lần nghiên cứu khai quật với tổng diện tích 18.000m2. Việc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên phần lớn kiến trúc chính với quy mô và cấu trúc của di sản đã được nhận diện.
Cùng với các di tích khác, đàn Nam Giao đã hợp thành một quần thể kiến trúc đặc trưng của nhà Hồ, là công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh… Đàn tế Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của Thành Nhà Hồ và góp phần đưa tổng thể Khu di tích Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Thế giới.
Theo Laodongthudo