Thái Nguyên là một tỉnh miền núi trung du phía Bắc, tiếp giáp với Hà Nội và nổi tiếng với đặc sản chè ngon nổi tiếng khắp cả nước. Vùng đất này là nơi có nhiều cộng đồng các dân tộc sinh sống nên còn giữ nhiều bản sắc văn hóa đa dạng như dân tộc Tày, H’Mông, Dao cũng như được thiên nhiên ưu ái cho nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt sắc.
1. Hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà
Hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà nằm ở huyện Võ Nhai nơi có hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, cách thành phố Thái Nguyên 45km, một trong những danh thắng đẹp nổi tiếng nơi này.
Để leo lên được tới cửa hang Phượng Hoàng, phải trải qua một chặng đường rải đầy đá mèo với độ cao khoảng 500m, nhưng khi đến cửa hang du khách sẽ quên ngay chặng đường khó khăn đã vượt qua bởi khung cảnh hùng vĩ, trữ tình hiện ra trước mắt.
Phượng Hoàng là một hang động rộng và có vẻ đẹp kỳ lạ. Từ cửa hang có thể bao quát hết quang cảnh cả vùng đất rộng lớn. Hai vòm cửa hang rộng và cao hàng chục mét. Bước vào trong hang, ánh sáng từ hai cửa rọi vào làm khung cảnh càng thêm lung linh, huyền ảo.
Hang gồm có ba tầng, tầng thượng là Hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng, tầng cuối là Hang Tối. Hang Sáng là hang rộng nhất, được ánh sáng từ của hang chiếu vào làm các khối nhũ đá trở nên kỳ vĩ.
Từ trên đỉnh hang, vách hang không biết bao nhiêu nhũ đá được mẹ thiên nhiên tạc thành những khối nhũ đẹp tuyệt. Du khách cứ thế tưởng tượng ra nào là hình ảnh mẹ bồng con, nào là chim phượng hoàng cất cánh, hổ phục, voi chầu, kỳ lân….
Dưới chân núi Phượng Hoàng là hang Mỏ Gà, được đặt theo tên dòng suối Mỏ Gà chảy ra từ trong lòng hang. Hang Suối Mỏ Gà cách hang Phượng Hoàng chỉ 100 m, rộng trừng 10-15m, cao 2m-15m, chiều sâu của hang 150- 200m. Suối Mỏ Gà nhiều thác ghềnh dài khoảng 10–15 m, dòng nước chảy tại những ghềnh thác này được ví như những dải lụa.
2. ATK Định Hóa
Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa trên địa bàn các xã Phú Ðình, Ðiềm Mặc, Thanh Ðịnh, Ðịnh Biên, Bảo Linh, Ðồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Từ mùa Xuân năm 1947 ở khu vực Việt Bắc đã hình thành ATK của các cơ quan Trung ương, chủ yếu nằm trên địa bàn 4 huyện: Định Hóa – Thái Nguyên, Chợ Đồn – Bắc Cạn, Sơn Dương và Yên Sơn – Tuyên Quang, là đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, quân đội và mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
ATK có diện tích trên 5.200km2, giáp ranh các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn đặt căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến từ năm 1946 đến 1954. ATK Định Hóa hôm nay trở thành điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Thái Nguyên, hằng năm thu hút hàng triệu du khách đến tham quan và tưởng niệm một thời hào hùng của dân tộc.
Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt ông trồng, phiến đá ông thường nằm nghỉ trưa..
3. Thác Khuôn Tát
Thác Khuôn Tát người dân địa phương còn gọi là thác Bảy Tầng, thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình. Thác ở không xa các di tích Tỉn Keo, đồi Phong Tướng, lán Khuôn Tát, nhà trưng bày ATK Định Hóa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa.
Từ trên đỉnh đèo De cao vút, nhìn xuống thác Khuôn Tát, bốn bề có nhiều cây cổ thụ, thác bảy tầng thiên tạo như những bậc thang nhà sàn, nguồn nước trong vắt đổ ào ào, tung bọt trắng xoá quanh năm. Độ cao tính từ đỉnh xuống chân thác trên 20m, tầng dưới cùng đẹp nhất, cao khoảng 12m, rộng 15m, các tầng còn lại phía trên cao chênh lệch nhau từ 2 đến 3m và chiều rộng thu nhỏ dần lên đỉnh thác. Du khách có thể leo lên các tầng thác, mỗi tầng đều có bóng cây toả mát, phía dưới từng tầng, nước đổ xuống tạo thành bồn tắm, có nhiều tảng đá bằng phẳng, du khách vừa phơi nắng vừa có tiếng vượn kêu, chim hót, hít thở không khi trong lành của thiên nhiên.
Thác Khuôn Tát, khu vực đầu nguồn suối Tỉn Keo thật là nơi lý tưởng để du ngoạn, bơi lội, cắm trại, dã ngoại.
4. Đồi chè Tân Cương
Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km về phía Tây Nam, Đồi chè Tân Cương được thiên nhiên ban tặng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Những gốc chè được trồng trên những ngọn đồi thoai thoải, hướng về phía mặt trời mọc để có thể hấp thụ những tinh hoa của khí trời. Nhìn từ xa, những đồi chè như những con thằn lằn khổng lồ, hiền lành đang phơi mình dưới cái nắng vàng của vùng trung du – đồng bằng Bắc Bộ.
Chè Tân Cương hội tụ đủ 4 tiêu chuẩn: thanh, sắc, vị, thần. Chè có màu xanh vàng óng, cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh, uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, lúc mới uống có vị chát êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu, hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác.
Con người Tân Cương rất thân thiện và mến khách. Đến đây, du khách có thể bắt chuyện với họ dễ dàng để có thể tìm hiều thêm về công việc làm chè và cuộc sống nơi đây.
5. Khu du lịch hồ Núi Cốc
nằm cách trung tâm thành phố khoảng 16 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 km.Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo, hình thành sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng từ năm 1973 đến 1982. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12.000 ha đất, giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu, đáp ứng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi cá.
Hồ Núi Cốc là vùng du lịch sinh thái gắn với nhiều huyền thoại, nổi bật là chuyện tình nàng Công và chàng Cốc, một người ra đi nước mắt chảy thành sông còn một người chờ đợi hóa thành núi. Hồ Núi Cốc đẹp nhất vào thu khi các hoạt động vui chơi, nghệ thuật không rầm rộ như mùa hè nên du khách có thể thoải mái tận hưởng không gian tĩnh lặng và phong cảnh thiên nhiên xanh mát hơn.Du khách có thể đi thuyền tham quan các đảo đất, ngắm cảnh hồ, khám phá ngôi nhà hơn 200 tuổi với nhiều di vật quý giá trên Núi Cái, quần thể chùa Thác Vàng… hoặc vui chơi trong công viên nước khi mùa hè tới
6. Đát Đắng
Đát Đắng nằm ở xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Điểm hấp dẫn của Đát Đắng chính là cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, được đắm chìm trong những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt, trong một bầu không khí trong lành, mát mẻ, và những dòng thác tuôn chảy.
Từ xã Phú Xuên du khách đi bộ khoảng 2 km băng qua những con suối, những bãi đá lởm chởm, những ngọn đồi xanh cỏ, thác Đát Đắng hiện ra tầng tầng,lớp lớp chắc chắn sẽ không phụ công sức của những vị khách đam mê du lịch và khám phá. Dòng thác từ trên cao đổ xuống bọt tung trắng xóa, luồn qua những khe đá tai mèo rồi đổ xuống những hủng sâu. Nước từ trong khe núi chảy ra trong vắt, mát lạnh, giữa cái thời tiết oi ả, chói chang của mùa hè mà được ngâm mình trong dòng thác trong veo thì không gì thú vị bằng.
Đến với Đát Đắng du khách như lạc vào một không gian hoàn toàn mới, thoát khỏi cái ồn ã, xô bồ nơi phố thị, hít thở không khí trong lành và cảm nhận âm thanh núi rừng đang ở quanh ta, hòa với ta
7. Hồ Ghềnh Chè
Hồ Ghềnh Chè nằm ở xã Bình Sơn, TP Sông Công, Cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20 km về phía nam Diện tích 40 ha, được bao quanh bởi những cánh rừng bạch đàn, rừng mỡ bạt ngàn. Đến Hồ Ghè Chè du khác thuê thuyền máy đến giữa dòng chảy của hồ, mơ màng hít thở không khí trong lành dưới bầu trời trong, nắng dịu nhẹ, làn nước xanh mát. Ngước nhìn các triền rừng tái sinh và những thảm thực vật đa dạng, phong phú bao quanh lòng hồ giúp du khách cảm thấy thật thư thái.
Với 45 đảo và bán đảo lớn nhỏ, hồ Ghềnh Chè đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho những người thích khám phá đi picnic cuối tuần.Đến đây bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn mộc mạc và thư thái hưởng cái thú ngồi uống tách trà sạch thơm mát chắc chắn sẽ khiến du khách lưu luyến muốn trở lại nơi đây nhiều lần nữa.
8. Chùa Hang
Lễ hội Chùa Hang, Thái Nguyên diễn ra vào ngày 19-20 tháng Giêng hàng năm (Ảnh – Nguyễn Công Hưng)
Chùa Hang còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”, tên chữ là “Kim Sơn Tự”. Di tích thắng cảnh Chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn, độc lập trên vùng đất bằng phẳng… Ngọn núi đứng giữa có tên là “Huyền Vũ” cao to vững trãi, hai bên là hai ngọn “Thanh Long – Bạch Hổ” vươn cao uy nghi, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa chừng 1000m có diện tích chân núi chừng 2,7ha.
Núi Chùa Hang xưa gọi là núi đá Hóa Trung (núi Long Tuyền), động Chùa Hang còn gọi là động Tiên Lữ, có nhiều nhũ đá đẹp, trong động thờ Phật. Trên vách đá của động hiện có câu đối cổ bằng chữ Hán
Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất
Danh lam nhân tạo thị vô song
Tạm dịch:
Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất
Danh lam do con người tạo cũng không gì sánh được
9. Đền Đuổm – Núi Đuổm
Núi Đuổm, xưa gọi là Điểm Sơn, nằm kề quốc lộ 3, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Tây – Bắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí xếp Điểm Sơn là danh thắng của đất Thái Nguyên và tả: “ Điểm Sơn… phía trước núi có phiến đá chỗ lên chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền”.
Từ xa nhìn vào, Núi Đuổm với sáu ngọn núi đá tựa sáu đầu rồng. Ngọn ở phía cực Đông như mọc ra một “tháp đá” chọc thẳng lên trời xanh. Các vách đá thẳng đứng, rêu phong cổ kính. Quanh núi, nhiều cây cổ thụ đường kính gốc hơn một mét.
Dưới chân núi, phía Đông Bắc, có đền thờ nổi tiếng linh thiêng thờ danh nhân Dương Tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương, Phò mã hai đời vua nhà Lý, có nhiều công lao bảo vệ vững chắc miền biên cương phía bắc quốc gia Đại Việt (đền Trung) và hai nàng công chúa Diên Bình và Thiều Dung vợ ông (đền Hạ), thân mẫu của ông (đền Thượng).
10. Đình Phương Độ
Đình Phương Độ thuộc làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đình Phương Độ được xây dựng vào thế kỷ 15 thờ Đức thánh Dương Tự Minh.
Đình Phương Độ là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê, với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Gác chuông được xây 3 tầng, trước cổng đình là ao bán nguyệt. Đình được dựng lên bởi 48 cột lim có đường kính 0,3-0,5m. Bốn góc đình được thiết kế hình mũi cong tạo cho đình một vẻ đẹp thanh thoát nhẹ nhàng. Trên mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ở trong đình, trên – dưới các đầu trụ, đầu cầu và các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” (Long –Ly – Quy – Phượng) rất khéo léo, công phu.
Gian chính của đình là nơi đặt điện thờ gồm: Một bàn hương án trang trọng lộng lẫy gọi là Thượng Cung Đình. Trên Thượng Cung Đình có Cửa Vọng được sơn son thiếp vàng. Phía trong Nội Cung đặt tượng đức thánh Dương Tự Minh tạc bằng gỗ hình nổi. Bên tả và bên hữu của bàn hương án là bộ “Hạc đứng lưng Quy” thể hiện cho sức mạnh và sự chiến thắng. Trong gian chính còn có câu đối, các bức tranh, bộ bát cửu…được bố trí hài hoà làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: Một sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; Bàn hương án của cuối thời lê Đầu Thời nguyễn; Bát hương sành cổ (thời Lê); Hai cây nến đồng cao 0,8m (thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án…được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế.
PV