Trong những ngày này, cả nước đang hướng về mảnh đất Miền Trung ruột thịt, hướng về đồng bào Miền Trung đang oằn mình trong bão lũ, chịu bao đau thương mất mát do thiên tai tàn phá nặng nề. Cùng chung những tấm lòng vàng: “Vì nhân dân Miền Trung thân yêu, lá lành đùm lá rách”. Trong hai ngày 30 và 31/10 vừa qua, tập thể cán bộ, phóng viên tạp chí Văn hiến Việt Nam ở hai đầu Nam – Bắc đã có chuyến đi mang theo gần 600 phần quà và 20.000.000 vnd tiền mặt để đến với bà con nhân dân các dân tộc của hai huyện miền núi là Bố Trạch và Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, những nơi đoàn tạp chí Văn hiến Việt Nam đến thăm và tặng quà là những nơi bà con rất nghèo khó mà trước đó chưa có đoàn từ thiện nào đi qua…
Sáng 28/10, chuyến xe mang BKS 47C-116.38 xuất phát từ Văn phòng Ban Chuyên đề phía Nam của tạp chí Văn Hiến Việt Nam với tải trọng gần 7 tấn hàng hóa hướng về Miền Trung, xe vượt qua tâm bão số 10 đang đổ bộ vào khu vực Trung Miền Trung để ngay trong đêm 29/10 đã tới Quảng Bình an toàn (tất cả hàng hóa đều là nhu yếu phẩm và đồ dùng thiết yếu được mua mới 100%, như: chăn, màn, sữa hộp, dầu chữa bệnh, gạo, mỳ thùng…). Nhằm đưa quà được kịp thời, nhanh chút nào bà con sẽ bớt đi gian khổ chút đó, sau khi hội ý với phóng viên Trần Viết Thanh (trưởng Nhóm phía Nam của tạp chí Văn hiến Việt Nam), lúc 23h00 đoàn đã lên đường tiếp cận xã miền núi Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) ngay trong đêm. Một gia đình ở xã Sơn Trạch, cũng là xã bị ngập lụt nặng nề, họ là cộng tác viên của tạp chí đã cho đoàn nghỉ lại để sáng hôm sau tiếp tục công việc.
Được sự hỗ trợ kịp thời của Đảng ủy và UBND xã Hưng Trạch, 300 suất quà được trao tặng cho bà con hai thôn là Khương Hà 1 và Cổ Giang trong xã, là hai điểm nước ngập sâu trong cơn bão số 9. Nhìn bà con xếp hàng nhận quà ngay trên bãi bùn đất nước vừa rút đi mà ai nấy không khỏi chạnh lòng. Cũng tại xã Hưng Trạch, đoàn tặng 2.000 cuốn vở cho các cháu học sinh của Trường tiểu học Hưng Trạch số 1, tặng tiền mặt cho 4 gia đình có người chết và mất tích trong trận bão lũ… Lại sau bữa cơm vội vàng, đoàn di chuyển trong mưa gần 100km ngược đường lên phía Tây rừng Trường Sơn nơi có bản làng người Rục của xã Thượng Hóa bị nước lũ cô lập hơn một tháng, nay đang sống trong cảnh bùn đất và đói rét (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, là xã nghèo nhất trên cả nước hiện nay).
Bản Mò O Ồ Ồ và bản Ón là hai bản thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa nằm sâu hút trong dãy rừng Trường Sơn, ở đây chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, phần lớn là bộ tộc người Rục và số ít dân tộc Chứt, dân tộc Sách sinh sống. Đời sống của bà con rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu. Nay bị bão lũ cô lập chia cắt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài dẫn đến đời sống sinh hoạt vô cùng gian khổ. Khi khó khăn, nhân dân ở đây chỉ có trông chờ vào sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng, trong khi Đồn biên phòng Cà Xèng không chỉ giúp đỡ hai bản Mò O Ồ Ồ và bản Ón mà còn phải hỗ trợ trên toàn địa bàn của hai xã nghèo đói là Thượng Hóa và Hóa Sơn…
Đoàn công tác của tạp chí Văn hiến Việt Nam đến địa điểm có thể đi xuồng gỗ vào bản Mò O Ồ Ồ và bản Ón đã 14g30 chiều. Từ đường mòn Hồ Chí Minh vào bản phải tăng bo qua 2 lần xuồng gỗ, hết lần xuồng thứ nhất phải xuống khuân vác hàng hóa lội bùn gần 1km sau đó tiếp tục đi xuồng lần thứ 2 rồi leo bộ vào bản. Tuy nhiên, do nước lũ rất mạnh và bị ngập sâu nên xuồng không thể hoạt động. Tại đoạn đường tập kết để đi vào bản đã có 4, 5 xe cứu trợ của các tỉnh ở Miền Đông Nam bộ cũng không thể di chuyển được đã phải dừng lại để xả hàng cung cấp cho bà con dân bản sinh sống ở hai bên ven đường mòn.
Với phương châm, hàng hóa nhất định phải đến được với bà con dân bản đang gặp hoạn nạn. Đoàn công tác lại quyết định xé mưa để tiến lên 100km nữa về phía Tây đỉnh rừng Trường Sơn, nơi có Cửa khẩu Cha Lo xa xôi. Nhưng thiên nhiên tàn bạo và khắc nghiệt, đường đi bị sạt lở nghiêm trọng, khu Cha Lo bị chia cắt cô lập hoàn toàn, nhiều đoàn cứu trợ phải dừng lại trong sự thương xót và đau buồn… Các CTV của tạp chí tại Quảng Bình đã nhanh chóng cập nhật thông tin và cung cấp cho đoàn 2 bản (thôn) rất nghèo khó mà chưa có đoàn nào cứu trợ, đó là bản Rục và bản Vôồng của huyện Minh Hóa. Hai xe mang băng-rôn “Tạp chí Văn hiến Việt Nam hướng về Miền Trung” lại tiếp tục di chuyển trong tiết trời ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10.
Tại bản Rục, nhìn bà con “chân lấm tay bùn”, quần áo xộc xệch, anh em trong đoàn đã có người rớm lệ. Trưởng thôn Cao Quang Trung vừa xếp vội đồ đạc cũ kĩ, xua gọn những chiếc bàn ghế rệu rạo trong nhà văn hóa thôn, rồi vừa nói: “Chưa có đoàn nào tới đây cả, hôm trước chỉ có một nhóm thiện nguyện có về phát cho bà con mỗi một hộ nghèo được 1 gói cháo, 2 chai nước la-vi và 2 gói mì tôm. Hôm nay đoàn nhà báo của các anh đến là đoàn đầu tiên…”. Bà con nghèo về vật chất nhưng rất “giàu” về ý thức, tất cả đều giữ trật tự và ngồi yên lặng trong nhà văn hóa. Những đôi mắt đỏ hoe nhìn đống quà đầy đặn với mỗi một túi quà trong đó đựng nhiều nhu yếu phẩm mới tinh như: chăn, màn, sữa (hộp 1kg), dầu gió (180vnd/lọ), một thùng mì, một bao gạo… được xếp trên bàn thì bà con đã nhiều người đã chắp hai tay đưa lên ngực thay cho lời nói và tình cảm của họ. Ở đây, hầu hết là bà con người Nguồn, đâu đó có nhiều tiếng xì xầm bằng ngôn ngữ Nguồn nghe lơ lớ: “Đoàn nhà báo tốt quá, đoàn nhà báo về giúp dân mình rồi”. Trước khi phát quà, trưởng thôn Cao Quang Trung đứng lên nói với bà con bằng tiếng Nguồn nhưng người nghe vẫn hiểu được rằng: “Nhà báo họ cũng nghèo, nhưng họ về giúp chúng ta là những người nghèo thì mong tất cả bà con thôn bản chúng ta cảm ơn họ bằng cố gắng thoát nghèo nha bà con!”. Có 77 phần quà được trao cho 77 hộ, trong đó Bí thư Chi bộ đề nghị quan tâm tới 4 hộ già yếu, cô đơn, đang bị ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đoàn đến tận nhà của 4 trường hợp và hoàn cảnh của họ quá vất vả, trong căn nhà thưng ván gỗ tuyềnh toàng, cũ rích và hở hoác, tài sản lớn nhất chỉ là chiếc giường cũ kĩ để nằm. Cụ bà Đinh Thị Kì hơn 80 tuổi, là mẹ liệt sĩ, con dâu bệnh tật hiểm nghèo giai đoạn cuối, đoàn hỗ trợ thêm cho gia đình cụ 3.000.000đ, những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khác như bà Cao Thị Thanh Bình, Đinh Thị Bài, Đinh Thị Thiên đều nhà nghèo lại đang bị bệnh tật hiểm nghèo đoàn hỗ trợ thêm mỗi người 1.000.000đ…
Rời bản Rục trong chiều muộn, đoàn di chuyển sang bản Vôồng nằm sâu trong hẻm núi. Ở đây, bà con còn rất nhiều người chưa hiểu “từ thiện” hay “thiện nguyện” là gì (?). Cũng chưa thấy đoàn từ thiện nào về bản. Nay nghe tin có đoàn nhà báo cũng là lần đầu tiên bà con nhìn thấy một đoàn từ thiện và nhìn thấy “nhà báo bằng da bằng thịt” ở Nhà văn hóa thôn hẳn hoi! Gồm 55 gia đình là 55 hộ nghèo và cận nghèo có mặt tại nhà văn hóa thôn Vôồng được trao túi quà của tạp chí Văn hiến Việt Nam, nhiều người run rẩy khi nhận quà từ tay người trao, có 5 cụ bà già nua sức khỏe rất yếu có mặt tại hội trường được đoàn hỗ trợ thêm tiền mặt. Tất cả các gia đình nhận quà xong không thấy họ ra về, chúng tôi hỏi thì trưởng thôn Đinh Trọng Hiên cho biết: “Bà con cảm động đấy, bà con không về mà ngồi đợi để cảm ơn các nhà báo, cảm ơn các nhà hảo tâm, để đứng tiễn đoàn ra về đó!”. Khi rời nhà văn hóa bản Vôồng, tất cả bà con vỗ tay rào rào và ra đứng ngoài hiên nhìn hai chiếc xe của đoàn từ từ rời đi trong trời mưa rào khi bóng tối đã bắt đầu chùng xuống… Không ai nói với ai, nhưng tất cả, các nhà báo và các nhà tài trợ đều rưng rưng một cảm xúc, đều thấy việc làm ý nghĩa của đoàn đã đến được với đúng người nghèo khổ… Rời huyện Minh Hóa khi trời đã về đêm, mưa rào tầm tã, đường mòn Hồ Chí Minh sạt lở nhiều đoạn, quay về tới xã Sơn Trạch đoàn nghỉ lại để sáng hôm sau trao tặng 25 phần quà cho các gia đình bị nước nhấn chìm tại xã Sơn Trạch. Rồi di chuyển tiếp đến trường Mầm non Bắc Dinh, nơi có nhiều trẻ em thuộc con em gia đình khó khăn trong vùng bão lũ để trao tặng nhà trường 1.000 chai nước khoáng sạch và 15 phần quà trước khi di chuyển ra thành phố Đồng Hới.
Tại thành phố Đồng Hới, trước khi anh em trong đoàn công tác chia tay nhau để người về Nam, người ra Bắc. Như đã hẹn trước đó với anh em văn nghệ sĩ – những con người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đoàn đã đến thăm Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình và trao 20 phần quà cho 20 gia đình nghệ sĩ, diễn viên, đều là các gia đình ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Quảng Trạch đã bị bão lũ nhấn chìm, làm hư hỏng nhà cửa, tài sản và đồ dùng sinh hoạt. Một nghệ sĩ có hoàn cảnh éo le, nhà cửa hư hỏng nặng do bão lũ, có mẹ già neo đơn nuôi hai con bị bệnh thần kinh đoàn đã đến tận nhà hỏi thăm và hỗ trợ thêm quà và tiền mặt cho gia đình để động viên…
GIÀNG NHẢ TRẦN
Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc Ban Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời để Đoàn công tác của Tạp chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thăm hỏi và động viên bà con nhân dân vùng bão lũ Miền Trung. Cảm ơn các Nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đã đóng góp tiền, vật chất và công sức cho đoàn. Cảm ơn nhóm Đinh Thị Diệu Hoa là cộng tác viên của Tạp chí tại Quảng Bình đã hỗ trợ và đóng góp tích cực cùng đoàn vượt qua khó khăn. Trong đó, xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các tập thể và cá nhân:
VỀ TẬP THỂ:
1- Cty Life Gift VN & Vpharm ủng hộ 500 chiếc màn,
500 hộp cá hộp trị giá 45 triệu đồng.
2- Công ty Life Herbal Health tặng 500 chai dầu gió Huili – Singapore trị giá 80 triệu đồng.
3- Doanh nhân Võ Thanh Thi ủng hộ 2 tấn gạo trị giá 30 triệu đồng và một số hàng hóa khác.
4- Doanh nhân Nguyễn Thanh Sơn và Công ty BCA Solutions đã ủng hộ 500 hộp sữa loại 1kg trị giá 30 triệu đồng.
5- Công ty Laptop Triều Phát: Ủng hộ 30 thùng mì trị giá 2,5 triệu đồng.
6- Công ty Thiết bị Y tế Tam Lan ủng hộ 25 thùng mì trị giá 2 triệu đồng.
7- Ca sĩ Lâm Chấn Kiệt cùng Nhóm thiện nguyện ủng hộ 200 phần quà trị giá 40 triệu đồng.
8- Công ty Tân Việt Mỹ ủng hộ 1000 chai nước suối, 2000 cuốn tập trị giá 20 triệu đồng.
9- Đội Cảnh sát Phòng ngừa, Đấu tranh và Hướng dẫn điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Công an Tp Cần Thơ
10- Đội Cảnh sát Công nghệ cao, CA TPHCM
VỀ CÁ NHÂN:
1- Nhà báo Nguyễn Thế Khoa – Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam ủng hộ 1.000.000 đồng.
2- Nhà báo Trần Tấn Ngô – Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam ủng hộ 1.000.000 đồng.
3- Nhà báo Phạm Thị Ngọc Anh – Tạp chí Văn hiến Việt Nam ủng hộ 1.000.000vnd.
4- Nhà báo Trần Đức Long – Tạp chí Văn hiến Việt Nam ủng hộ 1.000.000 đồng.
5- Nhà báo Trần Viết Thanh – Tạp chí Văn hiến Việt Nam ủng hộ 2.000.000 đồng.
6- Nhà báo Nguyễn Đức Hải – Tạp chí Văn hiến Việt Nam ủng hộ 1.000.000 đồng.
7 – Nhà báo Đinh Duy Quang – Tạp chí Văn Hiến Việt Nam ủng hộ 1.000.000 đồng.
8 – Nhà báo Ngô Văn Tới – Tạp chí Văn hiến Điện tử ủng hộ 1.000.000 đồng.
9- Nhà báo Nguyễn Đình Tuyến – Tạp chí Văn hiến Điện tử ủng hộ 1.000.000 đồng.
10- Nhà báo Đào Thu Trang – Báo Công lý ủng hộ 1.000.000 đồng.
11- Chị Vũ Thị Thu Hương – Cán bộ công tác tại Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ủng hộ 1.000.000 đồng.
12- Chị Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Doanh nhân tại Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ủng hộ 1.000.000 đồng.
13- Nhà giáo Lê Thị Làn, người con quê hương Hải Dương nay là Doanh nhân tại Sài Gòn ủng hộ 1.000.000 đồng.
14- Anh Đỗ Tuấn, doanh nghiệp ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ủng hộ 2.000.000 đồng.
15- ĐD Nguyễn Thanh Tuấn – Đài HTV Tp Hồ Chí Minh ủng hộ 500.000 đồng.
16- Nghệ sĩ Quyết Trường Thái – Liên đoàn Xiếc Việt Nam ủng 500.000 đồng.
17- Chị Lê Thị Lan, nhà hảo tâm ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội ủng hộ 500.000 đồng.
18- Anh Tạ Toàn, ủng hộ 100.000 đồng.
19- Chị Phương Thanh, ủng hộ 100.000 đồng