Chiều 3-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính; Hiệp hội Du lịch Việt Nam và một số doanh nghiệp du lịch về việc tái cơ cấu thị trường khách du lịch trong bối cảnh ngành du lịch nước ta đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Tại buổi họp, lãnh đạo Tổng cục Du lịch báo cáo về những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến hoạt động của ngành. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách du lịch trong nước cũng giảm hơn 58%, tổng doanh thu từ du lịch chỉ đạt hơn 150 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47%. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước phải dừng hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương, công suất sử dụng phòng tính trung bình tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% công suất, chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty. Theo dự tính, nếu tình hình cho phép đón khách quốc tế trở lại sớm ngay trong quý III tới, thì cũng chỉ có thể đạt khoảng từ sáu đến tám triệu lượt khách trong năm so với hơn 18 triệu lượt khách trong năm 2019.
Tại cuộc họp, đại biểu các bộ, ngành và doanh nghiệp du lịch có nhiều ý kiến và cùng chung quan điểm, trong tình hình khó khăn hiện tại, tập trung đẩy mạnh du lịch trong nước là giải pháp thiết thực để duy trì và từng bước phục hồi du lịch Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động du lịch trong nước đang dần khởi sắc trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, không lây lan ra cộng đồng và các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4 vừa qua. Sau khi ngành du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” đã có nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng, triển khai các kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp, liên kết sản phẩm cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa hai ngành du lịch và hàng không. Các đại biểu cũng đề nghị, cần có một chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương giúp du lịch phục hồi, tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và thực hiện miễn giảm thuế và các khoản thu, thống nhất các mức giảm giá chung, không gây nhiễu thị trường và bảo đảm chất lượng dịch vụ, đồng thời phối hợp liên kết truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh: Chính phủ nhận thức rất rõ, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ đã và đang chịu sức ép rất lớn, cần được tiếp sức bằng giải pháp thiết thực. Do tình hình dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới còn rất phức tạp, kéo dài vì vậy ngành du lịch cần phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương tận dụng các điều kiện để thúc đẩy du lịch nội địa, không để các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ và du lịch cộng đồng. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp du lịch; lưu ý các địa phương cần quan tâm và tiếp tục giảm các loại phí, khoản thu về du lịch một cách đồng đều. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch và các địa phương khẩn trương xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể đối với kích cầu du lịch nội địa, tập trung xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Ðông Bắc, Duyên hải miền trung… không để doanh nghiệp du lịch làm một cách tự phát, riêng lẻ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với khách du lịch quốc tế, ngành du lịch cần theo dõi sát tình hình kiểm soát dịch ở các thị trường lớn, chuẩn bị kế hoạch để sẵn sàng đón khách, nhưng chỉ triển khai khi đã thật sự an toàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hình thức quảng bá trực tuyến, phối hợp xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, chuyển tải đến bạn bè quốc tế thông điệp về một “Việt Nam an toàn”.
Theo Nhandan