Mặc dù trên danh nghĩa là bề tôi của nhà Hán, thế nhưng Tào Tháo thậm chí còn cả gan đi trộm mộ của một nhân vật khét tiếng trong hoàng tộc Hán triều.
Từ cổ chí kim, người đời vẫn thường cho rằng trộm mộ là một nghề vốn chẳng lấy gì làm vẻ vang của những kẻ đi đêm.
Thế nhưng ít ai biết rằng, lịch sử phong kiến Trung Hoa từng ghi nhận không ít câu chuyện về các nhân vật nổi danh dấn thân vào nghề đạo mộ này. Tào Tháo thời Tam Quốc cũng là một trong số đó.
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, Tào Tháo năm xưa thậm chí còn sở hữu cả binh đoàn chuyên đi hành nghề trộm mộ.
Trong số những phi vụ mà đội quân của ông từng thực hiện, nổi tiếng hơn cả phải kể tới sự kiện Tào Mạnh Đức cho người đi vơ vét một ngôi mộ của hoàng tộc thời nhà Hán và thu về số kho báu đủ để nuôi cả đại quân trong vòng… 3 năm.
Vậy liệu rằng chủ nhân của lăng mộ ấy là đại nhân vật nào? Số châu báu trong nơi an nghỉ của người đó có thực sự kếch xù tới nỗi giúp Tào Tháo nuôi quân tới hàng năm trời hay không?
Binh đoàn trộm mộ dưới trướng Tào Tháo – những kẻ đi đầu trong giới đạo mộ
Về những binh đoàn đạo mộ trong lịch sử Trung Hoa, sử liệu từng ghi lại một số thông tin về “Mô kim giáo úy” và “Phát khâu trung lang tướng”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, “trung lang” và “giáo úy” đều là các chức quan trong quân đội vào thời phong kiến. Và nhân vật khai sáng đầu tiên cho 2 binh đoàn đạo mộ khét tiếng này không phải ai xa lạ mà chính là Tào Tháo thời Tam Quốc.
Năm xưa khi Tào Tháo và Viên Thiệu quyết chiến, đại tài tử đương thời là Trần Lâm từng giúp họ Viên thảo ra một trang “Vi Viên Thiệu hịch Dự Châu”.
Trong áng văn này, Trần Lâm đã chỉ ra không ít tội trạng của Tào Tháo. Trong số đó có bao gồm cả tội trộm mộ – hành vi bị xếp vào dạng tồi tệ nhất thời bấy giờ.
Hơn nữa, trang hịch văn nói trên thậm chí còn không ngần ngại chỉ rõ các thủ đoạn đạo mộ tinh vi do thủ hạ của Tào Tháo làm nên.
Trên thực tế, năm xưa Tào Tháo vì quanh năm xuất chinh nên không có thời gian chú trọng phát triển kinh tế.
Trong khi đó, việc cung ứng cho đại quân cần một số lượng không nhỏ lương thực. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai, lương thực thời bấy giờ dần trở nên khan hiếm.
Do đó, ông đã tìm ra một cách để làm giàu nhanh chóng nhằm giảm đi gánh nặng tài chính và giải quyết vấn đề nuôi quân vào thời điểm bấy giờ. Đó chính là trộm mộ để đem bảo vật đổi lấy tiền bạc.
Những binh đoàn trộm mộ dưới tay ông đã từng “khoắng” sạch không ít ngôi mộ cổ. Thậm chí họ còn trở thành những người đi đầu và phát triển kỹ thuật đạo mộ từ thời ấy.
Đội ngũ này thậm chí còn phát minh ra xẻng Lạc Dương – công cụ sau này được giới mộ tặc chuyên dùng để đào bới những ngôi mộ cổ.
Phi vụ trộm mộ hoàng tộc nhà Hán khiến Tào Tháo được một phen… “vớ bẫm”!
Trong số những phi vụ đạo mộ của mình, ngôi mộ từng giúp Tào Tháo vớ bẫm hơn cả lại là nơi an nghỉ của một nhân vật nổi danh thuộc hoàng tộc nhà Hán. Đó chính là Lương Hiếu vương Lưu Vũ.
Lưu Vũ (184 TCN – 144 TCN), là tông thất và một phiên vương nhà Hán. Ông từng tham gia dẹp loạn bảy nước, tranh chấp ngôi Thái tử, đồng thời cũng là chư hầu vương có thế lực nhất đương thời và sở hữu đãi ngộ, quyền uy không khác gì Thiên tử.
Về của cải của vị phiên vương này, sử liệu ghi rằng năm xưa sau khi dẹp loạn bảy nước, ông đã được tăng thêm phong ấp, sở hữu tổng cộng hơn 40 thành trì và trở thành chư hầu có lãnh thổ lớn nhất lúc đó.
Sử cũ còn ghi lại, năm xưa Lưu Vũ ở nước Lương từng ở trong tòa cung điện có tổng quy mô trải dài tới… 30 dặm. Chưa dừng lại ở đó, tương truyền rằng chỉ riêng số tiền cất giữ trong kho ở đất phong của ông đã có thể lên tới con số cả ngàn tỷ.
Sau khi vị chư hầu này qua đời, Hán Cảnh Đế đã đem toàn bộ số tài sản ấy hậu táng vào lăng mộ của chính Lưu Vũ.
Cho tới ngày nay, lăng của Lương Hiếu Vương thực sự chôn giấu bao nhiêu tài sản vẫn không có cách nào kiểm chứng.
Chỉ có điều nhìn vào địa vị và tài lực của ông lúc sinh thời cũng đủ biết rằng bên trong nơi an nghỉ của vị chư hầu ấy chắc chắn ẩn chứa một kho báu với giá trị mà ít ai có thể tưởng tượng nổi.
Thiết nghĩ thân là một nhân vật nức tiếng trong hoàng tộc thời nhà Hán, lăng mộ của Lưu Vũ ít nhiều cũng có thể trụ vững cho tới khi triều đại này đến hồi mạt vận.
Thế nhưng sự thực là ngay cả khi nhà Hán còn làm chủ Trung Hoa dù chỉ trên danh nghĩa, nơi an nghỉ của ông đã bị một kẻ mang danh thần tử của triều đình “khoắng sạch”. Và kẻ đó không phải ai khác ngoài Tào Tháo.
Từ đó có thể thấy, binh đoàn đạo mộ của Tào Tháo không chỉ nhằm vào mộ cổ của người xưa mà ngay tới lăng mộ của hoàng gia đương triều cũng chẳng hề kiêng kỵ hay nể mặt.
Theo “Thủy kinh chú sơ” ghi lại, Tào Tháo năm ấy khi phát hiện ra mộ Lưu Vũ đã cho binh đoàn của mình vào phá quan tài, số tài vật thu về lên tới cả mấy chục ngàn cân.
Cũng nhờ lần phát tài ấy, Tào Tháo mới có thể vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn đỉnh điểm về kinh tế lúc bấy giờ.
Thậm chí có giai thoại còn truyền lại rằng, phi vụ trộm mộ của vương gia nhà Hán mà Tào Mạnh Đức thực hiện chót lọt năm ấy đã đem tới cho ông số tiền tài kếch xù tới nỗi đủ để cấp dưỡng cho toàn bộ đại quân trong vòng 3 năm mà không cần phải lo nghĩ, từ đó có thêm chỗ dựa để xưng bá một phương.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)