Luật sư nhận định hành vi trộm xe SH rồi đâm chết 3 người truy đuổi và làm nhiều nạn nhân bị thương của băng trộm ở Sài Gòn đã phạm tội giết người và trộm cắp tài sản.
Khuya 13/5, khi tuần tra trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 10, quận 3, TP.HCM), nhóm “hiệp sĩ” của Đội “hiệp sĩ” Tân Bình thấy toán thanh niên dắt chiếc SH dựng trước một cửa tiệm thời trang, đã ngay lập tức có mặt, trấn áp vì nghi trộm xe.
Lúc truy cản, băng trộm khoảng 4 tên bất ngờ dùng hung khí tấn công khiến 2 “hiệp sĩ” tử vong. Một người dân tham gia hỗ trợ bắt trộm cũng thiệt mạng. 4 người khác bị thương.
Danh tính 2 “hiệp sĩ” tử vong là Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định). Nạn nhân còn lại chưa rõ danh tính.
Băng trộm khiến 3 người chết, 4 bị thương cấu thành tội gì?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi phạm tội của nhóm trộm thể hiện tính côn đồ, coi thường tính mạng người khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh.
Xét hành vi phạm tội của băng trộm đã cấu thành tội Giết người và Trộm cắp tài sản, quy định tại các điểm a, n khoản 1 Điều 123 và Điều 173 Bộ luật hình sự.
Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, người thi hành công vụ bao gồm cả những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội.
Trên cơ sở đó, các “hiệp sĩ” tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân khác, đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải ngay đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Có nên duy trì mô hình hiệp sĩ bắt cướp?
Luật sư Thơm chia sẻ, qua vụ việc cần thiết xem xét lại mô hình CLB phòng chống tội phạm ở TP.HCM, Bình Dương. Trên thực tế, tình hình ANTT ở một số tỉnh, thành phố diễn ra rất phức tạp.
Trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm do lực lượng công an đảm trách bởi họ thực thi trên cơ sở các quy định của pháp luật. Lực lượng này được trang bị đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ cần thiết khi thi hành công vụ.
Đánh giá về mô hình CLB phòng chống tội phạm, luật sư Thơm cho hay hoạt động này đã có nhiều thành tích. Tuy nhiên, đây là những mô hình mang tính tự phát của một nhóm các “hiệp sĩ” với mong muốn góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Hạn chế của các CLB này là không được sự trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống và đặc biệt không được trang bị các công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân cũng như chống trả lại sự manh động của tội phạm. Mặt khác, việc truy đuổi tội phạm trên đường phố khi sử dụng xe máy tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Điều 123. Tội giết người Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 2 người trở lên; có tính chất côn đồ. Điều 173. Tội trộm cắp tài sản Người trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến trên 500 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng có tình tiết bổ sung tăng nặng, thì bị phạt tù đến 20 năm hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng. |
Theo Zing