Trải qua gần 2.000 năm lịch sử, mặc mưa gió, bão táp sa mạc, bất chấp các rung địa chấn diễn ra liên miên trong lòng Trái Đất, hai bức tượng Phật khổng lồ được chạm khắc vào vách đá Bamiyan (Afghanistan) vẫn vô sự uy nghiêm trước trời đất. Nhưng nhân loại đã từng phải bất lực, tuyệt vọng chứng kiến con người vì vô minh và ích kỷ đã hủy hoại di tích văn hóa tuyệt vời này. Nhưng từ vụ phá hủy nghiêm trọng đã dẫn các nhà khoa học khám phá ra những bí mật ẩn sau hai bức tượng Phật khổng lồ này.
Từng là trung tâm Phật giáo rực rỡ của nhân loại
Trước khi hai bức tượng Phật tại Bamiyan bị chính quyền Taliban dùng thuốc nổ đánh sập, di tích này từng được coi là hai pho tượng Phật đứng lớn nhất trên thế giới, một bức cao 53 mét, một bức cao 38 mét, được khắc sâu vào vách sa thạch ở Bamiyan (Afghanistan) vào thế kỷ thứ 5.
Ngược dòng thời gian, từ thế kỷ thứ 2 cho đến trước khi có cuộc xâm lược Hồi giáo vào thế kỷ 7, Bamiyan từng là một trung tâm Phật giáo phát triển rực rỡ với nhiều tu viện và là một phần của con đường Tơ lụa nổi tiếng nối liền các vùng từ Đông sang Tây, từ Ấn Độ sang các khu vực lân cận, là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Á cho đến La Mã…
Các vị cao tăng Phật giáo thường song hành cùng các đoàn buôn để hoằng Pháp ở các vùng đất mới thông qua con đường này. Họ thường dừng chân nghỉ ngơi ở thung lũng Bamiyan xinh đẹp và đặt nền móng biến vùng đất này thành trung tâm truyền bá Phật giáo. Hai bức tượng Phật cao nhất thế giới được cho là hình thành vào khoảng năm 554.
Hằng năm, các nhà sư tổ chức lễ kỷ niệm và khá nhiều Phật tử hành hương tới chốn linh thiêng để chiêm ngưỡng tượng Phật. Hàng đoàn người hành hương cùng các nhà sư sống trong các hang động gần đó thường ngày quỳ xuống dưới chân tượng Phật để kính lễ.
Đến thế kỷ thứ 7, khi Hồi giáo tràn vào Afghanistan, đạo Phật dần mai một và các vị cao tăng cũng từ từ rời bỏ Bamiyan. Trải theo sự khắc nghiệt của lịch sử, rất nhiều di tích chùa chiền, các phù điêu, đồ tạo tác… của nhà Phật đã bị hủy hoại hoặc thất lạc. Hai tượng Phật được chạm vào vách núi nên còn trường tồn với thời gian.
Trước khi bị hủy hại, khuôn mặt của hai pho tượng đều phảng phất nụ cười trầm mặc. Cùng chiều cao, khuôn dáng cổ điển và trang phục kiểu Hy Lạp cổ đại, hai bức tượng Phật không chỉ có vị thế đặc biệt trong lịch sử Afghanistan mà cả trên thế giới.
Hủy hoại tượng Phật dẫn đến diệt vong
Với mối phức tạp của khu vực địa chính trị, Afghanistan trở thành nơi nồi da xáo thịt của các tranh chấp sắc tộc đã dẫn đến năm 1999, Taliban đã chiếm quyền kiểm soát khu vực. Nhiều người lo ngại rằng hai bức tượng Phật sẽ trở thành “chướng ngại” trong con mắt của phiến quân Taliban. Tuy nhiên, thế giới thở phào khi đại diện của Taliban nói rằng, họ sẽ bảo vệ các bức tượng.
Nhưng năm 2001, sau khi Taliban lên tiếng sẽ phá hủy tượng Phật, đã có những phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc do Đức khởi xướng đã họp khẩn,ra thông cáo lên hành vi phá hoại này. Thậm chí Nhật Bản còn đề ra một số giải pháp nhằm bảo vệ các bức tượng bao gồm lưu giữ như là di sản văn hóa nhân loại, trả chi phí cho chính Afghanistan, và xa hơn nữa là tính đến cả phương án di chuyển các bức tượng đến Nhật Bản.
Một phái đoàn quốc tế cũng tới Kabul họp với các thủ lĩnh Taliban để tìm cách bảo quản di sản, trong phái đoàn có các đại sứ Ý và Hy Lạp tại Pakistan, nhưng mọi nỗ lực đã trở nên tuyệt vọng.
Ngày 14/3/2001, Taliban huy động cả pháo chống tăng, tên lửa phòng không vác vai nã lên phía trên của tượng Phật. Tuy nhiên, bức tượng đã chứng tỏ khó thể phá hủy trước sự ngu muội của con người.
Dù bề mặt bị hư hại nặng nề nhưng hai tượng Phật vẫn trong tư thế đứng nguyên vẹn. Vì vậy, với quyết tâm hủy hại bằng được, những chiến binh Taliban đã cài nhiều khối thuốc nổ ở dưới đế chân, nhằm làm sập bức tượng từ dưới đáy. Thêm vào đó, họ còn cài thuốc nổ vào các lỗ trên thân bức tượng nhằm đẩy bật bức tượng ra khỏi vách đá.
9 tháng sau khi phá hủy hai pho tượng, từ chỗ là lực lượng hùng mạnh kiểm soát 90% lãnh thổ Afghanistan, chỉ trong vòng 1 tháng, chính quyền Taliban cũng bị diệt vong bởi liên minh do Mỹ đứng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Những khám phá bất ngờ bên trong tượng Phật
Việc phá hủy các bức tượng đã dẫn đến việc các nhà khoa học phát hiện ra nhiều điều bí mật ẩn sau hai pho tượng này. Họ đã phát hiện ra 50 hang động ở phía sau hai bức tượng, các hang động được sử dụng như là nơi ẩn cư cho các tu sĩ. Trong các hang động, các nhà khoa học đã có một số khám phá quan trọng, trong đó họ tìm thấy các bức tranh sơn dầu lâu đời nhất thế giới, có trước cả ngàn năm trước khi tranh sơn dầu được sử dụng ở châu Âu.
Một phát hiện quan trọng khác được tìm thấy trong hang động là một bản kinh Phật gốc tiếng Phạn pratītyasamutpāda Sutra. Đây là một văn tự cổ về kinh Phật được in trên vỏ cây bạch dương. Kỳ thú nữa là trong một tay nải có chứa ba chuỗi tràng hạt bằng gốm, một con dấu bằng đất sét, một tấm kim loại nhỏ có hoa văn hình chim và hoa.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ đã tìm hiểu được cách người xưa kỳ công chạm khắc bức tượng, bước đầu các công nhân đã chạm sơ bộ hai pho tượng Phật vào vách đá. Sau đó, những người thợ đã phủ một lớp hỗn hợp được làm từ bùn, rơm và lông đuôi ngựa đắp thành trang phục rồi tô màu. Tượng Phật lớn được sơn bằng cánh kiến đỏ, còn tượng Phật nhỏ được sơn bằng nhiều chất liệu màu.
Cả hai bức tượng đều có tổng cộng khoảng 3.000 miếng vữa trát bên ngoài cùng với các chốt bằng gỗ, dây thừng quấn quanh pho tượng để giữ chắc phần đắp trát. Khí hậu khô hanh ở Afghanistan và độ sâu của hốc đá đã bảo vệ tốt pho tượng và giúp bảo quản phần mộc của công trình.
Năm 2008, các nhà khảo cổ đã khai quật một điểm ở gần vị trí tượng Phật với hy vọng tìm kiếm một bức tượng Phật huyền thoại khổng lồ mà họ tin là đang ở đâu đó quanh khu vực này. Bức tượng khổng lồ được cho là cao 300m, được đề cập đến trong một văn tự cổ.
Dẫu hai pho tượng Phật cổ và lớn nhất thế giới ở Bamiyan đã bị súng đạn phá hủy, nhưng hiện nay một số quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã cam kết tái dựng lại kiệt tác nhân loại này. Công việc khôi phục đã được bắt đầu bằng cách sử dụng các yếu tố của người xưa kết hợp với các vật liệu, công nghệ hiện đại.
Theo ĐKN