Ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi đến địa phương nọ để lấy thông tin viết bài.
Vào trụ sở cơ quan, tôi đăng ký với cô văn thư xin được làm việc với lãnh đạo. Ngập ngừng một lúc cô văn thư nhỏ nhẹ: Dạ, thủ trưởng em đang không có ở cơ quan mà xuống cơ sở rồi ạ!
Thấy vậy, chúng tôi đề nghị được gặp cấp phó, nhưng cô văn thư lại bảo cả hai cấp phó đều “đi cơ sở nắm tình hình đầu năm”. Cực chẳng đã, tôi đành rút điện thoại để gọi cho vị lãnh đạo để hỏi nắm thông tin. Qua điện thoại, tôi giật mình khi nghe tiếng chiêng, tiếng mõ gõ liên hồi ở đầu máy bên kia, tiếp đó là tiếng thì thầm: Anh thông cảm, tôi đang cúng giải hạn đầu năm, tý xong việc tôi gọi lại.
Gọi trưởng không được, tôi tiếp tục gọi cho vị phó cơ quan và thật ngạc nhiên là ở đầu máy bên kia cũng vang lên tiếng chiêng, tiếng mõ và câu trả lời cũng vẫn như vậy.
Trong lúc chờ đợi, tôi ghé vào một phòng uống trà. Khi tôi kể chuyện gọi cho lãnh đạo cơ quan mà đều bảo bận cúng giải hạn, anh nhân viên tủm tỉm cười ẩn ý: À, nay hai sếp em đi cúng dâng sao giải hạn đầu năm tại phủ của một ông thầy ở xã bên, chắc quá trưa mới xong, các anh chờ sẽ lâu đó…
Qua câu chuyện với anh nhân viên tôi được biết, từ mấy năm nay, tại địa phương phong trào cúng dâng sao giải hạn đầu năm mới rầm rộ lắm. Nhà khá giả thì mời thầy về nhà sắm lễ cúng; người không muốn cúng tại nhà thì mang lễ đến phủ của thầy để cúng. Người dân bình thường đến cúng chung tại phủ của thầy. Tôi hỏi anh nhân viên, lễ cúng dâng sao giải hạn có tốn kém lắm không thì được biết, lễ to, nhỏ còn tùy điều kiện kinh tế của gia chủ, nhà giàu thì sắm lễ cả chục triệu, nhà bình bình cũng 5 triệu đến 6 triệu đồng, đó là chưa kể tiền bồi dưỡng thầy. Nếu ai làm lễ cúng chung tại phủ của thầy thì cũng ngót triệu đồng.
Để mục sở thị lễ cúng dâng sao giải hạn như thế nào, chúng tôi tìm đến phủ của thầy cúng mà mấy vị cán bộ kia đang ở đó và đúng như những gì được nghe kể, khi đến nơi tôi thấy rất nhiều người đầu đội sớ đang ngồi chắp tay khấn vái, trên bục thầy cúng gõ chiêng, gõ mõ. Nhìn lên ban, tôi thấy các mâm cỗ bày đồ lễ có cả tiền thật mệnh giá khá lớn mà người dân đến cúng dâng. Nhiều người dự cúng cho biết, mâm cúng càng to thì càng giải được nhiều hạn ách.
Theo quan niệm dân gian, mỗi người vào mỗi năm sẽ có một ngôi sao chiếu mệnh, có sao tốt, sao xấu và khi gặp sao xấu thì cúng sao giải hạn. Đây là một tín ngưỡng dân gian đã tồn tại lâu đời để cầu mong có sức khỏe, hạnh phúc, bình an, làm ăn may mắn đủ đầy… Đó cũng là lý do mà cứ vào đầu năm mới, nhiều người tổ chức cúng dâng sao giải hạn. Song, lợi dụng tín ngưỡng này, nhiều thầy cúng, thầy bói, thậm chí nhà sư đã tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan nhằm kiếm tiền thu lợi là chính.
Trên thực tế hiện nay, khi cuộc sống khấm khá lên, trào lưu làm lễ cúng dâng sao giải hạn ngày càng phát triển về quy mô và số lượng, có chỗ biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan phản cảm, thậm chí như một phong trào. Người ta không chỉ cúng tại nhà riêng, tại phủ của thầy mà đến cả chùa, đền để tổ chức cúng. Đến các đền, chùa dịp đầu năm, không khó để gặp cảnh nhiều người sắm những lễ to chen chúc xếp hàng để cúng dâng sao giải hạn.
Trước thực trạng bùng nổ các hoạt động dâng sao giải hạn tại các gia đình, các đền, chùa, phủ gây lãng phí tiền của, thời gian và bị lợi dụng, bị biến thành hoạt động mê tín, một loại hình dịch vụ mang tính trục lợi của một số thầy cúng. Nếu không kịp thời có những giải pháp để khắc phục hiện tượng này, để niềm tin của người dân bị lạm dụng thì không những không mang lại sự bình yên, hạnh phúc thực sự, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo Báo Lào Cai