Các nhà khoa học Anh vừa tìm ra sự khác biệt lớn về hệ khuẩn ruột giữa những trẻ sinh thường và sinh mổ, giúp hiểu thêm về quá trình phát triển của hệ miễn dịch con người.
Trong nghiên cứu, Giáo sư Peter Brocklehurst và các cộng sự tại hai đại học Birmingham và Luân Đôn đã sử dụng kỹ thuật giải trình tự ADN để phân tích hơn 1.600 mẫu vi khuẩn ruột từ mẫu phân của 175 bà mẹ và gần 600 trẻ sơ sinh. Trong mẫu của mẹ và các con được 4, 7 và 21 ngày tuổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự khác biệt đáng kể giữa hai phương pháp sinh này. Cụ thể, trẻ sinh thường “thừa hưởng” các vi khuẩn liên quan sức khỏe từ người mẹ nhiều hơn so với những trẻ sinh mổ. Ngoài ra, trẻ sinh mổ cũng có nhiều vi khuẩn tìm thấy trong bệnh viện, bao gồm một số chủng có khả năng kháng thuốc.
Hệ vi khuẩn ruột là hệ sinh thái phức tạp gồm hàng triệu vi khuẩn và nó được cho đóng vai trò quan trọng đối với cách phát triển của hệ miễn dịch. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ít tiếp xúc với một số vi khuẩn ở giai đoạn đầu đời làm phức tạp các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như hen suyễn, dị ứng và tiểu đường.
Trước khi thực hiện công trình nghiên cứu trên, giới nghiên cứu vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của hệ vi khuẩn ruột non của trẻ đối với sức khỏe và khả năng miễn dịch trong tương lai, cách phát triển của hệ vi khuẩn ở trẻ nhỏ… Phát hiện mới có thể lý giải tại sao trẻ sinh mổ có tỷ lệ mắc hen suyễn, dị ứng và các bệnh miễn dịch khác cao hơn.
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm là nghiên cứu không nhằm hạ thấp phương pháp sinh mổ, bởi trong nhiều trường hợp, sinh mổ là giải pháp tối ưu đối với sức khỏe của mẹ và bé.
Theo CNA, Sky News