Để đảm bảo thống nhất về độ tuổi giới thiệu lần đầu và tái cử đối với các chức danh lãnh đạo hội, làm cơ sở, căn cứ để tham mưu đề xuất xem xét giới thiệu nhân sự tại các đại hội Văn học Nghệ thuật sắp đến cũng như trong công tác tổ chức nhân sự của các hội nói chung. Tại phiên họp ngày 10/9/2019, xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về quy định độ tuổi tham gia công tác hội, Ban Bí thư đã có kết luận số 58/KL-TW ra ngày 12/9/2019 với nội dung như sau như sau:
“Tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử tham gia làm lãnh đạo các hội (Chủ tịch, Phó chủ tịch hội) không quá 65 tuổi. Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, nhưng chỉ áp dụng với Chủ tịch hội (có năng lực lãnh đạo, uy tín cao và đủ sức khỏe để làm việc) của các hội có Đảng đoàn, hội có tính đặc thù”.
Kết luận dứt khoát trên của Ban Bí thư do đích thân đ/c Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư ký sẽ là chỗ dựa các hội Văn học Nghệ thuật sắp tổ chức đại hội trong hai năm 2019 và 2020, tiến hành đấu tranh trẻ hóa mạnh mẽ đội ngũ lãnh đạo chủ chốt. Thực ra, nội dung của kết luận trên không có gì quá mới mẻ.
Từ 9 năm trước, trong Quy định về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật số 284/QĐ-TW ra ngày 05 tháng 02 năm 2010, trong Điều 6. Tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo các hội văn hóa, văn học nghệ thuật cũng được quy định tương tự: “Độ tuổi để bầu làm lãnh đạo nói chung không quá 65 tuổi, trường hợp đặc biệt có thể đến 70 tuổi và chỉ áp dụng cho người lãnh đạo hội có năng lực lãnh đạo, uy tín cao và còn đủ sức khỏe để làm việc”.
Tuy vậy, có thể thấy trong gần 10 năm qua, Quy định trên dường như không hề được thực hiện tại các hội văn học nghệ thuật vốn được coi là các hội chính trị nghề nghiệp, tức là các hội sống chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. 2/3 lãnh đạo chủ chốt của 9 hội này đều là các vị trên 65 tuổi, một số vị ở độ tuổi U80, thậm chí là U90.
Tuy vậy điều tệ hại là trong tiến trình chuẩn bị đại hội các hội văn học nghệ thuật đang diễn ra, các vị lãnh đạo chủ chốt quá tuổi và quá tuổi rất xa này chưa thấy ai muốn nghỉ. Ai cũng muốn chứng minh mình thuộc “trường hợp đặc biệt” là người lãnh đạo “có năng lực lãnh đạo, uy tin cao và còn đủ sức khỏe”. Thậm chí, có vị Chủ tịch để cho mình tái cử, tỏ ra rất “ù lý” (chữ dùng của một số ủy viên chấp hành hội của vị Chủ tịch này) không hề tổ chức làm công tác nhân sự nghiêm túc dân chủ như chỉ đạo của cấp trên, không để cho Ban chấp hành bàn bạc tìm người kế cận, đảm bảo việc trẻ hóa và tính kế thừa, mà chỉ tìm mọi cách làm cho hội viên và cấp trên thấy không ai có thể thay thế mình.
Tai hại không chỉ ở các hội mà còn ở cấp trên của các hội là Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật VN trong chỉ đạo còn có biểu hiện không chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng về việc trẻ hóa cán bộ lãnh đạo chủ chốt các hội và bản thân Liên hiệp, có ý muốn duy trì lớp cán bộ chủ chốt các hội như hiện tại kiểu “dễ ta dễ mình”, khỏi bị những phản ứng bởi “người đi kẻ ở”….
Có lẽ nắm bắt được những biểu hiện tiêu cực đó, Ban Tổ chức Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư một lần nữa kết luận dứt khoát về độ tuổi giới thiệu lần đầu và tái cử của các nhân sự tham gia lãnh đạo chủ chốt các hội và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã chính thức ký văn bản hành bản kết luận này. Để không còn việc các vị lãnh đạo chủ chốt của các hội đã quá tuổi và quá tuổi rất xa bắt tay nhau một tấc không đi một lý không rời như tạp chí Văn hiến Việt Nam từng phản ánh trong bài “Các cụ ấy lại rủ nhau tử thủ” in trong số tạp chí tháng 2/2019, văn bản đã quy định rõ “Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi…nhưng chỉ áp dụng với Chủ tịch hội của các hội có Đảng đoàn, hội có tính đặc thù”. Theo kết luận trên, Hội có Đảng đoàn chỉ có Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật VN, còn hội có tính đặc thù thì chỉ có Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, nên nếu được chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt, chúng ta có thể tin rằng các nhân sự mới dưới 65 tuổi tài năng uy tín sẽ thay thế 2/3 vị trí lãnh đạo chủ chốt của các hội Văn học nghệ thuật, tạo nên sức sống mới, nguồn năng lượng mới cho hoạt động văn học nghệ thuật đất nước đang có chiều hướng cũ kỹ trì trệ nhiều năm nay.
Xem thêm: Các cụ ấy lại rủ nhau tử thủ?
Hoàng Anh