Các nhà khảo cổ học phát hiện trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có hàng nghìn con vật thuộc các loài khác nhau đã được chôn cất cùng ông. Đây là lăng mộ hoàng đế có chứa nhiều loài động vật nhất của Trung Quốc được tìm thấy.
Theo thống kê sơ bộ, trong các loài vật trong lăng mộ, ngựa là loài động vật có số lượng nhiều nhất, số lượng này gồm 3 loại là ngựa đất nung ở 3 hầm Binh Mã Dũng 1, 2, 3, ngựa đồng ở hầm xe kéo bằng đồng và xương ngựa ở hầm trại nuôi ngựa. Loài có số lượng nhiều thứ 2 là loài thú quý hiếm và thủy cầm, ngoài ra còn một lượng lớn xương thú đang chờ kiểm định chưa rõ thuộc loài nào.
Võ Lệ Na là nhân viên phụ trách nghiên cứu tại Viện bảo tàng lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng cho biết, động vật khai quật từ lăng mộ Tần thủy Hoàng có chủng loại vô cùng phong phú, bao gồm động vật bị chôn sống và động vật bằng đất nung, bằng đồng. Ở một mức độ nhất định, kết quả khai quật đã phản ánh cuộc sống hàng ngày của người dân đời Tần, họ đã nắm bắt được tập tính của các loài động vật, từ đó biết cách nuôi dưỡng và sử dụng chúng.
Nghiên cứu cho thấy, người xưa đặc biệt coi trọng cuộc sống trong thế giới “âm” sau khi chết, họ chuẩn bị cho cuộc sống đó cầu kỳ như cuộc sống trên trần gian. Người xưa khi chôn cất thường có tập tục chôn các vật nuôi theo cùng, trong lăng mộ Ai Cập cũng có tiêu bản mèo, chó, cá sấu v.v. Trong lăng mộ của các hoàng đế cổ đại Trung Hoa cũng có những loài động vật chuyên dùng làm thức ăn và “thú nuôi làm cảnh” của con người.
Quá trình khảo cổ đã cho thấy, số loài động vật được sử dụng ở đời Tần có ít nhất là 12 loài. Thời xa xưa ngựa là lực lượng chiến đấu vì thế loài này luôn chiếm một vị trí đặc biệt; hươu hoẵng là loài động vật hoang dã chuyên được săn bắn; các loài cá cua và gà dê được dùng làm thực phẩm; loài giáp xác như ngao, ốc được dùng làm đồ trang sức; các loài chim như thiên nga, hạc được nhốt vào lồng làm vật nuôi cảnh.
Võ Lệ Na cho biết, trong hầm chứa động vật quý hiếm khai quật được một số loài ăn cỏ như hươu, hoẵng và một số loài động vật ăn tạp; hầm thủy cầm tổng cộng khai quật được 46 loài bằng đồng xanh, trong đó hạc có 6 con, thiên nga 20 con, còn lại là hồng nhạn và các loài khác; tại phần mộ ở thôn Thượng Tiêu tìm thấy đồ trang sức bằng vỏ các loài giáp xác, xương dê, xương gà, phía bắc khu mộ tìm thấy hạt trân châu; tại hầm mộ lớn số 1 ở phía bắc khu lăng mộ tìm thấy mẫu xương của hơn 10 loài chim, thú và cá v.v.
Ông Châu Thiết – kỹ sư trưởng của viện bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng trước đó cho biết, trong khu lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã phát hiện hơn 400 hầm chôn lớn nhỏ, xung quanh phát hiện thêm hàng chục ngôi mộ và hầm chôn cất có kích thước khác nhau, trong đó chứa một lượng lớn áo giáp, mũ v.v. tất cả đều được làm bằng đá.
Tư liệu đã cho thấy, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là lăng mộ của vị đế vương đầu tiên của Trung Quốc. Khu lăng mộ được xây dựng từ năm 247 đến năm 208 trước công nguyên tại Li Sơn khu Lâm Đồng cách thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc 31 km về phía đông, khu vực này được gọi là khu Lệ Sơn đến nay đã hơn 2000 năm tuổi.
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, trong nền văn minh Trung Quốc 5000 năm, đây là vị hoàng đế tài giỏi, mưu lược, vĩ đại nhất của Trung Quốc, trong cuộc đời gần 50 năm của mình, ông đã làm được những việc vô cùng vĩ đại như thống nhất thiên hạ, khẳng định ngôi vị “hoàng đế”, hủy bỏ chế độ cũ, chia đất nước thành các quận huyện, thiết lập hệ thống quản lý theo các cấp, thống nhất chữ viết, thống nhất dụng cụ đo lường và tiền tệ, thống nhất luật pháp, quy định, làm đường xá có phân chia làn, xây Vạn lý Trường Thành, xây dựng hệ thống kênh mương, xây dựng Cung A Phòng. Ông đã để lại cho hậu thế một khu lăng mộ Li Sơn vô cùng thần bí.
Theo Danviet