Việc ekip sản xuất phim “Cậu Vàng” quyết định lựa chọn chú chó Shiba Nhật Bản thay vì giống chó cỏ Việt Nam đã khiến nhiều khán giả cho rằng đoàn làm phim thiếu tôn trọng nguyên tác tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao.
Mới đây, thông tin nhà sản xuất “Cậu Vàng” – một tác phẩm dựa trên truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, quyết định lựa chọn chú chó gốc Nhật đã gây ra nhiều tranh cãi lớn trong dư luận.
Đông đảo khán giả phản đối quyết định này của nhà sản xuất. Truyện ngắn “Lão Hạc” ra đời trong bối cảnh nạn đói năm 1945, bởi vậy trong tâm thức của công chúng Việt, cậu Vàng – người luôn đồng hành cùng lão Hạc là giống chó ta, nhỏ nhắn thay vì một chú chó ngoại quốc mập mạp và có vẻ “sang chảnh”.
Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh câu chuyện này. Nhiều người cho rằng việc lựa chọn giống chó không phải thuần Việt sẽ làm mất đi giá trị của tác phẩm cũng như thiếu tôn trọng nguyên tác.
Bạn Nguyễn Thanh Liêm viết: “Nếu phim về chó Việt mà chọn giống chó Nhật Bản thì sự cảm nhận về tác phẩm của khán giả sẽ giảm đi rất nhiều.
Thật lòng, tôi rất muốn được thấy giống chó Phú Quốc được chọn cho vai này. Thứ nhất vì nó là giống chó quý và nổi tiếng của Việt Nam. Thứ hai vì giống chó Phú Quốc rất khôn và trung thành. Không chỉ vậy, giống chó này có thân hình cao ốm, đặc biệt có xoáy lông ở lưng, rất phù hợp để trở thành cậu Vàng – chú chó được lão Hạc yêu quý ngay cả khi lão không có gì cả”.
Bạn Nguyễn Quỳnh Nga cho rằng nếu ekip làm phim để tri ân nhà văn Nam Cao cũng như thực hiện tâm nguyên dang dở của NSND Bùi Cường thì càng nên lựa chọn đúng giống chó thuần Việt Nam. “Chính vì tri ân nhà văn nên cần phải làm đúng nguyên tác nguyên bản là chó Việt Nam chứ không phải sử dụng một chú chó Nhật Bản cho có “ diễn viên”.
Tôi nghĩ việc sử dụng chú chó gốc Nhật Bản là thiếu tôn trọng tác phẩm. Trong tâm thức người Việt, cậu Vàng là chú chó nhỏ nhắn chứ không phải chú chó được chăm bẵm với bộ lông mượt mà, có giá vài nghìn USD như thế này. Thiết nghĩ, đạo diễn và đoàn làm phim nên tôn trọng trước là nguyên tác, sau là khán giả. Còn nếu đạo diễn làm phim mà không lắng nghe ý kiến khán giả thì làm phim cho ai xem?”, bạn Quỳnh Nga viết.
Trong khi đó khán giả Nguyễn Yên Như bày tỏ sự không đồng tình và mong muốn đoàn phim tôn trọng nguyên tác cũng như bối cảnh lịch sử khi đó của tác phẩm.
Bạn Nguyễn Yên Như viết: “Tôi rất thích giống chó Nhật Bản vì chúng rất thông minh và trung thành. Tuy nhiên trong bộ phim này thì tôi không đồng tình việc sử dụng một chú chó Nhật Bản thay vì chó thuần Việt. Nó giống như việc đem một anh chàng Nhật mà đem đi đóng vai Chí Phèo vậy!
Nếu đã làm một tác phẩm liên quan đến lịch sử và người Việt hầu như ai cũng biết, trước tiên đạo diễn phải làm đúng tinh thần của tác phẩm đó”.
Một vài khán giả bày tỏ, điều họ mong muốn không phải là một bộ phim hoàn chỉnh trọn vẹn từ cách diễn của một chú chó mà đơn giản, họ muốn thấy những giá trị Việt Nam được tái hiện từ tác phẩm văn học nổi tiếng. “Giá trị đó chính là cái thiếu trong phim Việt. Giá trị để người ta yêu thương, tự hào về một điều gì đó. Nhìn qua Nhật, Hàn,… họ làm phim khơi dậy giá trị và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Có những thứ không thể thay thế được, có những điều nhỏ bé nhưng đó là cả một lịch sử”, một khán giả bày tỏ.
Theo Laodong