Đó cũng là những lời dạy của Bác mà cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 19.8, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức chương trình giao lưu điển hình toàn quốc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tên gọi “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng”.
Trong chương trình, 28 điển hình tiêu biểu trong cả nước đã cùng nhau dõi theo hành trình của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho tới ngày Người nằm xuống. Mỗi điển hình tiêu biểu cũng mang đến cuộc giao lưu những câu chuyện, những bài học xúc động mà họ tìm thấy cho mình từ người cha già dân tộc và tất cả đều vỗ tay đầy xúc động khi nghe lại lời Bác nói từ năm 1946: “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”…
2 lần “gặp” Bác
Là người đầu tiên chia sẻ tại cuộc giao lưu, ông Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường đại học trực tuyến Funix, kể rằng ông chưa từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã 2 lần được “gặp gỡ” Bác Hồ và có ấn tượng rất sâu sắc.
Lần thứ nhất là năm 1976, khi ông học lớp 8 và được học bài hát Biết ơn cụ Hồ của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ. “Bài hát đi theo tôi hết thời niên thiếu cho đến tận bây giờ”, ông Nam nhớ lại. Lần “gặp gỡ” thứ 2, theo ông Nam là “lãng mạn” hơn là vào năm 2002, khi ông cùng đồng nghiệp được giao nhiệm vụ mở thị trường xuất khẩu phần mềm sang Mỹ – một nhiệm vụ rất khó khăn. Một trong nhiều lần thất vọng trên đất khách, ông Nam đã tìm thấy cuốn sách Ho Chi Minh, a life (Hồ Chí Minh: Một cuộc đời) của sử gia người Mỹ William Duiker.
“Tôi đã đọc một mạch hết cuốn sách và cảm hứng là vô bờ bến. Tôi biết rằng những khó khăn chúng tôi gặp phải chẳng là gì so với những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đồng chí của mình gặp phải khi bắt đầu sự nghiệp. Tôi đã dành 2 năm để dịch cuốn sách ra tiếng Việt và chúng tôi đã học được rất nhiều bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chinh phục thị trường nước Mỹ”, ông Nam nói.
Những bông hoa đời trong học tập, làm theo gương Bác
Mang đến buổi giao lưu một câu chuyện bình dị hơn, cựu binh Phùng Minh Út (xã Gia Hòa 2, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) – người có công trong hoạt động xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, cũng là đồng đội của ông ở Sóc Trăng – chia sẻ rằng ông ước mơ được đến viếng Bác nhưng không có điều kiện. Ra Hà Nội dự giao lưu lần này, ông Út đã thỏa ước nguyện. “Tôi rất xúc động và tiếc rằng mình không được nhìn Bác lâu hơn”, ông Út vừa nói vừa không kìm được những giọt nước mắt xúc động.
Còn nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (TP.HCM), người đã 9 năm rong ruổi trên khắp nẻo đường để vẽ chân dung các mẹ VN anh hùng, cho biết hơn cả sự đam mê, bà vẽ vì vâng theo lời Bác dạy. “Bác dạy nghệ sĩ phải là chiến sĩ. Tôi là họa sĩ, cũng là chiến sĩ thì việc sáng tác phải gắn bó với phục vụ nhân dân. Vẽ mẹ VN anh hùng, ngoài tri ân, tôi còn xây dựng niềm tin về điều Bác dạy”, nữ họa sĩ nói.
Lắng nghe những câu chuyện được chia sẻ tại buổi giao lưu, GS Hoàng Chí Bảo, người hơn 30 năm nghiên cứu, sưu tầm những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói rằng đó là những người rất bình dị nhưng có nghĩa cử rất cao quý và việc làm rất tốt đẹp. Còn Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (Bắc Ninh), người khởi xướng phong trào “Làm nghìn việc tốt”, thì nói rằng: “Các anh, các chị là những bông hoa đời trong học tập và làm theo gương Bác”.
Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị
Phát biểu tại buổi giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng VN, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Theo Thủ tướng, Bác Hồ rất quan tâm tới việc bồi dưỡng, xây dựng và nêu gương người tốt việc tốt. Người từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. “Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những mong muốn của Người vẫn là động lực phấn đấu và hành động của mỗi chúng ta”, Thủ tướng nói.
Bày tỏ vui mừng khi tới dự chương trình giao lưu, Thủ tướng nhấn mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người VN, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. “Trong thời gian qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Thủ tướng khẳng định.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt kết quả cao hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, để cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị cơ bản, sâu sắc của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, của nền văn hóa và con người VN.
Thủ tướng cũng yêu cầu, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng hơn nữa các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành trong mọi tầng lớp nhân dân trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình, chỉnh đốn những nhận thức lệch lạc, nói không đi đôi với làm; kiên quyết đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, thói vô cảm, vô trách nhiệm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
* Mời bạn đọc xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đây.
Tại buổi giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao tặng bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân là điển hình tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ
Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67, trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đến dâng hương tưởng niệm còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng.
Nhà 67 là tên gọi theo thời gian xây dựng. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt toàn thể dân tộc VN vào 9 giờ 47 phút, ngày 2.9.1969, tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào, đồng chí cả nước, Thủ tướng đã kính dâng nén hương thơm, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị các cán bộ, nhân viên của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tiếp tục giữ gìn thật tốt những kỷ vật của Người, đồng thời đẩy mạnh triển khai các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, thông qua việc tổ chức các sinh hoạt chính trị cho các chi bộ, Đảng bộ, các cơ sở Đoàn, cơ quan, đơn vị, trường học tại khu di tích.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tới dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67.