Những lời dạy này đã được đưa ra từ cách đây hàng nghìn năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Có một lần, một người Bà la môn (đẳng cấp đứng đầu trong xã hội xưa của Ấn Độ, bao gồm các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, được dân chúng hết sức tôn trọng) có tên là Anatthapucchaka đến gặp Đức Phật và nói: “Thưa Đức Phật, chắc Ngài chỉ biết những việc tốt mà con người nên làm, chứ không biết những việc xấu mà con người không nên làm nhỉ?”.
Trước sự ngỡ ngàng của Anatthapucchaka, Đức Phật trả lời rằng Ngài cũng biết tất cả những việc xấu mà con người không nên làm.
Anatthapucchaka ngạc nhiên lắm, mới hỏi lại Đức Phật rằng, vậy những việc xấu mà con người không nên làm là những việc gì?
Đức Phật liền bảo rằng, trong đời có những việc mà con người không nên làm, vì nó sẽ làm cùn mòn đi đạo đức xã hội, không chỉ khiến cho con người nghèo đi về mặt vật chất, mà còn phương hại đến tinh thần, gây ra bi kịch cho biết bao cảnh đời.
Anatthapucchaka hỏi lại rằng, đó là những việc cụ thể gì.
Đức Phật từ tốn trả lời rằng, tựu chung lại, có 6 điều mà con người không nên làm, đó là:
Thứ nhất: Ngủ cho đến lúc mặt trời lên.
Thứ hai: Thường xuyên để bản thân trong tình trạng lười biếng, không lao động.
Thứ ba: Hành động độc ác, nhẫn tâm.
Thứ tư: Sa đà, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, khiến cho bản thân say sưa tối ngày, trở thành kẻ sống bê tha, tạm bợ, vô trách nhiệm với người khác.
Thứ năm: Đi lang thang ngoài đường phố vào ban đêm.
Thứ sáu: Tà dâm.
Khi nghe Đức Phật nói xong, Anatthapucchaka không còn biết làm gì khác ngoài việc vỗ tay tán thưởng: “Ngài quả đúng là bậc thầy của dân chúng, người lãnh đạo tinh thần của dân chúng. Quả đúng là Ngài luôn biết cả được, cả mất”.
Nghe xong, Đức Phật lại hỏi lại Anatthapucchaka: “Vậy ngươi sống bằng nghề gì?”
Anatthapucchaka trả lời: “Tôi sống bằng cách cờ bạc”.
“Vậy ai là người thắng? Ngươi hay người khác?”, Đức Phật lại hỏi.
“Lúc thì tôi thắng, lúc thì người khác thắng”, Anatthapucchaka đáp.
“Cái chiến thắng của kẻ đánh bạc không thể so được với chiến thắng của một người trước những cám dỗ của cuộc đời, biết chiến thắng bản thân. Cái chiến thắng thứ nhất lúc nào cũng có thể bị lật đổ, còn cái chiến thắng thứ hai là thứ chiến thắng vô song mà không ai, kể cả thần linh, có thể đánh bại được”, Đức Phật nghiêm khắc nói.
Trước những lời này, Anatthapucchaka không còn biết nói gì hơn, chỉ biết cúi đầu.
Lời bình: Những lời mà Đức Phật nói trên đây nằm trong cuốn Kinh pháp cú (Dhammapada Sutta), câu 104 và 105. Đó là những lời răn dạy của Đức Phật, là những chắt lọc tinh hoa nhất, vô cùng ngắn gọn, hàm súc và dễ hiểu, và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nếu biết lĩnh hội những lời dạy này, biết tránh những gì cần tránh, thì lo gì cuộc sống không bình yên, giàu có và sung túc?
Thứ nhất, nếu ngày nào cũng ngủ dậy muộn, bản thân sẽ không còn thời gian để tập thể dục và ăn sáng, chạy cuống cuồng để đến cơ quan cho kịp giờ, hết quên thứ nọ đến quên thứ kia, thậm chí vì vội vàng nên dễ gặp tai nạn, thử hỏi có thể làm tốt công việc được giao hay không? Cơ thể có còn khỏe mạnh minh mẫn được hay không?
Thứ hai, chỉ có lao động mới tạo ra những giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần. Một kẻ ăn không ngồi rồi, lười biếng và không thích lao động đến chính bản thân mình còn chẳng nuôi nổi, huống hồ gì là đóng góp cho xã hội, tồn tại chỉ như một loại ký sinh trùng.
Hơn nữa, “nhàn cư vi bất thiện”, rỗi rãi không có việc làm tất sẽ sinh ra những thói hư tật xấu hại người và hại chính bản thân mình.
Thứ ba, con người có thể có nhiều tật xấu, nhưng sự độc ác thì có thể coi là một tật xấu nhất trong tất cả các tật xấu, và gây ra những hậu quả không thể cứu vãn. Có lương tri, có tấm lòng lương thiện giống như nền móng của một ngôi nhà. Nếu không có nền móng tốt, dù thứ gì được xây dựng trên đó rồi cũng sẽ sụp đổ hết.
Thứ tư, khi sa đà vào chuyện nghiện ngập rượu chè hay cờ bạc, con người sẽ mất đi lý trí, mất đi lương tri, trở thành kẻ sống bê tha, tạm bợ, vô trách nhiệm, thậm chí là gây ra những tội ác không thể dung thứ.
Thứ năm, phàm là những con người tử tế, ngay thẳng, nếu ban đêm không có chuyện gấp, hẳn sẽ không đi ra ngoài. Những kẻ lang thang ngoài đường phố vào ban đêm, phần nhiều đều là những kẻ hoặc chơi bời lêu lổng, hoặc là phường trộm cắp, làm những chuyện bất lương hại người mà thôi.
Nhưng như người ta nói, đi đêm lắm có ngày gặp ma, những kẻ xấu hẳn sẽ không thể có cái kết tốt đẹp được.
Thứ sáu, tính dục là đặc điểm cơ bản của con người, xong không biết kiểm soát nó, thì lại có thể dẫn đến tà dâm, tức là quan hệ bất chính với người khác, nói một cách dễ hiểu, chính là những chuyện như ngoại tình, loạn luân hoặc cưỡng ép người khác quan hệ với mình.
Đây đều là những tội ác tày trời, gây ra biết bao nhiêu bi kịch khổ đau cho con người, và không xã hội hay con người có lương tri nào có thể chấp nhận.
Theo Atmabodha