Công khai chi tiết họ tên, nơi ở, công việc, chức vụ, cơ quan công tác những người trực tiếp, gián tiếp tham gia sửa điểm cho các em học sinh.
Từ bệnh bưng bít, che đậy?!
Nhân sự vụ gian lận trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, chúng ta nhớ lại câu chuyện lịch sử cách đây 15 năm – sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa đơn độc phanh phui trò gian lận trong kì thi trung học phổ thông ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) – một việc làm đã được hơn 90 triệu người dân cả nước tán thán ủng hộ.
Đáng ra trước hành động đầy tâm huyết của một thầy giáo nghèo nhưng một lòng chết sống với nghề này, ngành giáo dục phải tôn vinh tưởng thưởng cho thầy, thậm chí còn mời thầy về Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm cán bộ Thanh tra, nhưng thực tế điều đó đã không diễn ra như đáng ra nó phải vậy.
Người ta đối xử với thầy thế nào ai cũng rõ rồi. Thầy đã bị những người quản lí giáo dục khinh bỉ, khủng bố, muốn ăn tươi nuốt sống đến mức “người hùng” Đỗ Việt Khoa phải ngậm ngùi lầm lũi xin ra khỏi ngành giữa lúc lửa yêu nghề vẫn còn đang cháy dở.
Trở lại chuyện tiêu cực xảy ra ở Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2018 vừa được phanh phui, một kỳ thi mà ngay sau khi kết thúc, từ người quản lí giáo dục, chính quyền các địa phương cho đến Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đánh giá là thành công tốt đẹp?!.
Và điều này đáng ra đã đúng nếu nó không bị báo chí lên tiếng; nếu như không có một người “dư thời giờ, thích hoài nghi” nào đó mạnh dạn phân tích chỉ rõ những điềm bất thường về bảng điểm thi của học sinh, thì có lẽ trò gian lận tày đình này cũng sẽ được giấu kín đến muôn đời?!.
Vì chúng ta đều biết, ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản, nơi trên tay họ có sớm nhất kết quả trung học phổ thông của các em học sinh cả nước với đầy rẫy sự bất thường về điểm số nhưng họ không hề phát hiện ra có tiêu cực hay không, tiêu cực ở đâu, khâu nào, ai tiêu cực, quy mô lớn hay nhỏ, là hiện tượng do lỗi kỹ thuật hay có yếu tố tổ chức của con người,..?.
Tất nhiên biện minh cho sự bưng bít, che đậy này ai cũng hiểu là vì nó liên quan đến bệnh thành tích của ngành.
Vì theo lẽ thường tình như xưa nay, những người quản lí giáo dục chẳng ai lại muốn cho thiên hạ vạch áo xem những vết sẹo trên lưng mình;
Họ chỉ thích được ca ngợi với những cụm từ quen thuộc mỹ miều, đại khái như:
Kì thi thành công tốt đẹp; đây là thành quả của sự hi sinh nỗ lực không biết mệt mỏi của những người công tác giáo dục; thành tựu này có được là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhờ sự chung tay góp sức của tập thể, những người có lòng tâm huyết, tận lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục,…
Đến kiểu nhân văn đoản hậu?!
Khi trò gian lận có quy mô liên tỉnh được đưa ra ánh sáng hai năm rõ mười – một việc mà chắc chắn ngành giáo dục cực chẳng đã phải chấp nhận, vậy mà có người khuyên không nên công bố cho ai biết tường minh những bàn tay ma giáo liên quan vì tính nhân văn cao quý của người Việt?!
Ngay việc điều tra đưa ra ánh sáng những con người cụ thể với đầy đủ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp tham gia trong đường dây “buôn trường bán điểm” bẩn thỉu kia cũng được ngành chức năng thực hiện rất ỳ ạch, nhỏ giọt. Sự thật này do đâu?!
Thật ra để điều tra một sự vụ khi đã hoàn toàn nắm được cơ sở, manh mối (kiểu 1+1= bao nhiêu) này chẳng khó gì.
Nhưng thực tế chẳng qua vì họ không muốn làm tổn thương nặng nề đến nhóm lợi ích vốn có vị trí xã hội rất cao này (con cháu các cụ cả), và họ cũng muốn dùng thời gian để đo lường mức độ phẫn nộ của dư luận, người dân đến đâu; hay họ tạo thêm điều kiện thời gian cho những cuộc ngã giá, sắp xếp (thí – tốt) cho một số quan chức, cán bộ vốn thừa tiền bạc?!.
Vì trong trường hợp nếu dư luận không quá khắc khe thì họ sẽ dễ dàng cho “chìm xuồng” hay xử lí nhân văn kiểu “chín bỏ làm mười”, “việc xảy ra do yếu tố kỹ thuật khách quan”, và rồi khi tàn cuộc, những nhân vật sửa điểm ăn tiền, những người mua điểm,… ai lại được về vị trí nấy như chưa hề có sự cố gì xảy ra?!
Ở chiều ngược lại, nếu sự thật được bày ra tường tận trước bàn dân thiên hạ thì hệ lụy của nó cũng chẳng mấy tốt đẹp gì.
Vì chúng ta thử hình dung, nếu một số các quan chức đầu tỉnh, đầu ngành kia khi bị xác nhận có tham gia chạy điểm nghĩa là họ đã vi phạm pháp luật, vậy ai sẽ biện hộ, giải thích cho sự thật là quá trình bổ nhiệm họ làm quan, giữ những chức vụ cao trong Đảng, chính quyền lẽ nào lại sai quy trình?;
Rồi việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc nêu gương phê và tự phê của đảng viên lẽ nào với một số quan chức này thì ra không hề có chút tác dụng?
Vì nếu có tác dụng thì họ đã không vi phạm pháp luật, ngược lại nếu không có tác dụng gì thì lẽ nào những phong trào học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, gương phê và tự phê trong Đảng kia bấy lâu nay với họ chỉ là làm cho có sao?!,…
Nền giáo dục sẽ tiếp tục bị trì trệ, tụt hậu nếu không làm được những việc dưới đây:
Theo quan điểm của người viết, những sai phạm xảy ra trong kì thi trung học phổ thông quốc gia ở các địa phương nói trên chắc chắn sẽ còn lặp lại nếu những việc dưới dây không thực hiện một cách nghiêm túc:
– Trước mắt:
+ Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cầu thị trước toàn dân; xem xét lại các khâu, quy trình quản trong thời gian qua;
+ Công khai chi tiết họ tên học sinh vi phạm, buộc thôi học và hủy toàn bộ kết quả thi trung học phổ thông, cần thiết xem xét cấm thi ít nhất một năm với số em này;
+ Công khai chi tiết họ tên, nơi ở, công việc, chức vụ, cơ quan công tác những phụ huynh có con em, người thân vi phạm;
+ Công khai chi tiết họ tên, nơi ở, công việc, chức vụ, cơ quan công tác những người trực tiếp, gián tiếp tham gia sửa điểm cho các em học sinh;
+ Gọi nhập học trở lại những học sinh bị đánh rớt trước đó do có sự gian lận điểm của số học sinh vi phạm (hiện nay hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc đào tạo theo tín chỉ, việc làm này hoàn toàn trong tầm tay),…
– Sau khi có kết quả điều tra ngọn nguồn các tối tượng vi phạm:
+ Kỷ luật những cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương xảy ra sự việc;
+ Khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi việc tất cả những người tham gia vào đường dây gian lận trong kỳ thi (kể người mua điểm, người sửa điểm, người môi giới,….);
+ Căn cứ vào mức độ vi phạm của từng đối tượng, yêu cầu truy tố hình sự các đối tượng này.
Theo Giaoduc