Lịch sử phát triển và đổi mới mía đường Việt Nam là tập sách do Kỹ sư công nghệ Lê Văn Dĩnh (người hoạt động liên tục 60 năm trong ngành mía đường) và nhà báo Hưng Văn (từng là phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam) cùng biên soạn, Nhà xuất bản Hồng Đức vừa ấn hàng vào quý 3/2019. Với hơn 400 trang sách, khổ 13,5x20cm5, đây có thể được xem là một tập tài liệu nghiên cứu khá đầy đủ về ngành công nghiệp mía đường đã và đang tham gia tích cực vào quá trình kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn.
Đáng chú ý, tập sách được xuất bản trong bối cảnh Hiệp định thương mại hàng hoá ATIGA của 10 nước thành viên Asean bắt đầu có hiệu lực (2018-2019). Với Việt Nam, hạn ngạch nhập khẩu (NK) đường thực phẩm đã được bãi bỏ, thuế suất NK hạ xuống còn 05% và sẽ tiến đến bằng o% trong một thời gian ngắn nữa.
Theo các nhà biên soạn, tổng diện tích trồng mía đang ở khoảng 270.000 ha (quy hoạch 300.000 ha), năng suất mía vẫn ở mức 65 tấn/ha, chữ đường chỉ 9,62 CCS, không tăng được như mong muốn. Ngành mía đường nói chung đang đứng trước một cuộc canh tranh khu vực vô cùng khốc liệt, một số nhà máy do thiếu nguyên liệu phải ngừng hoạt động. Công suất thiết kế 41 Nhà máy đường (NMĐ) là 153.335 tấn/nhà máy chỉ còn chạy với công suất 136.000 tấn/nhà máy. Giá đường xuất xưởng ngày càng giảm sâu, còn gần tương đương với đường NK (10.500-11.000 đ/kg). Nhiều nhà máy tiếp tục thua lỗ. Trong năm 2019, do mía không được mua kịp thời và giá xuống, nông dân một số vùng trồng mía trọng điểm như tại Phú Yên, Tây Ninh, Gia Lai, người dân đang phá mía để trồng sắn!
Các nhà biên soạn cũng đã giới thiệu các số liệu về mục tiêu đến năm 2020 mà Hiệp hội MĐVN tại Đại hội nhiệm kỳ VI đã đưa ra. Đến nay, niên vụ sản xuất 2018-2019 của ngành mía đường chưa được tổng kết, nhưng có thể dự đoán mục tiêu trên khó đạt. Mặc dù vậy, những sự kiện lịch sử mà tập sách nêu, vẫn loé ra nhiều hy vọng: Tiềm năng mía đường Việt Nam là có thật. Đất phù hợp trồng mía có nhiều. Những nhà máy đường đầu tiên do người Pháp đầu tư (từ 1870) đều sử dụng giống mía tại chỗ. Trong chiến tranh, các nhà máy hàng đầu ở cả 2 miền (như Hiệp Hoà, Vạn Điểm…) đều có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Viện Mía đường và các Trung tâm mía đường của các công ty lớn như TTCS, Quảng Ngãi, Lam Sơn không ngừng nỗ lực cải tiến bộ giống, cách trồng. Chính nhờ vậy mà qua các thời kỳ, từ lúc còn thuộc Pháp đến những năm chiến tranh, các vùng đã cố gắng đáp ứng tạm đủ nhu cầu đường. Tình trạng “đói đường” diễn ra sau 1975 chủ yếu là thiếu đường phục vụ chế biến công nghiệp thực phẩm. Chương trình 1 triệu T đường (1995-2000) đã xoá được nạn đói này!
Tập sách có đề xuất phương án sản xuất cho cây mía Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế giới hiện có 2 loại đường XK là đường tinh luyện RE và đường thô. ĐBSCL với hệ thống giao thông liên kết vùng thuận lợi, thì những nhà máy nhỏ chỉ nên là nơi sản xuất đường thô, mật rỉ cung ứng cho các nhà máy lớn, kể cả cho các nhà máy ở vùng Miền Đông Nam bộ (Tây Ninh, Đồng Nai).
Đến nay đường vẫn nằm trong danh mục các mặt hàng được Nhà nước điều tiết về giá. Nhưng bên cạnh đó, yêu cầu hội nhập ngày càng mở cửa, nhà nước không thể “bù lỗ”. Để giải quyết vấn đề này, theo nhiều ý kiến, cần phải xác định lại vai trò vị trí của mặt hàng đường: Đây là thực phẩm tiết yếu gắn liền với vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy thì phải xác định loại đường nào có hại cho sức khoẻ: Đường hoá học, đường bắp được phép dùng cho thực phẩm bao nhiêu là vừa?
Thế giới cũng như trong nước đang yêu cầu ngày càng nhiều thực phẩm hữu cơ, vậy thì các công ty đường phải liên kết để đa dạng hoá sản phẩm. Ngoài đường tinh luyện RE, RS dành cho chế biến thực phẩm, XK, cần có nhiều loại đường khác như đường phèn, đường thẻ, đường vàng, đường thô, mật rỉ bán rộng rãi để người dân sử dụng nấu nướng, làm thuốc trị bệnh, chế biến trong xây dựng, làm phân bón… (giá mật đường và đường thẻ thủ công hiện tại cao hơn nhiều so với đường trắng, nhưng người dân vẫn lùng mua).
Đường thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, là nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp và nhiều ngành; sản xuất mía đường là dây chuyền gắn liền giữa nhà máy, người có đất và nông dân, nhà phân phối sỉ lẻ, xây dựng nông thôn mới hiệu quả . Do vậy yêu cầu cần có Bộ Luật về sản xuất và tiêu thụ mía đường. Nếu để “mạnh ai nấy làm”, “thua lỗ thì giải thể” thì ngành sản xuất mía đường VN sẽ thua trắng trên sân nhà! Đây cũng là mục tiêu của tập sách.
Trần Trung Sáng/VHVN