Một thí sinh thi ba môn được 0,45 nhưng đã được “biến ảo” thành 28 điểm với ba con 9. Kết quả ấy chẳng thí sinh nào dám mơ, vì nó khó còn hơn kêu mưa gọi gió, biến quạ thành công!
Liên Hợp quốc định nghĩa: “Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng”. Theo định nghĩa ấy thì bàn tay lợi dụng quyền lực của mình sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh ở Sơn La và Hoà Bình để các em này đỗ vào các trường đại học hàng đầu theo mong muốn trong kỳ thi trung học quốc gia vừa qua có thể xem là tham nhũng.
Vẫn còn chưa rõ những kẻ tham nhũng đã nhận được gì trong trường hợp này, nhưng cứ nhìn vào gia thế “không chức quyền thì cũng nhiều tiền lắm của” của những thí sinh được nâng điểm sẽ đoán được thứ mà những kẻ tham nhũng nhận được. Nếu không phải là vật chất thì cũng là sự hài lòng của cấp trên kèm với cơ hội thăng tiến, chức vị, danh vọng… Theo lẽ thường, những thứ ấy phải có giá trị tương đương với số điểm họ đã nâng.
Hãy thử nghĩ một thí sinh có điểm thi thật là 13,5 điểm, tức chưa đạt điểm tốt nghiệp THPT, vậy mà những kẻ tham nhũng đã “biến” em thành một trong những thí sinh xuất sắc hàng đầu cả nước với 28,4 điểm, lọt vào tốp ba thí sinh có điểm cao nhất Trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng khủng khiếp hơn, người ta còn biến một thí sinh có điểm thi ba môn chỉ đạt 0,45 (điểm tuần tự là 0 – 0,25 – 0,2) lên thành 28 điểm với ba con 9. Kết quả ấy, nói thật, chẳng thí sinh nào dám mơ, vì nó khó như kêu mưa gọi gió, biến quạ thành công. Thật là chuyện không tưởng! Vậy mà cái thứ không tưởng ấy vẫn cứ nhơn nhơn tồn tại và ngày càng “di căn” trong bộ máy giáo dục.
Mới đây, ở TP.HCM người ta cũng phát hiện nhiều trường hợp cho chuyển trường trái quy định đối với học sinh lớp 10 theo kiểu cho chuyển từ trường có điểm chuẩn thấp đến trường có điểm chuẩn cao hơn. Thoáng qua, chuyện có vẻ nhỏ, nhưng nó không hề nhỏ khi mà việc thi vào lớp 10 công lập hiện còn khó hơn tuyển sinh đại học. Cho nên bản chất của vụ việc, suy cho cùng, cũng là tham nhũng quyền lực.
Chuyện tham nhũng quyền lực trong nền giáo dục hiện đang nhan nhản, từ những chuyện nhỏ như nhận học sinh trái tuyến, không đủ chuẩn; bao che, xử nhẹ cho người thuộc phe nhóm; lợi dụng quyền hành để gây khó khăn cho người khác; cho đến những chuyện lớn hơn như “ưu tiên” tuyển dụng người thân quen, người chịu chi; bổ nhiệm người nhà vào chỗ tốt; đi đêm với các nhà thầu cung cấp thiết bị và dịch vụ cho giáo dục…
Dùng quyền lực ép cấp dưới làm sai để mang lại lợi lộc cho mình cũng là tham nhũng. Theo cách hiểu này thì vụ tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình vừa qua, những kẻ tham nhũng sẽ không chỉ là những người sửa điểm.
Tham nhũng xuất phát từ sự không gương mẫu và coi thường luật pháp của những người có quyền. Nó gây đình trệ sự phát triển, làm giảm lòng tin, thậm chí là thất vọng của nhân dân với ngành. Vừa rồi, ở TP.HCM cũng rộ chuyện ông Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM duyệt cho vợ mình đi nước ngoài trái quy định và bị đề nghị kỷ luật. Vụ việc này làm nhiều người hả hê vì họ đã quá chán ngán và thất vọng về ông quan đầu ngành này. Đây không phải là vụ việc đầu tiên.
Năm 2014, sau 3 năm lên làm giám đốc sở thì vợ ông cũng lên làm hiệu trưởng một ngôi trường danh giá nhất TP.HCM. Việc làm ấy gây nhiều “lời ong tiếng ve”, nhưng ông bất chấp. Sau đó đến lượt cả hai vợ chồng cô em vợ của ông đang làm “lính” ngành thể dục thể thao về làm “quan” ngành mình quản lý! Đó là chưa kể đến bao chuyện không hay khác trong việc bổ nhiệm cán bộ. Ở thời điểm hiện tại có thể chỉ ra hàng chục trường THPT đang bất ổn bởi hiệu trưởng được bổ nhiệm không có tài, cũng chẳng có tâm, tập thể không phục.
Chắc hẳn các thầy cô giáo có lương tâm, những người có quan tâm yêu quý ngành giáo dục, nghề giáo đang cảm thấy rất đau lòng. Một ngành nghề cao quý, được xã hội ngưỡng mộ và trọng vọng đang bị “tầm thường hóa” đến mức trở thành bầy hầy, mà tác nhân gây ra sự bầy hầy ấy lại là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Theo Báo phụ nữ