Mắc hội chứng Progeria hiếm gặp, bé gái Taqlima Jahan Nitu (10 tuổi, Bangladesh) bị rụng hết tóc, khuôn mặt nhăn nheo như bà già và chỉ có thể sống thêm 3 năm nữa.
Theo Bored Panda, bé Taqlima Jahan Nitu, sinh ngày 10/9/2007 tại Habiganj, Bangladesh, là con thứ 4 của anh chị Kamrul Hasan.
Nitu mắc phải Progeria – một bệnh di truyền hiếm gặp với triệu chứng bề ngoài lão hóa xuất hiện sớm.
Khi Nitu khoảng 3 tháng tuổi, chị Josna – mẹ cô bé, nhận thấy cơ thể con gái phát triển không giống với bạn bè trang lứa. Nitu bị rụng tóc rất nhanh.
Sau khi hỏi ý kiến nhiều người, chị Josna quyết định đưa con tới khám bác sĩ địa phương. Họ kê cho cô bé uống một số loại thuốc trị bệnh dạ dày. Không may, bác sĩ chẩn đoán sai khiến tóc của em rụng hết chỉ sau một đêm uống thuốc.
Quá lo lắng, cha mẹ Nitu đã đưa em tới bệnh viện tuyến trên ở Sylhet. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa con gái đến Dhaka để được điều trị tốt hơn.
Progeria hay Hutchchinson-Gilford Progeria Syndrome là hội chứng về di truyền hiếm gặp ở người, tỷ lệ tử vong gần như là 100%.
Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy, trong 4 triệu trẻ chỉ có 1 trẻ mắc phải hội chứng này. Tháng 1/2017, cả thế giới ghi nhận 144 trường hợp mắc bệnh, ở 46 nước.
Tốc độ lão hóa của trẻ rất nhanh, gấp 8-10 lần người bình thường. Vì thế một đứa trẻ 10 tuổi có thể mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và xương khớp giống như người 70 tuổi.
Trẻ mắc phải hội chứng Progeria phát triển rất chậm, hầu như không có tóc, lông mày, lông mi. Da thường mỏng, nhạt màu đặc biệt ở trên đầu có thể dễ dàng thấy các mạch máu. Lớp mỡ dưới da của trẻ tiêu biến bắt đầu từ khoảng 6 tháng tuổi. Ban đầu là ở tay, chân rồi đến ngực, eo, cuối cùng là ở khuôn mặt. Tuy nhiên, trí tuệ của trẻ mắc bệnh phát triển như bình thường.
Trẻ mắc phải hội chứng này thường tử vong ở độ tuổi trung bình 12.6 tuổi (trong khoảng từ 8-21 tuổi). Hầu hết không sống qua tuổi vị thành niên, chỉ một hoặc hai trường hợp sống qua 20 tuổi.
TH