Còn nhớ, từ tháng 10/2017, khắp các trang báo đồng loạt đưa tin về các vụ bác sĩ bị tấn công. Người ta còn thống kê được rằng, sau 8 tháng cuối năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, số vụ hành hung bác sĩ đã tăng gấp 4 lần so với trung bình 6 năm trước đó (dựa trên số vụ được ghi nhận).
Lỗi tại ai?
Đứng trước một vấn đề xã hội nổi cộm, người ta dễ dàng chia làm nhiều góc nhìn, và nhận ra lý do có từ cả hai phía. Các bác sĩ hay ngành y tế đã làm gì để người dân mất niềm tin, sự kính trọng và lòng biết ơn? Đồng thời, đạo đức xã hội đã xuống đến mức nào khi người dân liên tiếp có những hành vi côn đồ vô lối với ngay cả người đang nỗ lực cứu chữa người nhà mình?
Ai cũng có trải nghiệm thực tế để chứng minh lý lẽ của mình. Những người đã từng vào bệnh viện khám chữa hoặc đi cùng người thân thì nói rằng thủ tục tại bệnh viện rườm rà, mất thời gian trong khi tính mạng người ta đang ngàn cân treo sợi tóc. Bác sĩ thì đủng đỉnh, thờ ơ, hoặc chỉ tập trung làm việc của mình mà không quan tâm tới việc làm công tác tâm lý cho người nhà bệnh nhân.
Các bác sĩ có thể rất hiểu về chuyên môn nên họ biết cách bình tĩnh thao tác, nhưng người nhà và bệnh nhân thì không hiểu, họ dễ cảm thấy bác sĩ thiếu trách nhiệm và sốt ruột khi không được giải thích đầy đủ. Đôi khi vì quá lo lắng trong khi không có đủ thông tin họ thường hình dung bệnh tình thực tế nặng hơn bác sĩ chẩn đoán.
Cũng có cả những bác sĩ chỉ cốt kê đơn thuốc nhiều tiền, chỉ dẫn hẳn là phải mua ở đây, ở kia mới có. Cũng có vị cố tình đủng đỉnh để người nhà bệnh nhân phải “gửi thư” cho thì mới tận tình khám chữa.
Từ phía những người làm nghề y, họ cho rằng mình đã làm đúng trách nhiệm. Khi công việc của họ thường xuyên bị quá tải và trước áp lực sinh tử của con người họ khó có thể giữ được thái độ niềm nở, chu toàn cho được. Người nhà bệnh nhân cũng thường không tuân thủ yêu cầu của bệnh viện khi cứ muốn “xông” vào khu điều trị cần cách ly. Thậm chí chỉ đạo bác sĩ phải làm thế này thế khác, không theo đúng trình tự khám chữa…
Nghề y cũng là một nghề làm dâu trăm họ, tiếp xúc với đủ hạng người nhưng lại không được bảo vệ và có chế độ như người thi hành công vụ. Trước nạn bạo lực gia tăng ở các bệnh viện, thậm chí có nơi bác sĩ còn phải học võ để tự vệ (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ).
Chẳng tại ai? Hay là tại tất cả chúng ta?
Có vẻ như những luận điểm đưa ra đều có lý cả. Và chính bởi vì đều có lý, nên người ta sẽ nói rằng vì đạo đức xã hội đã xuống cấp rồi. Ở ngành nghề nào, lĩnh vực nào thì cũng thế thôi, chẳng qua nghề y vốn được kính trọng lại trở nên nông nỗi này nên dư luận càng bức xúc.
Khi một xã hội không còn ước thúc về đạo đức, người ta đã quên mất phải nghĩ đến lợi ích của người khác trước khi nghĩ đến lợi ích của mình.
Khi một xã hội không còn niềm tin, người ta cảnh giác và hoài nghi mọi điều, mọi người. Người ta cảm thấy bức bối khi nghĩ mình bị coi thường, không được quan tâm. Người ta hống hách, kẻ cả, bề trên khi có chút quyền lực.
Lúc đó, thì ngay cả khi ở bệnh viện, vốn là nơi mà bác sĩ và bệnh nhân cùng nỗ lực dành sự sống lại trở thành nơi họ “chiến đấu” với nhau, là điều không quá khó hiểu.
Người nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Làm nghề, dù là nghề cứu người thì cũng phải đặt thu nhập, cơ hội thăng tiến lên trên. Đi bệnh viện thì phải đi cửa sau, gửi thêm chút tiền cho nhanh.
Bác sĩ chữa bệnh thì cốt chữa bệnh, chẳng cần để ý thái độ, giao tiếp, thông cảm cho nỗi lo, nỗi đau của người khác. Người đi chữa bệnh cũng chỉ cốt được việc mình, cứ như thể bệnh nhân khác không đau không nguy hiểm như họ. Cũng chỉ cốt thúc giục, đe dọa, cứ như thể bác sĩ là đều có thể chữa được bách bệnh. Chỉ cần khám là biết điều trị ra sao ngay lập tức.
Tất cả mọi cái nông nỗi trái ngang, gây ấm ức từ những phần tử nhỏ rồi đến cả xu thế trong xã hội, đều là vì chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người.
Cách đây 70 năm, trẻ em cấp một đi học đã được dạy:
“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối: công bình và nhân ái. ‘Không hại người’ tức là công bình, ‘Làm hay cho người’ tức là nhân ái” – (trích “Luân Lý Giáo khoa thư, 1948).
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Đó là công bình.
“Kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân”, nghĩa là cái gì mình muốn thì nên làm cho người. Đó là nhân ái.
Tập Gia huấn ca cũng viết: “Thương người như thể thương thân”.
Đó chính là điều mà mọi con người phải học trước khi học lấy một nghề hay kiến thức để sinh tồn, phát triển.
Nếu một xã hội đặt nặng giáo dục đạo đức, coi trọng người tốt hơn người giỏi, thì xã hội sẽ có ước thúc với mọi cá nhân trong đó không hành động xằng bậy theo sở thích. Nếu ai ai cũng có đạo đức, thì mọi nghành nghề đều sẽ có đạo đức nghề nghiệp cao. Đạo đức nghề nghiệp cao đưa cái nghề tới nơi tôn nghiêm, đã có tôn nghiêm thì cũng chẳng còn ai khinh rẻ cái nghề và những người làm nghề nữa.
Nếu xã hội coi trọng đạo đức, thì người lao công cũng biết không nên quét đường vào giờ cao điểm. Người giúp việc cũng biết tiết kiệm điện nước cho chủ nhà. Người lái xe cũng biết nên hỏi khách trước khi tăng giảm điều hòa trong xe. Người khuân vác cũng biết đặt món hàng xuống nhẹ nhàng và đúng chỗ, gọn gàng.
Ai cũng nỗ lực hết mình, chăm lo tới cả lợi ích của người khác, của cộng đồng thì làm gì còn ai phải bức xúc. Kể cả có chưa hài lòng thì cũng chẳng nỡ nặng lời phê phán vì ai cũng đã cố gắng hết chức phận của mình rồi.
Đừng nói rằng mọi người không nên chỉ nhìn vào những con sâu làm rầu nồi canh rồi quay ra trách oan ngành y. Các bác sĩ chân chính và đạo đức, khi nhìn thấy những con sâu đó hoành hành xung quanh mình, họ có lên tiếng, có làm gì để dành lại sự tử tế cho cái nghề, cho xã hội của mình chưa?
Những công dân bức xúc vì bác sĩ, dược sĩ, vì người chen ngang, vì côn đồ trong bệnh viện… họ cũng đã làm gì ngoài việc chửi bới trên mạng chưa?
Chúng ta từ lúc nào đó, đã hình thành tư duy bảo thân, cốt được việc mình cho xong. Gặp chuyện bất bình thì tránh, khi nào có ai “xới” lên thì cùng góp một tiếng phê phán cay nghiệt. Cuối cùng thì vẫn lại là chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác. Thật ra chính là không nghĩ được cho mình trong tình huống xa xôi hơn, một lúc nào đó sẽ xảy ra điều tương tự với mình.
Thế nên lỗi là ở tất cả chúng ta. Người không hiểu chuyện thì vô tình, cố ý hay dễ dãi làm bừa vài lần rồi nhiều lần thành quen. Người hiểu chuyện thì không quyết liệt với cái sai, bảo vệ bản thân bằng cái lý rằng “mình tôi thì làm được chuyện gì”. Thế nên ai thì cũng sai cả. Chi bằng cùng nhau chú ý và thay đổi.
Bắt đầu từ việc để ý tới lợi ích của người khác, dạy bảo con trẻ bằng những bài đạo đức truyền thống nhân văn. Sẵn sàng lên tiếng và sửa chữa những cái chưa đúng của người và của bản thân. Thực hành điều tốt đẹp bất kể nó có khiến ta trở nên lạc lõng thế nào. Bởi xã hội mất niềm tin là một xã hội nguy hiểm nhất.
Theo ĐKN