Đến thời điểm này, có thể nói sự việc “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng đã có kết luận rõ ràng đây là việc làm không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn. Tuy nhiên, vì sao sự việc này diễn ra trong một thời gian dài mà không bị ngăn chặn cho đến khi báo chí vào cuộc phanh phui trước công luận?
Tuần qua, một phóng sự trên báo Lao Động phản ánh tại chùa Ba Vàng, một cơ sở thờ tự lớn và rất nổi tiếng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nhiều năm nay công khai diễn ra việc truyền bá quan niệm “mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều do oán hồn gây ra”, con người chịu khổ vì đã gây “nghiệp” từ các kiếp trước; muốn thoát nạn thì buộc phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Hơn thế nữa, những bài thuyết pháp của bà Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, thực hiện tại chùa Ba Vàng trước hàng trăm Phật tử và đăng trên mạng internet có nội dung xúc phạm các anh hùng liệt sỹ, xúc phạm nạn nhân trong vụ án giết người hiếp dâm ở Điện Biên.
Bài báo đã gây bức xúc trong dư luận và ngay lập tức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh yêu cầu làm rõ sự việc, chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa và xử lý đối với các cá nhân nếu để xảy ra sai phạm.
Đến chiều ngày 26/3, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Thông tin truyền thông, Người phát ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thông báo với báo chí về cuộc họp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc.
Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết luận việc chùa Ba Vàng, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và Phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống.
Trước đó, cũng trong ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí đã tổ chức thông tin đến báo chí về vụ việc. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết: Các hoạt động “thỉnh vong”,”cúng oan gia trái chủ” đều nằm trong khuôn viên chùa Ba Vàng, nên sư trụ trì chùa là người chịu trách nhiệm. Cơ quan Công an đang thu thập chứng cứ để làm rõ vụ việc. Dù hai nghi thức “thỉnh vong” và cúng “oan gia trái chủ” không nằm trong giáo lý Phật giáo, song hành vi này có được coi là mê tín dị đoan hay không phải chờ vào thông tin từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Công an thành phố Uông Bí đã có thông báo không chấp nhận cho công dân Phạm Thị Yến tạm trú và không được hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng. Bước đầu, bà Yến bị UBND phường Quang Trung (Uông Bí) xử phạt hành chính 5 triệu đồng về các hành vi vi phạm liên quan đến nếp sống văn hóa.
Tại buổi làm việc chiều 23/3 với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Quảng Ninh, đại diện chùa Ba Vàng đã thừa nhận các lỗi vi phạm của các trang thông tin điện tử về thủ tục pháp lý. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu dừng hoạt động các trang thông tin điện tử này.
Như vậy là cơ quan chức năng đã vào cuộc khẩn trương và vẫn tiếp tục xử lý khi phát hiện vi phạm. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu có “lỗ hổng” quản lý khi việc “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng đã diễn ra nhiều năm nay, phát công khai trên mạng internet, thậm chí Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản báo cáo từ lâu nhưng phải đến khi báo chí phanh phui thì mới bị xử lý.
Không có cơ sở nào để kết luận chính quyền bao che, cũng như UBND thành phố Uông Bí đã bác bỏ dư luận rằng nhiều quan chức có “cổ phần” ở chùa Ba Vàng. Nhưng từ sự việc này cũng cho thấy sự lúng túng, hay e ngại của cơ quan chức năng trước những hoạt động mê tín dị đoan núp bóng trong hoạt động tôn giáo tín ngưỡng thông thường.
Có nhiều người, thậm chí cả các quan chức vẫn tin vào quan niệm “vong”, cho dù đã có nhiều vụ án lừa đảo bị đưa ra pháp luật xử lý, điển hình là vụ “cậu Thủy” áp vong tìm mộ liệt sỹ để lừa đảo hàng tỷ đồng. Trong vụ việc ở chùa Ba Vàng, phải đến khi báo chí thông tin bà Phạm Thị Yến thuyết giảng xúc phạm đến các anh hùng liệt sỹ, đến nạn nhân vụ án mạng thương tâm thì dư luận mới “nổi sóng”. Còn việc “vong” đòi tiền công đức hàng chục triệu đồng của Phật tử thì đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý.
Điều 24 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Vụ việc ở chùa Ba Vàng là một tiếng chuông cảnh tỉnh để thực hiện quy định trong văn bản pháp lý cao nhất này.
Theo Tuoitre