Cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra ngày 27 và 28/02 tại Hà Nội. Với mong đợi mang lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới, cuộc gặp mang tính lịch sử này hiện đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và các nhà phân tích chính trị. Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với ông Hunter Marston, một nhà phân tích chính trị và chuyên gia tư vấn độc lập tại thủ đô Washington, Mỹ.
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn ông Hunter Marston
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa cuộc gặp lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Việt Nam lần này?
Ông Hunter Marston: Tôi cho rằng cuộc gặp này rất có ý nghĩa khi đây là nơi lãnh đạo hai nước đã từng có nhiều xích mích gặp nhau. Hai bên sẽ cùng đàm phán nhằm thu hẹp các bất đồng và xây dựng lòng tin, hướng tới một thỏa thuận mà có thể đem lại hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên.
Phóng viên: Theo ông, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mong đợi điều gì từ cuộc gặp này và các kịch bản có thể diễn ra ra sao?
Ông Hunter Marston: Tôi không biết mục đích cụ thể của họ đối với cuộc gặp này là gì. Tôi cho rằng chúng ta cần thực tế và không nên mong đợi một thỏa thuận lớn nào, đặc biệt là hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn hay các biện pháp cụ thể khác.
Tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng vào việc xây dựng lòng tin để mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo sau này, tập trung vào các biện pháp chính sách cụ thể hướng tới một thỏa thuận cuối cùng. Hiện đang có lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump có thể quá nôn nóng để đạt được một thỏa thuận dễ dàng, do đó, có thể sẽ từ bỏ vị trí quan trọng của Mỹ ở châu Á, cụ thể là với việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Đây sẽ là một hy sinh lớn.
Tổng thống Donald Trump đã từng nghi ngờ về giá trị của mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc, vì thế, nếu Tổng thống Trump đưa ra các lời hứa như rút quân khỏi Hàn Quốc, điều đó sẽ củng cố lòng tin với Triều Tiên, nhưng sẽ giảm sức mạnh của Mỹ ở châu Á và điều này theo tôi sẽ là một yếu tố tiêu cực.
Tôi không mong đợi bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về phi hạt nhân hóa và bản thân Triều Tiên cũng hầu như chưa bày tỏ thiện chí từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, cả hai bên sẽ vẫn có thể khiến chúng ta bất ngờ với các cam kết lớn nhằm đạt được hòa bình một cách hạn chế và mở đường cho các diễn biến sau này.
Phóng viên: Việc Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 nói lên điều gì, thưa ông?
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh lần 1 ở Singapore, tháng 6.2018. Ảnh: Reuters
Ông Hunter Marston: Việt Nam có tiếng nói quan trọng ở Đông Nam Á với vị thế đang lên về kinh tế và ngoại giao, đặc biệt là trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng là một đối tác quan trọng của Mỹ. Việt Nam là một nước trung lập, nước thứ ba, đối với cả Mỹ và Triều Tiên cũng giống như Singapore được chọn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất. Việt Nam có thể phát huy vai trò ngoại giao của mình khi là bạn của các nước và là một môi trường trung lập cho các bên.
Cuộc gặp lần này sẽ phản ánh khả năng của Việt Nam trong việc phát huy vai trò ngoại giao của mình, đóng góp cho hòa bình ở khu vực và thế giới. Việt Nam đã thể hiện rõ khả năng tổ chức các cuộc gặp ngoại giao cấp cao như các hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017. Một số Tổng thống Mỹ như Bill Clinton, Barack Obama và Donald Trump cũng đã sang thăm Việt Nam do đó tôi cho rằng cuộc gặp này sẽ làm nổi bật vai trò quan trọng của Việt Nam đối với hòa bình ở khu vực và trên trường quốc tế.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.
Phạm Huân/VOV-WashingtonThực hiện