Tướng Cương: Đưa vào sách giáo khoa để mọi người hiểu rõ bản chất cuộc chiến 1979

21:45 | 13/02/2019

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an trả lời PV Báo Nghệ An về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1979.


Cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lược

P.V: Thưa Thiếu tướng, cho đến nay vẫn còn những cách gọi khác nhau về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979. Nhiều người cho rằng, đây là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc, cũng có người cho rằng đây là cuộc chiến tranh xung đột biên giới. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đánh giá một sự kiện nào thì chúng ta phải bắt đầu và dựa vào thực tiễn đã xảy ra. Thực tiễn ở đây là gì? Đó là ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc lúc đó chia làm 2 cánh vượt biên giới tràn vào Việt Nam. Cánh quân phía Quảng Tây, do Hứa Thế Hữu chỉ huy, gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 53; cánh quân Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy với các quân đoàn 11, 13, 14 và sư đoàn 149 cùng lực lượng biên phòng và dân binh. Trong cuộc chiến này, quân đội Trung Quốc đã sử dụng 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 nghìn tấn đạn, giết hàng chục ngàn người Việt Nam; đốt sạch, phá sạch các vùng họ tạm chiếm, thậm chí còn cho nổ mìn hang Pác Pó – Di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam.

Quân Trung Quốc tràn qua biên giới vào Việt Nam năm 1979. Ảnh tư liệu

Những hành động trên, có thể nói là tàn bạo hơn thực dân Pháp. Nên lưu ý rằng, trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Pháp 1946-1954, khi đến Pác Pó, thực dân Pháp cũng không nổ mìn tại hang này, bởi vì cả Pháp và sau này là Mỹ đều cho rằng đây là một di tích lịch sử văn hóa của một dân tộc, không bao giờ đụng vào, còn quân xâm lược Trung Quốc đã đặt mìn vào nơi này.

Quân Trung Quốc tàn phá nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh tư liệu

Tại làng Tổng Chúc, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng, quân đội Trung Quốc lúc đó đã giết hại dã man một lúc 40 người Việt Nam, trong đó đa số là dân thường, phụ nữ và trẻ em.

Căn cứ vào bách khoa thư của Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… thì không thể nói khác được: Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và dân tộc Việt Nam đã đứng lên chống quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề này phải nhận thức rõ ràng. Không thể gọi đó là “Xung đột biên giới phía Bắc”. Các từ điển bách khoa của Mỹ, Anh, Pháp, Đức… định nghĩa xung đột biên giới hoàn toàn khác. Nếu nói “xung đột biên giới” là ngụy biện, lừa dối.

Tham vọng của nước lớn

 P.V: Theo Thiếu tướng, tại sao Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1979?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thật ra mà nói, cả thế giới không ai biết được lý do thực sự vì sao Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, chỉ có ông Đặng Tiểu Bình và những người lãnh đạo cao cấp, thân cận ông mới biết rõ điều này. Rất tiếc, họ không bao giờ nói thật, vì đây là bí mật quốc gia.

Chúng ta chỉ có thể đưa ra lý giải dựa trên cơ sở hiểu biết, các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thể hiện qua các việc làm của họ. Khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc và chính sách ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi thấy rằng có 2 lý do, mà những người lãnh đạo Trung Quốc đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979: Nguyên nhân chủ yếu nhất, trực tiếp nhất, đó là Việt Nam đã tiêu diệt Khmer đỏ, cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, mà Khmer đỏ là “con đẻ” của Trung Quốc.

Người dân dọc biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Lạng Sơn chạy lánh nạn khi Trung Quốc đem quân xâm chiếm Việt Nam. Ảnh tư liệu

Tôi đề nghị những ai quan tâm nên đọc cuốn hồi ký “Người tù Khmer đỏ” của Hoàng thân Xi-ha-núc, xuất bản ở Paris năm 1978. Trong cuốn hồi ký này đã nói rõ: Trung Quốc đã sử dụng Khmer đỏ như một công cụ để thực hiện ý đồ bành trướng của mình như thế nào. Dân tộc Việt Nam với đại nghĩa, đã hy sinh hàng nghìn người cứu Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Khmer đỏ. Như vậy, Việt Nam đã dám “chặt đứt cánh tay” của những người lãnh đạo Trung Quốc cắm vào Campuchia để thao túng ASEAN. Họ cho rằng Việt Nam đã chặt đứt “cánh tay phải” Khmer đỏ của họ, nên Trung Quốc trả thù Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai, cũng hết sức quan trọng, đó là Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam để tỏ lòng trung thành của Trung Quốc đối với Mỹ. Xin nhắc lại một sự kiện, đầu tháng Giêng năm 1979, trước khi phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, ông Đặng Tiểu Bình với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã sang Mỹ. Trong phòng Bầu dục Nhà Trắng, trước mặt Tổng thống Mỹ Carter, ông Đặng Tiểu Bình đã nói với Tổng thống Mỹ rằng: “Trung Quốc nhận làm trách nhiệm NATO phương Đông, đề nghị Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, để đánh bại đại bá Nga-Xô và tiểu bá Việt Nam”. Như thế Việt Nam trở thành vật “tế thần” để cho Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Để chứng minh rằng, Trung Quốc không phải là đồng minh của Liên Xô và cũng không phải đồng minh của Việt Nam.

Sau khi rời Mỹ, Đặng Tiểu Bình đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979.

Các lực lượng vũ trang Việt Nam chiến đấu trên các mặt trận phía Bắc. Ảnh tư liệu

Sự vu khống, lừa dối lố bịch

P.VTheo Thiếu tướng, 40 năm nhìn lại, chúng ta phải hiểu được quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979 này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong khi chúng ta ít nhắc đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/2/1979, thì ở Trung Quốc hàng năm nhất là vào dịp các năm chẵn 1994, 1999, 2004, 2009… đã có hàng trăm bài báo với những tiêu đề như: “Chiến tranh oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc chống quân Việt Nam xâm lược”, “Cuộc phản công tự vệ chống quân Việt Nam xâm lược”, “Ngày 17/2/1979, quân đội Việt Nam vượt biên giới xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”, “Gương chiến đấu anh dũng của quân giải phóng Trung Quốc trong cuộc phản công chống quân xâm lược Việt Nam”… Đó là một sự lừa dối!

Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam bắn cháy trong cuộc chiến tranh biên giới và tù binh Trung Quốc bị bắt giữ. Ảnh tư liệu

40 năm nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 1 triệu bài báo trên báo chí Trung Quốc vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc, Trung Quốc chỉ phản ứng tự vệ.

Mãi đến năm 2010 vẫn còn 90% người Trung Quốc tin rằng, ngày 17/2/1979, Quân đội nhân dân Việt Nam xâm lược Trung Quốc. Đấy là một sự lừa dối lố bịch, trắng trợn của Trung Quốc về cuộc chiến tranh này!

Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia là tối thượng

P.V: Với tư cách là một nhà nghiên cứu, Thiếu tướng có thể rút ra bài học từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979, theo tôi có mấy  vấn đề mà người Việt Nam cần phải có nhận thức rõ ràng, mạch lạc, đúng đắn.

Thứ nhất, là nhận thức về Trung Quốc qua cuộc chiến. Chúng ta nên nhớ rằng, Mác-Ănghen và Lênin, trong toàn bộ di sản để lại cho hậu thế, không có một chữ nào nói về các nước XHCN đánh nhau. Vì thế, hành động của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 17/2/1979, không phải là hành động của một nước XHCN… Đây là điều đầu tiên mà chúng ta cần phải nhận thức rõ. Vì thế trong chính sách đối với Trung Quốc, chúng ta cần phải đặt bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia là tối thượng, để có chính sách ứng xử đúng mực, không mơ hồ, ngộ nhận trong chuyện này.

Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia là tối thượng. Ảnh tư liệu

Vấn đề thứ hai, vào thời điểm 1979, Việt Nam rơi vào thế khó khăn, đối ngoại gần như bị cô lập, Liên Xô là bạn bè nhưng ở xa, Mỹ và các thế lực phản động khác bao vây cấm vận, trừng phạt. Trong bối cảnh Việt Nam gần như bị cô lập hoàn toàn, Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Vì thế, bài học thứ hai là Việt Nam không được bao giờ để đất nước rơi vào tình cảnh bị cô lập. Nếu bị cô lập về đối ngoại sẽ trở thành miếng mồi ngon cho các thế lực bên ngoài nhòm ngó và xâm lược. Chính vì thế những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng ta đã đề ra chủ trương Việt Nam là bạn của cộng đồng quốc tế, với chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam tham gia tất cả các định chế quốc tế, là thành viên của các tổ chức quốc tế như WTO, WB…

Chúng ta thiết kế quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với tất cả các cường quốc lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Anh, Pháp… đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khi đó chúng ta tạo ra sức mạnh không có kẻ nào dám xâm lược Việt Nam.

Bài học thứ ba, chính là đoàn kết dân tộc. Dân tộc ta đã có nửa thế kỷ chống ngoại xâm. Trong cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới 1979, dân tộc Việt Nam một lần nữa đã nhất tề, dưới sự lãnh đạo của Đảng, triệu người như một, tạo thành một lũy thép vững, chính vì thế mới đuổi quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi bờ cõi… Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải vun đắp sự đồng thuận của xã hội, tạo sức mạnh vô địch của Việt Nam.

Mít tinh mừng chiến thắng chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Ảnh chụp trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu

Cần nghiên cứu kỹ và thấu đáo về cuộc chiến 1979

P.V: Từ thực tế cuộc chiến tranh này, Thiếu tướng có thể đưa ra một vài vấn đề chúng ta cần tiếp tục làm?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi nghĩ, chúng ta cần đưa cuộc chiến tranh chống xâm lược 1979 vào sách giáo khoa các cấp học phổ thông, các hệ thống giáo dục đại học. Chúng ta không quay lưng, quên ơn những người đã hy sinh ngã xuống vì Tổ quốc. Một nhà văn nổi tiếng thời La Mã cổ đại đã nói: “Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của ký ức, thầy giáo của cuộc sống….”. Một nhà văn Nga cũng từng nói “Cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa, nếu thế hệ trẻ không biết đến công việc của những thế hệ đi trước”. Vì thế chúng ta phải đưa cuộc chiến đấu chống quân xâm lược này vào sách giáo khoa.


Một số người nghĩ rằng làm như vậy ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung. Tôi cho rằng nói như vậy là ngụy biện.

Nên nhớ rằng, trong sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản có một chương đậm về tội ác của Mỹ về việc Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật. Trong sách giáo khoa của Anh, của Pháp, có một chương đậm về tội ác của phát xít Đức. Nhưng bây giờ Mỹ-Nhật là đồng minh, Anh-Pháp-Đức vẫn là đồng minh của nhau.

Ai đấy nói rằng đưa vào sách giáo khoa về cuộc chiến năm 1979 là ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung là ngụy biện. Lịch sử là lịch sử, không có ai có thể lấy tay che được mặt trời. Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc, nhưng có trách nhiệm làm cho các thế hệ sau hiểu rõ về bản chất của cuộc chiến 1979. Nước nào cũng phải làm như vậy!

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dựng lại các bia, các bức tường phù điêu ghi nhận sự chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh dũng cảm, về các chiến công của đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Ảnh tư liệu

Hàng năm, nhất là vào các năm chẵn, cần có các hoạt động phù hợp với quy mô, tình hình an ninh, chính trị trong nước và quốc tế, về cuộc chiến 1979, như các cuộc hội thảo khoa học, mít tinh, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, báo chí cũng cần có nhiều bài viết về vấn đề này…

Cần tổ chức nghiên cứu sâu, toàn diện về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1979 để chủ động đối phó mọi bất trắc trong tương lai. Chúng ta phải nghiên cứu thấu  đáo lịch sử, mới có thể có chiến lược đúng đắn, chủ động đối phó với mọi bất trắc trong tương lai. Việc này hết sức cần thiết, chúng ta đã nghiên cứu cặn kẽ các chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong lịch sử thời Hai Bà Trưng, Đinh, Lê, Lý Trần… đến Điện Biên Phủ 1954, Mùa Xuân 1975, tất cả các cuộc chiến đấu nói trên đã được tổng kết, đánh giá, đưa vào sách giáo khoa, có hàng chục ngàn bài viết, công trình nghiên cứu chuyên khảo về các chiến công này. Do đó, tôi đề nghị cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc 1979 cũng cần phải được nghiên cứu thấu đáo.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

 

Theo Baonghean

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình