Tại sao người xưa nhận định vận mệnh con người không thể thay đổi được, lại vừa cho rằng có thể thay đổi được? Bởi vì người xưa giảng nhân quả báo ứng, do vậy thiện ác trong một niệm, vận mệnh hai tầng trời. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ minh chứng cho điều này.
Những năm Quang Tự, có một người Giang Tô tên là Giáp, làm nghề kinh doanh hàng Tây ở tô giới Thượng Hải. Ông chủ đánh giá cao sự thành thật của Giáp, và rất tín nhiệm anh. Một năm ngay trước Tết Đoan Ngọ, ông chủ phái Giáp đem theo chiếc túi da đến chợ Nam thu tiền hàng. Giáp đi từ sáng đến trưa, thu được hơn 1.800 đồng bạc Tây.
Giáp vừa đói vừa khát, nhưng lại nhớ phải trở về ngay, nên vội vàng uống chút trà ở quán trà 16 rồi về. Về đến nhà, Giáp kinh sợ ngây người, túi da lại không đem về, trong lúc hoảng hốt không nhớ ra nổi mất như thế nào. Ông chủ nghi ngờ anh lấy trộm, nghiêm giọng mắng nhiếc, hơn nữa còn nói, nếu không lập tức trả lại số bạc Tây đó, nhất định sẽ đưa Giáp lên quan phủ. Giáp không thể nào giải thích được, chỉ biết khóc nức nở.
Một người ở Phố Đông tên là Ất cũng làm nghề kinh doanh. Ất đang lúc thất ý bần cùng, đang tính qua sông Hoàng Phố về quê. Lúc đó, sau khi Giáp vội vàng rời khỏi quán trà 16, Ất cũng đến quán trà này, lên lầu uống trà, vừa đợi thuyền vừa rầu rĩ khôn tả. Bỗng Ất nhìn thấy một cái túi da trên bàn, mở ra xem, thì ra là một khoản tiền lớn.
Ất vừa kinh ngạc vừa vui mừng, rồi lại nghĩ: “Khoản tiền lớn như thế này, nếu mình lấy đi, không chỉ có thể giúp mình thoát khỏi cảnh nghèo khổ mà nửa đời còn lại sống dư dả. Nhưng vật nào có chủ ấy, người khác nếu vì mất số tiền này mà mất danh dự, thậm chí mất đi tính mạng, mình sao có thể an lòng được. Con người giàu hay nghèo là đã được chú định trong mệnh rồi. Hôm nay mình đã nhặt được của rơi thì phải làm hết chức trách của mình, ngồi ở đây đợi người đánh mất quay lại, trả lại số tiền này cho họ mới được”.
Lúc đó đã chính ngọ, khách uống trà thưa thớt, chỉ có 8, 9 người. Ất cẩn thận quan sát thần sắc khách, chẳng có ai giống người mất của cả. Ất bụng đói sôi sùng sục nhưng vẫn không rời đi nửa bước, ánh mắt sáng rực chăm chú nhìn đám người, nhưng không phát hiện được gì.
Ất cứ ngồi đến chập choạng tối, bóng đêm lan tỏa trên sông, ánh đèn thưa thớt điểm sáng, khách uống trà trong quán đã về hết mới thấy Giáp sắc mặt nhợt nhạt cùng 2 người cuống quýt chạy đến. Thì ra ông chủ sợ Giáp chạy trốn nên không cho Giáp ra khỏi nhà, Giáp đã phải mất rất nhiều thời giờ nói với ông chủ, ông chủ mới cho người cùng Giáp ra ngoài đi tìm.
Ất quan sát một lát, nhận định họ chính là người mất của thực sự, liền cười đón tiếp họ và nói: “Các ông đánh mất túi tiền à? Tôi đợi các ông rất lâu rồi”.
Nói rồi Ất lấy túi tiền ra cho họ xem. Lúc này Giáp thực sự cảm kích nhỏ lệ, không biết nên cảm tạ Ất thế nào, chỉ biết không ngừng nói: “Không có ngài, đêm nay tôi phải treo mình rồi”.
Họ trao đổi tên tuổi, Giáp muốn lấy một phần năm số tiền đánh mất để tạ ơn Ất nhưng Ất không muốn. Giáp đổi lại lấy một phần mười số tiền để báo đáp, Ất vẫn không lấy. Giáp lại đổi thành 1 phần 100, Ất nghiêm giọng chối từ. Giáp đành nói: “Vậy tôi mời ngài uống rượu nhé?”.
Ất vẫn kiên quyết từ chối. Thế là Giáp bèn nói: “Sáng mai tiểu đệ chuẩn bị chén rượu nhạt, kính mời huynh hạ cố giá lâm, tiểu đệ không gặp huynh sẽ chờ ở đó không về”.
Nói rồi ba người liền ra về.
Sáng hôm sau, Ất đến. Giáp đang muốn mời rượu Ất nói lời cảm tạ, Ất liền cảm ơn trước rằng: “Chính vì nhờ ngài hôm qua để quên tiền mà tôi đã giữ được cái mạng này. Hôm qua tôi vốn dự định đi thuyền qua sông Hoàng Phố lúc 1 giờ chiều. Bây giờ kinh sợ nghe tin chiếc thuyền đó đến giữa dòng gặp con sóng dữ đã bị lật, 23 người trên thuyền đều chết đuối cả”.
Một việc thiện của Ất đã cứu được hai mạng người. Mọi người nghe rồi đều lấy làm lạ và tấm tắc ca ngợi, tới tấp đem ly đến chúc mừng Giáp và Ất. Ông chủ của Giáp thấy Ất có thành tín – phẩm chất đáng quý nhất của thương nhân, thế là giữ Ất ở lại thương nghị, mời Ất quản lý sổ sách.
Ông chủ và Ất rất hợp duyên. Mấy tháng sau liền kén Ất làm chàng rể. Ất được quý nhân tương trợ, từ đó dốc sức kinh doanh, sau này trở thành đại phú ông có tài sản mấy chục vạn lạng bạc.
Về vận mệnh, người xưa đã nói: “Tử sinh do mệnh, phú quý tại Thiên”, nghĩa là “Sống hay chết là do mệnh, giàu hay nghèo là bởi Trời”. Đồng thời cũng nói: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích ác chi gia tất hữu dư ương”, nghĩa là: “Nhà tích thiện thì có thừa phúc lành, nhà tích ác thì có thừa tai ương”. Tại sao người xưa nhận định vận mệnh con người không thể thay đổi được, lại vừa cho rằng có thể thay đổi được? Bởi vì người xưa giảng nhân quả báo ứng, cho rằng vận mệnh không phải là ngẫu nhiên, mà là tất nhiên. Quy luật tất nhiên của vận mệnh đương nhiên là con người không thể cưỡng lại được, nhưng con người lại có thể nhận thức được và thuận ứng với nó.
Nếu khi đó Ất xuất phát từ tư dục, muốn lấy số tiền lớn đó để thay đổi vận mệnh của mình, thế thì có thể thay đổi được không? Xem ra có vẻ có thể thay đổi được, nhưng thực tế sẽ không thể thay đổi, vì Ất tất nhiên sẽ lên thuyền đúng giờ, hoàn toàn không thể ngờ được vận mệnh chết đuối đang chờ đợi mình. Nhưng thiện niệm của Ất vừa động một cái, mặc dù mất đi khoản tiền kếch xù đang ở trong tay, nhưng lại thuận ứng với quy luật thiện hữu thiện báo, nên đã hoàn toàn thay đổi vận mệnh của bản thân.
Từ số chết đuối đến đại phú ông, một niệm thiện ác ở thời khắc then chốt sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh bản thân sai khác nhau một trời một vực vậy.
Theo ĐKN