Hàng vạn chiến binh áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã tiến hành cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Chiến công giữ nước này càng hiển hách khi vừa đúng dịp đầu xuân và đúng vào thời thịnh trị của Càn Long. Cho đến nay, cuộc hành quân thần tốc của đội quân bách thắng ấy vẫn là một bí mật huyền ảo trong sử sách…
Mỗi mùa xuân về, người Việt lại bồi hồi nhớ về chiến thắng Kỷ Dậu 1789 dưới sự chỉ huy kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Võ công hiển hách trong năm Dậu
Trong cuộc tiến công ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh chỉ trong khoảng 5 ngày từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 25/1/1789 dương lịch) đến chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của vua Quang Trung, đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng đất nước. Tuy nhiên cho đến nay, cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long của vua Quang Trung vẫn đang là một bí mật của lịch sử.
Chỉ trong khoảng 5 ngày từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 25/1/1789 dương lịch) đến chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của vua Quang Trung, đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng đất nước
PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hà Mạnh Khoa, chuyên viên cao cấp của viện Sử học, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và được ông cung cấp những thông tin về cuộc hành quân thần tốc này.
Theo PGS.TS Hà Mạnh Khoa, sử liệu thể hiện, kể từ ngày 21/11 năm Mậu Thân (1788) quân Thanh chiếm được kinh thành Thăng Long. Tới ngày 24/11, Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở, ngay ngày hôm sau (25/11) ông lập tức lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi ra lệnh xuất quân. Ngày 29/11, vua Quang Trung kéo quân ra Nghệ An và đến ngày 20/12 (15/1/1789) ông mở hội khao quân tại Tam Điệp, đến ngày 30 tháng Chạp (25/1/1789) tổng tiến công tiêu diệt quân Thanh.
Như vậy, kể từ khi lên ngôi Hoàng đế đến khi tiêu diệt toàn bộ quân Thanh, nghĩa quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy vừa hành quân vừa đánh giặc trong khoảng thời gian 1 tháng 10 ngày.
Chiến thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789) là đỉnh phát triển cao nhất của phong trào Tây Sơn, chứng tỏ tài năng quân sự của Hoàng đế Quang Trung và sức sống bền bỉ của dân tộc. Đó là một chiến công vô cùng oanh liệt trong lịch sử đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc ta, là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ, với sự tham gia ủng hộ của nhân dân và tài chỉ huy lỗi lạc của vua Quang Trung.
Trong chiến thắng này, ông đã vận dụng chiến lược, chiến thuật rất tài tình, độc đáo, đã phát huy đến cao độ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân sĩ và triệt để lợi dụng những nhân tố bất ngờ, nắm vững thời cơ, mở một cuộc phản công quyết liệt, thần tốc, không cho quân giặc kịp trở tay đối phó. Chiến thắng này cũng để lại những giá trị vĩnh hằng cho mọi thế hệ hiện tại và tương lai là trong bất kỳ tình huống nào, đoàn kết dân tộc là sức mạnh của mọi thành công và phải luôn đặt lợi ích của dân tộc và đất nước lên hàng đầu.
Bí mật cuộc hành quân thần tốc
Để tìm lý do thành công của cuộc hành quân thần tốc này, có một số thông tin đã đưa ra về cách thức hành quân của quân Tây Sơn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hà Mạnh Khoa, các thông tin này tuy chưa được kiểm chứng bằng các nguồn sử liệu có độ tin cậy cao, nhưng có thể nói, đó là ánh xạ được bảo lưu dưới các hình thức để ca ngợi và ghi nhận công lao của một người anh hùng dân tộc, từ đó cũng nói lên quyết tâm của toàn thể dân tộc kiên quyết chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc.
Quang Trung – Nguyễn Huệ là người tiêu biểu cho sức sống phi thường của dân tộc, tạo nên tính chất độc đáo của thời đại Quang Trung “áo vải cờ đào” khi nông dân tự mình đứng ra đảm nhiệm sứ mạng cứu nước và dựng nước.
Nói về bí mật cuộc hành quân, theo những nghiên cứu, PGS.TS Mạnh Khoa nghiêng về giả thuyết: “Trước hết trước khi hành quân tiêu diệt quân Thanh, vua Quang Trung đã 2 lần ra Bắc vào năm 1786 và cuối năm 1787. Nhưng với năm Kỷ Dậu, thế và lực của nghĩa quân đã mạnh lên rất nhiều, đặc biệt một lực lượng không nhỏ là quan lại, nho sĩ của Bắc Hà đã hợp tác chặt chẽ ủng hộ nhà vua. Chính vì thế mà vua Quang Trung đã có một kế hoạch hoàn hảo trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống lại quân xâm lược nhà Thanh.
Bốn mươi ngày đường, khoảng cách 1.200 dặm, tổng số quân 10 vạn có 5 vạn từ Huế và 5 vạn tại Thanh Nghệ cùng 300 thớt voi (dùng riêng cho các “ông voi” là loại thú khổng lồ được thuần dưỡng, biên chế như một binh chủng trong quân đội xưa), nếu muốn đến Thăng Long thì 1 ngày phải đi được 30 dặm (tức 48km) và phải đi liên tục không có ngày nghỉ.
Vào thời điểm đó, từ Huế ra Thăng Long chỉ có hai tuyến đường chính: Tuyến Lai Kinh (gần trùng với Quốc lộ 1A hiện nay) và tuyến Thượng Đạo, men theo đồi núi trung du phía Tây, giãn cách với Quốc lộ 1A từ 30 – 40km đến 70 – 80km. Tuyến Lai Kinh có ưu điểm là ngắn hơn, nhưng đó là đường đất và nhiều sông hồ, đầm lầy vậy nên hàng vạn quân binh mã, voi sẽ khó vượt qua để đạt tốc độ 40 – 45km/ngày.
Thêm vào đó, đi tuyến này đại quân sẽ đi qua các vùng có nhiều tai mắt của quân Thanh, chắc rằng quân Thanh sẽ động binh sớm hơn kế hoạch dự định. Có thể khẳng định chắc chắn rằng đại quân, voi và phương tiện chiến tranh không thể nào vận hành theo tuyến Lai Kinh.
Còn với tuyến Thượng Đạo, nhiều sử gia cũng đồng ý với quan điểm, nghĩa quân Tây Sơn hành quân theo con đường này. Tuyến đường này dài hơn một ít so với tuyến Lai Kinh nhưng địa hình đồi núi trung du, chỉ qua sông đầu nguồn và những con suối cạn. Chỉ có vài ba con sông lớn như sông Lam, sông Mã…
Như vậy quân sĩ, voi có thể theo Thượng đạo một cách bí mật thần tốc và đi bình thường 48km hàng ngày suốt 40 ngày đêm không mệt mỏi. Với tuyến Thượng Đạo, vấn đề qua sông suối là dễ dàng, voi đã có thức ăn như chuối rừng và cỏ. Điều quan trọng là quân địch không thể nào phát hiện có sự động binh của vua Quang Trung ra Bắc”.
“Theo một số sử sách triều Lê ghi lại, khi tiến quân ra Thăng Long đánh quân Thanh, vua Quang Trung đã bày cho quân lính cứ 3 người một tốp, thay phiên cáng nhau đi, thành ra cuộc hành quân dài không phải dừng mà ai nấy đều được nghỉ, do đó quân Tây Sơn hành quân cực kỳ thần tốc. Thêm vào đó, một số giả thuyết cũng đưa ra, quân Tây Sơn đã dùng cáng bằng tre, nứa đan, đến những khúc sông, lấy cáng ra làm thuyền thúng vượt sông, rất hiệu quả, nhất là dịp tháng Chạp miền Bắc, trời rét lạnh căm căm. Ở đây có một vấn đề cần tiếp tục giải mã là tại sao chỉ trong khoảng thời gian trên mà Hoàng đế Quang Trung vừa tuyển quân, vừa hành quân và tổ chức những trận đánh khiến cho quân Thanh trở tay không kịp”, nhà sử học dẫn chứng thêm.
Nói về cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, PGS.TS Mạnh Khoa nhấn mạnh: “Cho đến nay, những thông tin này hoàn toàn bí mật. Nhưng có thể nói đây là một cuộc hành quân thần tốc nhất, một trong những kỳ tích về hành quân và tổ chức đánh giặc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nhưng để làm được điều đó trước hết phải nói đến tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân trước nguy cơ bị quân xâm lược phương Bắc chiếm, dân tộc mất quyền tự chủ, độc lập. Chiến thắng vĩ đại đó không tách rời sự lãnh đạo và tổ chức tài ba của vua Quang Trung”.
PV/TH