Tháng bảy, nắng rọi qua từng tán cây, lá rơi xào xạc trên phố cũ. Hà Tĩnh như dịu dàng hơn trong sắc tím của những dãy bằng lăng, rì rào gọi miền ký ức. Dịp này, Trường THPT Phan Đình Phùng (Phường Thành Sen, tỉnh Hà Tĩnh) tưng bừng Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường – là tám mươi mùa hoa phượng đỏ – tám mươi lớp người đã lớn lên từ mái trường thân yêu ấy, tỏa đi khắp mọi miền rồi lại quay về, khẽ chạm tay vào tuổi trẻ trung của mình nơi góc sân trường quen thuộc…
Chúng tôi, những học sinh của khóa K52 (1997 – 2000), cũng trở về trong hội khóa năm nay, với tất cả niềm hân hoan, bồi hồi của những đứa con xa quê trở lại với thanh xuân của tuổi học trò. Thành Sen đón chúng tôi bằng cơn mưa nhẹ sớm mai, như rửa trôi bụi đường của hai mươi lăm năm dài rộng. Gặp lại thầy cô, gặp lại bạn bè, mới thấy thời gian dẫu có làm bạc mái tóc, hằn vết chân chim lên khóe mắt, thì tình thầy trò, nghĩa đồng môn vẫn vẹn nguyên, thắm thiết đong đầy.
Cựu học sinh trường Phan Đình Phùng (khoá 1997 – 2000) về thăm trường cũ nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập trường, đồng thời tri ân các thầy cô và đóng góp cho trường 50 triệu đồng..
Buổi hội ngộ của khoá 1997 – 2000 tại phường Thành Sen đông vui, rộn rã như một đám cưới lớn của thanh xuân. Bao nhiêu gương mặt thân quen lẫn bất ngờ, bao nhiêu tiếng cười vỡ òa xen lẫn những giọt nước mắt không kìm nén được. Ta lại nhận ra nhau qua ánh mắt, qua giọng nói, dù dáng hình đã đổi thay. Ai đó bỗng chạm vai, hỏi khẽ: “Có nhớ không? Năm ấy lớp mình và lớp cậu chỉ cách nhau một dãy nhà, thường sang vui đùa và trao cho nhau trái ổi, thanh kẹo, ngày ấy sao mà nghịch ngợm quá”. Và tiếng cười vỡ òa, kéo theo cả trời kỷ niệm ùa về…
Hành trình về trường của lớp C1 khoá 1997 – 2000 về thăm trường sau 25 năm tốt nghiệp.
Thế nhưng, hội khóa không chỉ là để vui, để ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Nhân dịp chào mừng 80 năm thành lập mái trường mến yêu, tập thể Khoá 1997 – 2000 đã đến thăm và chúc mừng Ban giám hiệu nhà trường, tặng cho trường những món lẵng hoa chúc mừng và 50 triệu đồng tiền mặt. Được coi như là đóng góp chút ít công sức trong dịp “trường Phan” được xây mới hoàn toàn, khang trang, sạch đẹp và hiện đại bậc nhất của tỉnh Hà Tĩnh trong thời điểm hiện tại.
Cựu học sinh K52 (1997 – 2000) đã để lại dấu ấn những buổi hội khoá bằng phong trào thể thao, gắn kết những người bạn xưa cũ
Đặc biệt hơn nữa, lớp chúng tôi, C1-K52 Trường Trung học chuyên ban Phan Đình Phùng, là lớp chọn chuyên ban cuối cùng của Hà Tĩnh, để rồi sau đó ngôi trường mến yêu đổi tên thành Trường THPT Phan Đình Phùng như hiện giờ. Là lớp chọn chuyên văn, nên nam ít hơn nữ, nhưng tình cảm luôn dạt dào đằm thắm, dẫu có 25 năm, 30 năm, hay lâu hơn nữa, thứ tình cảm ấy vẫn cứ vẹn nguyên như ngày đầu không thay đổi.
Lớp C1-K52 trường Phan Đình Phùng đến thăm bạn Nguyễn Đức Thịnh, học sinh cùng lớp có hoàn cảnh éo le, Thịnh bị trầm cảm nặng, hiện sống cùng mẹ già trong căn nhà hầu như chỉ đóng cửa không tiếp khách.
Hội khoá, hội lớp sau 25 năm xa cách, lại là dịp 80 năm thành lập trường, không chỉ là những bữa tiệc nhảy múa hát ca, điều ấm lòng là chúng tôi luôn quan tâm sâu sát đến hoàn cảnh mỗi người trong lớp. Thăm hỏi, động viên đến những bạn đang gặp hoạn nạn hoặc đang chịu cảnh đời éo le. Lớp C1 chúng tôi đến thăm nhà bạn Nguyễn Đức Thịnh, một người bạn từng năng nổ, hay cười ngày nào giờ đây đang mắc bệnh trầm cảm nặng, thần trí không còn bình thường. Thịnh bây giờ xa lánh cuộc sống xô bồ, chỉ ở nhà một mình cùng với mẹ già chăm sóc lẫn nhau. Biết được hoàn cảnh ấy, chúng tôi tự động mở cổng vào nhà sau nhiều lần gọi không hồi đáp. Ngồi bên cạnh Thịnh, nhìn bạn ánh mắt xa xăm, nụ cười héo hắt, cả lớp không ai kìm nổi nước mắt xót xa. Nắm tay bạn, từng người góp chút quà, chút tiền, nhưng hơn hết là một lời động viên, một cái ôm siết chặt, như muốn truyền hơi ấm của cả một tập thể ngày xưa vào trái tim bạn hôm nay.
Lớp đến thăm nhà bạn Thuyết (người mặc áo vàng) bạn không may bị khiếm thị, đôi mắt chìm dần vào bóng đêm, hiện không nhìn thấy gì.
Rồi lớp C1 chúng tôi lại đến thăm bạn Trần Hữu Thuyết, một người mà trong ký ức của mọi người là vui vẻ hoà đồng, chăm làm và nhiệt huyết, nay đã bị khiếm thị, đôi mắt Thuyết ngày càng chìm vào trong bóng tối. Thuyết vẫn nhận ra từng giọng nói của bạn cũ, và cũng bồi hồi khi nghe chúng tôi gọi tên mình. Thuyết bảo, giờ xung quanh mình hoàn toàn là bóng trắng mờ ảo, đi chạy chữa khắp nơi nhưng bác sỹ bảo mình bị tổn thương ở đáy võng mạc, vô phương rồi các bạn à. Cả lớp ngồi bên, bùi ngùi, lặng lẽ. Giây phút ấy, chúng tôi chợt nhận ra rằng, sau tất cả, những gì đọng lại của cuộc đời không phải là danh vọng hay địa vị, mà chính là những bàn tay nắm lấy nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, những tấm lòng đùm bọc nhau như thuở học trò trong sáng.
Đại diện lớp chuyên văn C1 trường Phan Đình Phùng tham gia hội khoá nhân kỷ niệm 80 năm thành lập trường.
Hội khóa 25 năm không chỉ là dịp ôn lại kỷ niệm, mà còn là lời nhắc nhở chúng tôi về những gắn bó không thể tách rời. Hội khoá, hội lớp của chúng tôi, không phải là những bữa tiệc thị phi và phong trào khoe chức tước địa vị. Điều mà mỗi lúc hè về, các báo đài và mạng xã hội thỉnh thoảng lại nêu lên với những góc khuất khiến dư luận không hài lòng. Mái trường Phan Đình Phùng – Thành phố Hà Tĩnh (nay là phường Thành Sen) không chỉ dạy chúng tôi chữ nghĩa, mà còn dạy làm người, dạy cách sống nghĩa tình, thủy chung. Giữa dòng đời cuồn cuộn, mỗi khi quay lại Thành Sen, chúng tôi như được tiếp thêm một niềm tin rằng, dẫu ngoài kia bão giông, thì nơi này vẫn là chốn bình yên để trở về, để được là chính mình, để thấy tuổi trẻ vẫn còn nguyên vẹn trong mắt bạn bè.
Xin cúi đầu tri ân thầy cô, những người lái đò thầm lặng đã dìu dắt chúng tôi qua bến bờ tri thức. Xin xiết chặt tay những người bạn xưa, đã cùng nhau viết nên những ngày xanh đáng nhớ. Và xin hẹn, vào những hội khóa sau, chúng ta vẫn sẽ về đây, vẫn sẽ khóc cười bên nhau, cùng hát vang những khúc ca Phan Đình Phùng suốt đời còn mãi. Bởi Thành Sen bốn bề mưa nắng, mà lòng học sinh trường Phan thì vẫn sáng mãi như sao.
Trần Hoàng – Phóng viên tạp chí Văn hiến Việt Nam tại Miền trung – Tây nguyên