Giàng Nhả Trần là bút danh của nhà báo Trần Đức Thọ – cái tên được bảo chứng bởi độ trải nghề, sự cả cương kiêu hãnh của một cây viết bản lĩnh, miệt mài đi tìm những nẻo đời bằng tâm cảm: chân lý cuối cùng sẽ hiện ra, sự thật cuối cùng sẽ được tỏ tường.
Tên khai sinh là Trần Đức Thọ, quê cha mẹ tỉnh Hà Tĩnh – nơi có đỉnh núi Hồng Lĩnh tỏa rạng linh khí đất trời ngàn năm, lại thêm sự dung dưỡng của con suối Ngòi Nhì xanh trong ở miền núi rừng Tây Bắc của những năm tháng tuổi thơ đã định hình nên khí chất Giàng Nhả Trần cương nghị, ngạch trực và… bạo liệt. Từ những ngày còn nhỏ, sống ở trong rừng nơi chưa có trường học để đi học nhưng anh đã biết đọc, biết viết thông thạo nhờ người cha truyền dạy. Cũng từ khi đó anh đã tự biết mình không “nhỏ bé tầm thường”, ương ngạnh mà trổ một mầm cây mọc thẳng, cả tin đứng trên đôi chân vững chãi của mình. Bằng chứng là Giàng Nhả Trần dám bỏ học, đi theo một đội tuyển bóng đá để phỉ chí tang bồng. Sau đó, anh bị cha bắt về nhà, mới quay trở lại trường học tiếp. Dự định của gia đình, khi Giàng Nhả Trần học xong phổ thông sẽ cho đi công an nhưng anh không vào ngành công an mà đi bộ đội xung phong lên biên giới phía Bắc đánh quân Tàu. Hơn 4 năm là người lính trên biên cương rồi Giàng Nhả Trần chuyển sang theo học ngành cảnh sát, rồi về công tác tại Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1996, anh cùng gia đình chuyển công tác xuống Hà Nội…
Nhà báo Trần Đức Thọ (bút danh Giàng Nhả Trần)
“Mới đầu, tôi viết các mẩu tin về chống tội phạm, về kết quả các vụ điều tra phá án… cộng tác với các báo. Thời gian sau, tôi thử sức trên mảng phóng sự, phóng sự điều tra” – Giàng Nhả Trần nhớ lại quãng thời gian “tập sự” báo chí của mình. Những mẩu tin ấy đã rủ rê anh rẽ hướng từ một chiến sĩ trinh sát, một sĩ quan công an kinh tế, một cảnh sát điều tra hình sự bước sang con đường báo chí, sử dụng ngòi bút để phanh phui các vụ việc tiêu cực trong xã hội. Tờ báo Giàng Nhả Trần về công tác lúc đó là Báo Điện ảnh Kịch trường Việt Nam – một tờ báo thuần túy văn nghệ, không dính dáng gì đến chuyện chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội. Nhưng ít ai ngờ rằng, chính cái vỏ “báo văn hóa văn nghệ” ấy lại là “vỏ bọc hoàn hảo”, khiến những kẻ xấu ít đề phòng cảnh giác – điều kiện để anh có cơ hội thâm nhập thực tế, điều tra thu thập chứng cứ, rồi viết nên những thiên phóng sự gây chấn động dư luận xã hội. Một lợi thế nữa của việc công tác ở Báo Điện ảnh Kịch trường là những kẻ xấu không tài nào biết Giàng Nhả Trần sẽ công bố những phóng sự điều tra ở đâu để… can thiệp(?!). Nhờ đó, độc giả cả nước mới được đọc những thiên phóng sự của anh, như: “PM 18”, “Cuộc chiến pơ-mu lúc chợ chiều”, “Vì sao gấu khóc trên biên cương”, “Chuyện chỉ có ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương”, “Thành phố giao lưu”, “Vì sao bán đất đường biên”, “Chuyện kinh hoàng trên miền sơn cước”.v.v… Trong số này, “Chuyện kinh hoàng trên miền sơn cước” đăng trên Báo Lao động và Xã hội số Tết dương lịch năm 1999 với tiêu đề “Ăn nhầm… thịt người” cho đến nay vẫn được nhắc đến là một câu chuyện… “kinh hoàng”.
Nhà báo Trần Đức Thọ với cán bộ, phóng viên Ban Chuyên đề phía Nam
Chuyện xảy ra ở huyện miền núi tỉnh Phú Thọ. Một phụ nữ tuổi ngoài 40, chưa chồng, quê ở tỉnh Thái Bình, cùng gia đình lên Phú Thọ khai khẩn đất hoang. Sau chuyến đi thăm em trai đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, người phụ nữ được em trai tặng chiếc nhẫn 2 chỉ vàng, trên đường trở về huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) bỗng dưng bị mất tích. Một thời gian ngắn sau đó, ở một khu rừng của huyện Thanh Sơn, hai anh em người thợ săn phát hiện xác một con “đười ươi” bị cháy đen thui bên đống cỏ tranh bèn cắt dây rừng buộc bộ xương lại, kéo về nhà rồi ném nguyên bộ xương “đười ươi” xuống ao ngâm cho sạch để nấu cao. Trong quá trình nấu, một số xương của chi trên vẫn còn dính thịt, đã có người vớt ra để ăn. Một số người nghi xác con “đười ươi” đó chính là xác của người phụ nữ bị mất tích nên đã “mật báo” với Nhà báo Giàng Nhả Trần. Từ Hà Nội, nửa đêm khuya khoắt anh phóng xe trên con đường đá gồ ghề lên miền núi Thanh Sơn – Phú Thọ, tìm hiểu thực hư. Để xác thực thêm bằng chứng, Giàng Nhả Trần còn tìm gặp Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn, Trưởng Phòng Lâm nghiệp huyện Thanh Sơn, Công an huyện Thanh Sơn… cùng mình dịch đoạn băng ghi âm tiếng Mường sang tiếng Việt, rồi cùng nhau ký biên bản xác nhận vụ việc. Chưa dừng lại ở đó, anh còn cẩn thận chạy xe máy thêm mấy chục cây số, tìm cô văn thư của kiểm lâm đang đi nương, lấy dấu mộc đóng vào biên bản rồi mới trở lại Hà Nội. Phóng sự sau đó in 5 kỳ trên Báo Lao động và Xã hội (và một số báo khác như Pháp luật, Tuổi trẻ…) tạo nên một tiếng vang lớn bởi những tình tiết ly kỳ, đúng chất trinh thám Giàng Nhả Trần.
Trao đổi nghiệp vụ với phóng viên Văn phòng Đại diện Miền Trung – Tây Nguyên tại Hà Tĩnh
Khi Báo Điện ảnh Kịch trường Việt Nam chia tách, anh về làm quản lý ở Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn và hiện nay anh đang là Giám đốc điều hành của Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Văn hiến Việt Nam là đơn vị báo chí chuyên sâu về văn hóa, còn Giàng Nhả Trần vẫn “chuyên sâu về bản lĩnh chống tiêu cực”. “Điều tra” và “văn hóa” là hai lĩnh vực rất khác nhau, nhưng từ khi anh làm quản lý ở Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn và cho đến nay là Tạp chí Văn hiến Việt Nam, đọc những bài viết của anh về văn hóa nghệ thuật mới thấy văn hóa nghệ thuật luôn ngấm sâu trong ý chí và tình cảm của anh. Ngay khi thành lập Văn phòng Đại diện MTTN tại Hà Tĩnh mà anh là Giám đốc kiêm trưởng Văn phòng, anh đã tổ chức và chỉ đạo anh em phóng viên thực hiện loạt bài chống tiêu cực trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngay tại Hà Tĩnh với phương châm “văn hóa Hà Tĩnh là phải sạch và phải đẹp”. Đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực trật tự văn hóa là hết sức khó khăn và nhạy cảm, thậm chí khó khăn gấp bội lần so với các lĩnh vực đời sống xã hội khác. Bởi lĩnh vực văn hóa liên quan đến bản sắc văn hóa của từng địa phương và liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa tâm linh của bà con nhân dân trong khu vực.
Cùng anh em Ban chuyên đề đi nghiên cứu thực tế về văn hóa tại Liên bang Nga.
Loạt bài về “Sắc phong ở Chùa Am – Hà Tĩnh” đã gây tiếng vang lớn, những nhân vật tự phong là “nhà văn hóa” để gây biến chất văn hóa bị bóc trần, sự thật về di tích được đưa ra ánh sáng cho bà con nhân dân nhận diện. Rồi tuyến bài về sai phạm tại di tích “Đền Truông Bát” nối tiếp sau vụ “Chùa Am” đã chính thức phanh phui những sai phạm trắng trợn trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa tại địa phương vốn giàu truyền thống văn hóa. Trong vụ “Đền Truông Bát” đối tượng vi phạm luôn tung tin sẽ “sát hại phóng viên”, thuê luật sư tìm sơ hở của Tạp chí Văn hiến Việt Nam để “tấn công” lại cơ quan báo chí. Phóng viên tham gia thực hiện đề tài này bị tác động nên đã nản chí, có phóng viên đã né tránh nhiệm vụ. Lập tức anh nhanh chóng thành lập “Tổ công tác đặc biệt”, điều động phóng viên ở địa phương khác về Hà Tĩnh để cùng tác nghiệp và chính anh trực tiếp thâm nhập vào thực tế để điều tra, xác minh, đồng thời trực tiếp chỉ đạo và viết bài bảo đảm cho tuyến bài liền mạch, xuyên suốt, phơi bày tiêu cực ra ánh sáng… Tuyến bài này mới đây đã được trao giải báo chí Trần Phú tại Hà Tĩnh nhân dịp Kỉ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Trần Đức Thọ với các sinh viên âm nhạc tại Ý
Ngoài chuyên môn về báo chí, anh còn đặc biệt quan tâm đến đào tạo thế hệ phóng viên trẻ nhằm có đội ngũ kế cận cho cơ quan. Rèn luyện lớp phóng viên do mình phụ trách luôn có lối sống ngay thẳng, trung thực và nhiệt huyết với công việc. Đặc biệt, mọi người còn biết đến Giàng Nhả Trần là một “nhà từ thiện” tận tâm. Anh luôn có mặt bất kì lúc nào khi có thiên tai bão lũ xảy ra để tổ chức cứu trợ cho bà con nhân dân nơi gặp hoạn nạn, khó khăn. Anh cũng là người có tình yêu quê hương Hà Tĩnh đến cháy bỏng, luôn đau đáu hướng về Hà Tĩnh với quan điểm “Hà Tĩnh là phải sạch, phải đẹp”, phải xứng đáng là quê hương văn hóa và cách mạng. Anh yêu quê hương đến ngay cả “trí tuệ nhân tạo” cũng luôn nói về điều này.
Hình ảnh trí tuệ nhân tạo ChatGPT nói về nhà báo Trần Đức Thọ
Dù là người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, hay sĩ quan công an truy bắt bọn tội phạm hình sự, hay nhà báo với các tác phẩm báo chí điều tra sâu sắc thì ở bất cứ vị trí nào, nắm giữ vai trò gì, nhà báo Trần Đức Thọ tức Giàng Nhả Trần vẫn luôn sống một cuộc đời sôi nổi, dấn thân, phụng hiến hết mình. Anh luôn tin và nhìn sâu vào những nẻo đời, là cách đến với ánh sáng của tha nhân, chân lý sẽ hiển lộ sau những đắng cay tận cùng…
TRỊNH CHU (Báo Lâm Đồng)