Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, đầu tháng 7/2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Yên chính thức sáp nhập vào Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk.
Ông Đào Thái Hòa – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk chủ trì Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 sau sáp nhập Chi nhánh NHCSXH của hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Ảnh: Thanh Nga.
Việc hợp nhất hai Chi nhánh không chỉ là sự kiện mang tính tổ chức hành chính, mà còn đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của NHCSXH trong vai trò là “ngân hàng vì người nghèo và đối tượng chính sách khác”.
Kể từ khi thành lập, Chi nhánh NHCSXH hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên luôn là điểm tựa vững chắc cho hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất, chăn nuôi, học tập và cải thiện cuộc sống. Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tạo sinh kế bền vững, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển nông thôn mới.
Ông Đào Thái Hòa – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Ngay sau sáp nhập, Chi nhánh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ổn định tổ chức, sắp xếp bộ máy nhân sự hợp lý, bảo đảm hoạt động xuyên suốt trên toàn địa bàn mới gồm 102 xã, phường (gồm các huyện thuộc cả hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk cũ).
“Các hoạt động tiếp tục hoạt động bình thường, thực hiện đầy đủ chức năng nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi cho người vay vốn không bị ảnh hưởng”, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.
Sau sáp nhập, tổng dự nợ của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đạt gần 13,7 ngàn tỷ đồng, phục vụ hơn 255 ngàn hộ vay, trong đó trên 30% là đồng bào dân tộc thiểu số, chi nhánh đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch điều phối vốn, tái phân bổ chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu từng địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, dù trải qua thời gian chuyển giao, Chi nhánh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng (gần 7%), với doanh số cho vay đạt trên 3 ngàn tỷ đồng cho các chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm…
Đặc biệt, thông qua mạng lưới gần 6.300 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, hoạt động tín dụng chính sách được đưa về tận thôn, buôn… Trong đó, nhiều mô hình vay vốn ở các huyện miền núi (cũ) như Ea Súp (Đắk Lắk) hay huyện Đông Hoà (Phú Yên) đã cho thấy hiệu quả thực tiễn rõ rệt khi giúp bà con phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ phục vụ sinh hoạt.
Nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk xác định tiếp tục củng cố mạng lưới hoạt động tại cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ. Công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ được nâng lên tầm sâu sắc hơn, phát huy vai trò chỉ đạo của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, giám sát và hỗ trợ vốn tín dụng chính sách với phương châm “chuyên nghiệp hơn, linh hoạt hơn và gần dân hơn”.
PV