HĐ (ký hiệu hai con tàu HĐ 1-4 và HĐ 2-3) là đoàn tàu mang tên gọi “Kết nối di sản Miền trung” được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác và sử dụng từ đầu năm 2024. Đây là điểm nhấn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, là thế mạnh của Huế. Và khuếch trương nền kinh tế và du lịch ở thành phố biển Đà Nẵng.
Con tàu mang tên “Kết nối di sản Miền trung” trưa ngày 16/4.
Sự phát triển kinh tế hạ tầng của đất nước luôn gắn liền với mật độ giao thông trong đó có giao thông vận chuyển hành khách. Trong bối cảnh hàng không, hay đường bộ, đường thuỷ đều phát triển mạnh mẽ, thì giao thông đường sắt cũng dần dần được đổi mới cả về tư duy lẫn phương pháp phục vụ để có thể thu hút du khách, mang đến nhiều trải nghiệm cho khách hàng. Thực tế cho thấy, ngành giao thông vận tải đường sắt mặc dù đã trải qua hơn 140 năm hình thành nhưng sự phát triển vẫn chưa xứng tầm với lịch sử, chưa sánh vai kịp với các ngành khác trong công cuộc đổi mới nền kinh tế của đất nước hiện nay, vẫn còn nhiều những hạn chế không đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân.
Những hoạt động trải nghiệm văn hoá âm nhạc và ẩm thực được diễn ra ngay trên tàu.
Trưa ngày 16/4, trong vai trò khách hàng, Tổ công tác Văn hiến Việt Nam có mặt trên chuyến tàu HĐ 3, trải nghiệm chuyến hoả trình từ Huế vào Đà Nẵng đúng với tên gọi “Kết nối di sản”. Đây là tuyến vận tải đường sắt được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2024, chỉ sau hơn một năm triển khai, đã khơi gợi nhiều điểm tích cực và đổi mới trong phương thức hoạt động. Vận tải hành khách đường sắt kết hợp với du lịch văn hoá chính là sự mới mẻ thu hút nhiều du khách tham gia. Tàu HD gồm 8 toa, không vận chuyển hàng hoá hay phục vụ buồng nằm riêng biệt, mà hầu hết đều là ghế mềm được bọc da hiện đại, giúp cho du khách được thoải mái ngắm cảnh ngoạn mục của Phá tam giang, Đèo Hải Vân, vịnh Lăng Cô và bãi tắm Tiên sa.
Rất đông du khách tập trung về toa này để thưởng thức và hài lòng trước cách phục vụ của tàu.
Đoàn tàu lăn bánh, cũng là lúc trưởng tàu Phan Tất Khánh triển khai công tác phục vụ cho đoàn tiếp viên, anh cho phát loa thông báo từng danh lam thắng cảnh, từng điểm tàu dừng cho du khách thưởng ngoạn bờ cát trắng với làn nước trong xanh, bốn bề núi non điệp trùng. Ở những chỗ này, hành khách sẽ được ngắm nhìn một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp do tạo hóa ban tặng, trải nghiệm không khí mát lành, dễ chịu đặc trưng của vùng biển miền trung. Tàu HĐ dành hẳn một toa để phục vụ du khách về ẩm thực và văn hoá, cách bài trí toa tàu cũng theo lối cổ điển của cung đình Huế ngày xưa. Để làm hài lòng du khách, một nhóm các nghệ sỹ kết hợp với âm nhạc đã biểu diễn ca Huế với những bản “Phủ Lục”, “Nam Bình”, “Cổ Bản”… với chất giọng nhẹ nhàng thướt tha, những nghệ sỹ khiến du khách đắm mình trong “Nhã nhạc Cung đình”, đôi lúc tự thấy mình như được sống lại ký ức văn hoá nghệ thuật của Huế xưa.
Hành khách trong nước và người nước ngoài để lại lưu bút đánh giá chất lượng con tàu, mọi người rất thích thú bởi văn hoá di sản kết hợp với du lịch ngắm cảnh, cách làm du lịch này đang từng bước được khẳng định bởi khách hàng.
Một điểm mới mẻ trong hoả trình Huế – Đà Nẵng đó là ẩm thực, trên tàu bày bán rất nhiều món ăn dân dã và bánh trái của xứ Huế, như nem, bánh ít, chả lụa, bánh bao nhân bột chuối… kèm với đó là những đặc sản và nhiều thức uống tiêu biểu của hai thành phố lớn này. Ở đây, du khách thoải mái lựa chọn đồ ăn thức uống giân gian đồng thời thưởng lãm các tiết mục văn nghệ, sự hài lòng không chỉ thể hiện trên gương mặt của mỗi du khách, mà hầu hết mọi người đều viết lưu bút và để lại cảm nhận được dán đầy bên trong toa xe.
Trên tàu, ngoài ẩm thực và văn hoá ca nhạc, phóng viên được giới thiệu về “Cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam”, tổng độ dài quãng đường là 110km, với khoảng 3 tiếng di chuyển bao gồm cả dừng nghỉ để du khách có thể check-in.
Hai vợ chồng anh Trần Quốc Thành, quê ở Lâm Đồng, đi Đà Nẵng hưởng tuần trăng mật cùng người vợ trên chuyến tàu HĐ3, hai vợ chồng rất vui và cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm chuyến tàu “Kết nối di sản Miền trung”.
Xế chiều, trước lúc ven theo vùng núi Hải Vân, thấy Tổ công tác Văn hiến Việt Nam hăng say chụp ảnh, ghi lại cảm nhận của hành khách, nữ tiếp viên Dương Minh Tú trực tiếp hỏi chuyện và đưa ra đề nghị sẽ hỗ trợ nếu Tổ công tác cần giúp đỡ. Hỏi ra mới biết, chị Tú là an toàn vệ sinh viên, chuyên xử lý, sơ cứu hành khách gặp nạn hoặc ốm đau trên tàu. Ở tàu HĐ3, chị Tú cùng với chị Nguyễn Thị Thuý Hằng, là hai tiếp viên quê Hà Tĩnh và Quảng Bình đang làm việc ở ga Đồng Hới nhưng được cử đi “biệt phái”. Sáng xuất phát từ Đà Nẵng, chiều đi vào từ Huế. Buổi tối, hai chị cùng với các trưởng phó tàu, các anh chị em kỹ thuật, tiếp viên khác được cơ quan bố trí nghỉ lại Đà Nẵng, chuẩn bị cho hành trình ngày hôm sau. Mỗi khi lên ban (thuật ngữ chỉ việc đến trụ sở bàn giao công việc và nghỉ phép) các anh chị mới có thời gian về lại quê nhà.
Chị Phạm Thị Phương Thanh thưởng thức một số sản phẩm đặc sản trên tàu, cảm thấy rất ngon nên mua ít về làm quà.
Trưởng tàu tên Khánh sinh năm 1969, quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, anh từng có kinh nghiệm hơn 35 năm hoạt động trong ngành đường sắt, gần 20 năm giữ chức danh trưởng tàu. Nói về cơ duyên đến với đoàn tàu du lịch HĐ, anh chia sẻ: “Bản thân tôi trước đây làm ở Ga Vinh, bôn ba trên tàu nhiều năm nên sức khoẻ cũng dần xuống cấp. Năm 2022 tôi có dấu hiệu bị tai biến, suốt một ngày bị tê bì vùng mặt, đầu mất dần cảm giác. Rất may con dâu tôi lúc đó đang công tác tại bệnh viện nên dẫn tôi đi khám kịp thời. Qua chụp chiếu có phát hiện một vùng tụ máu trên não, phải điều trị và dùng thuốc hàng tháng, đợt đó tôi định xin nghỉ hưu luôn. Sau này công ty có chủ trương phát triển du lịch đường sắt, tàu HĐ được thành lập, lãnh đạo phê duyệt cho tôi làm trưởng tàu thêm 3 năm, bây giờ thì sức khoẻ đã ổn định, cùng với sự nhiệt huyết và lòng yêu thích nghề nghiệp, tôi có thể làm việc cho đến lúc nghỉ hưu theo chế độ”.
Trưởng tàu Phan Tất Khánh và phụ trách đội tàu Vũ Anh Tuấn (bên trái) trực tiếp giám sát chất lượng phục vụ của tổ tiếp viên, đồng thời ghi nhận những đóng góp từ khách hàng.
Sự chu đáo thể hiện ngay trong công tác nội trợ trên tàu, trưởng tàu Khánh cũng với anh chị em đoàn tiếp viên gửi tặng Tổ công tác đĩa bánh rán tự làm còn nóng hổi, những chiếc bánh bao nhân bột chuối mà theo anh nói: “Các em có lẽ chưa được thưởng thức bao giờ, vì đây là hương vị đặc trưng và nguyên liệu cũng khác biệt, rất hiếm khi bày bán ngoài thị trường“. Vừa thưởng trà ăn bánh, vừa ngắm phong cảnh núi non trùng điệp xen lẫn tiếng sóng vỗ rì rào của “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, quả thật là một trong những điều đáng ghi nhớ. Ngoài ra, trên tàu HĐ3 còn đưa vào phục vụ khách hàng dịch vụ ngâm chân bằng lá thuốc, để khách hàng giảm bớt sự mệt mỏi khi đi du lịch Huế và Đà Nẵng, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu. Như để chứng minh việc ngâm chân có hiệu quả, giá thành lại rẻ vì mỗi lần sử dụng chỉ tốn vài chục ngàn. Đoàn tiếp viên đã mời tổ công tác Văn hiến Việt Nam sử dụng dịch vụ, cảm giác ấm nóng thư thái trong hơn 20 phút ngâm chân là hoàn toàn có thật.
Tiếp viên Dương Minh Tú, là an toàn vệ sinh viên, chuyên xử lý, sơ cứu hành khách gặp nạn hoặc ốm đau trên tàu.
Văn hóa ứng xử và chất lượng dịch vụ được đẩy lên làm tiêu chí hàng đầu, nên lượng khách đến với những chuyến tàu “Kết nối Di sản Miền trung” ngày mỗi đông, doanh thu cũng là một điều khiến BQL đội tàu phấn khởi. Qua trao đổi, ông Vũ Anh Tuấn, phụ trách đội tàu HĐ cho biết: “Tuy chỉ đưa vào hoạt động 2 đoàn tàu, mỗi tàu chỉ 7 – 8 toa nhưng bước đầu đã có nhiều thuận lợi. Qua ghi nhận thực tiễn, hành khách ưa thích du lịch về di sản văn hoá cũng rất đông, đáng chú ý là lượng khách nước ngoài, chiếm tỉ lệ khoảng 60% hành khách khi tham gia trải nghiệm. Người nước ngoài họ đánh giá rất cao chuyến tàu vì họ thích văn hoá nước mình, phong cách khác lạ khiến họ mê mẩn. Theo số liệu tổng hợp, doanh thu của đội tàu trong một quý thu về khoảng 10 -15 tỉ đồng tuỳ vào thời điểm du lịch. Đây là những dấu hiệu tích cực”.
Nhân viên tổ tiếp viên tàu HĐ luôn hỗ trợ du khách khi lên xuống tàu, đặc biệt là người già, phụ nữ trẻ em và người khuyết tật.
Một khi đã làm hài lòng du khách, thì việc có doanh thu sẽ là điều tất yếu, điều này không chỉ tính riêng của đoàn tàu HĐ mà phải nhân rộng ra toàn bộ ngành đường sắt. Anh Trần Quốc Thành, quê ở Lâm Đồng, đi Đà Nẵng hưởng tuần trăng mật cùng người vợ. Chọn cho mình chuyến tàu HĐ3 để trải nghiệm, anh cho biết: “Hai vợ chồng lên tàu du lịch mang tên “Kết nối di sản miền Trung” từ ga Đà Nẵng đi Huế, giờ trên đường về lại Đà Nẵng. Chuyến tàu rất sạch sẽ, thơm mát, có nhiều dịch vụ cho hành khách trải nghiệm như ăn uống, nghe nhạc, ngâm chân thảo dược…., đặc biệt khi đi qua cung đường đèo Hải Vân, tàu đi chậm để hành khách được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đất nước ta”. Một du khách khác là chị Phạm Thị Phương Thanh, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, hôm nay chị ra Đà Nẵng đi du lịch cùng chị gái. Tình cờ biết chuyến tàu này trên mạng xã hội, nên 2 chị em quyết định mua vé đi thử. Sau khi thưởng thức những món ăn đặc sản vùng miền, chị hồ hởi nói: “Nhân viên trên tàu vui vẻ, nhiệt tình, chu đáo, mang lại cho em cảm giác gần gũi và thân thiện. Tàu được vệ sinh sạch sẽ nên em cảm thấy rất hài lòng. Đặc biệt, trên tàu có toa du lịch cộng đồng, phục vụ nhu cầu của hành khách như nghe nhạc, ăn nhẹ, chị em chúng em có thể đăng ký lên hát những bài hát yêu thích của mình…. Trong chuyến đi này, em có thưởng thức một số sản phẩm đặc sản trên tàu, cảm thấy rất ngon nên chủ động mua thêm một ít về làm quà cho bạn bè và người thân”.
Chuyến hoả trình trải nghiệm tàu “Kết nối Di sản Miền trung” kết thúc tại ga Đà Nẵng vào 18h cùng ngày. Tổ tàu sau khi chào tạm biệt du khách thì lại “cởi áo” thay đồ công vụ và phân công nhau đi chợ, chuẩn bị nấu nướng. Bữa tối, cả tổ tàu hơn 10 người cùng ăn cơm tại nhà công vụ mà cơ quan bố trí, cùng bàn về những thuận lợi lẫn khó khăn trong quá trình phục vụ du khách trong ngày. Nói về chuyện riêng cá nhân, trưởng tàu Phan Tất Khánh chia sẻ: “Bây giờ cán bộ công nhân viên được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn trước, lương thưởng cũng được tăng lên nhiều. Tôi đã gắn bó với ngành đường sắt gần nửa cuộc đời, chứng kiến ngành trải qua nhiều cung trầm do xã hội và các dịch vụ vận tải khác phát triển. Nên bây giờ, việc đổi mới tư duy và cách đưa thế mạnh du lịch lên tàu cũng là một điều rất sáng tạo, vừa tăng thêm thu nhập cho ngành mà tinh thần anh chị em cán bộ nhân viên cũng phấn khởi hơn. Đối với tôi mà nói, quãng đường hơn 200km cho cả hai chiều di chuyển là tương đối gần, chỉ là đường về nhà hơi xa nên mỗi khi tàu về bến, bàn giao công việc, tôi lưu trú tại Đà Nẵng cùng anh em đồng nghiệp. Khi nào “lên ban” lại đón xe hoặc tàu khác về thăm nhà”.
Khoang tàu và khu vực rửa mặt vệ sinh luôn được lau dọn sạch sẽ để xứng danh là con tàu du lịch, trong ảnh là tiếp viên Nguyễn Thị Thúy Hằng đang thực hiện công việc hằng ngày của mình.
Bên cạnh những tồn tại như chậm phát triển trong nhiều năm qua, hoạt động hầu như thua lỗ thì vài năm trở lại đây, ngành đường sắt Việt Nam đang có nhiều triển vọng bởi sự đổi mới tư duy và cách làm. Phải thẳng thắn nhìn nhận, từ lâu, đường sắt Việt Nam luôn “ngủ quên trong thế mạnh sẵn có”. Thế nhưng, giao thông vận tải đường sắt vẫn đang có nhiều thuận lợi cần phải phát huy tối đa giá trị sử dụng. Những ưu điểm đáng ghi nhận như giá cước vận tải vẫn thấp hơn các loại hình khác, thời gian ít biến động hơn và tính chất chuyên dụng của ngành đường sắt vẫn nổi trội hơn. Không những vậy, hình thức vận chuyển bằng tàu hỏa đáp ứng được nhiều loại mặt hàng, khối lượng và kích cỡ mà không cần kết hợp với phương tiện khác. Mặt khác, việc đưa văn hóa và du lịch trải nghiệm gắn liền với dịch vụ du lịch, đặc biệt là văn hoá di sản lên toa tàu cũng là một điều mới mẻ và tích cực, rất đáng được ghi nhận (mô hình này có lẽ tới đây sẽ có địa phương có đường sắt đi qua học tập và áp dụng). Chú trọng văn hóa trong hoạt động doanh nghiệp cũng chứng minh cho quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: “Văn hóa là động lực để phát triển kinh tế”. Đúng như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vào tháng 11/2021 rằng: “Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.
Trần Hoàng – Ngô Tâm – Minh Điệp (Tổ phóng viên VHVN)