Phải nói là hi hữu khi một tập thơ đem đến cho tôi sự xúc động mạnh mẽ đến như vậy. “Người hát” của chị Hạnh là một sản phẩm như thế.
Trong buổi ra mắt tập thơ của chị, tôi đến sớm, mua 1 cuốn thơ và mở ra đọc. Một cách ngẫu nhiên, tôi mở đúng bài thơ “Đừng chạm vào em”. Tôi đọc trong không khí khách mời đến nói cười rộn ràng, huyên náo trước buổi ra mắt. Và tôi rùng mình. Khoé mắt chợt cay.

Mang cuốn thơ về nhà. Tôi đọc đi đọc lại n lần bài “Đừng chạm vào em”, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu ánh mắt chạm vào câu chữ. Đọc sang những bài còn lại để cảm nhận trọn vẹn hồn vía chị Hạnh gửi gắm trong những câu chữ ít vần điệu mà nhiều tầng ý nghĩa và cảm xúc. Rất nhiều thông điệp chị gửi gắm trong tầng tầng câu chữ.
Nghén quê hương là một cách tư duy lạ, độc đáo, hiếm và đầy táo bạo. Ở đây “quê hương” hiện diện vừa như em bé trong bụng mẹ, vừa như đối tượng người đàn bà thèm khát khi mang thai. Người ta “nghén của chua” nghĩa là thèm vật vã đồ chua khi mang thai. Mai Hạnh “nghén quê hương”. Quê hương là nỗi khát thèm của chị. Thèm một thứ “không hình, không tên, không mùi”. Thèm một cách vật vã như người đàn bà ốm nghén thèm một thứ đồ ăn gì đó để ăn cho thoả thích “bớt cơn vật”. Quê hương cũng tồn tại với lớp nghĩa thứ 2 như em bé trong bụng mẹ. Và Mai Hạnh “đẻ ra” “đứa con quê hương”.

Thật quá táo bạo và có phần điên rồ. Theo cách thông thường, người ta coi quê hương là cha, là mẹ, và con người chỉ là “con” của “cha, mẹ” quê hương.
Nhưng không, Mai Hạnh “đẻ” ra quê hương và quê hương là máu thịt của Mai Hạnh. Chị ôm ấp quê hương như người mẹ ôm ấp đứa con mình mang nặng đẻ đau và dứt ruột đẻ ra.
Trong căn cước của chị có một phần không nhỏ của một QUÁ KHỨ nghèo mà bình dị, mộc mạc bên mảnh vườn và căn nhà của ông bà “thoảng về mùi nước giải bà ủ nồng nàn”, có đôi bàn chân bé xíu “đi lúa” hôm nay vẫn còn bỏng rát, bữa cơm rau thanh đạm cùng mẹ cha và biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
Trong căn cước của chị còn có một HIỆN TẠI của một vùng quê Việt đang bị méo mó biến dạng vì trào lưu đô thị hoá và hiện đại hoá. Những lố lăng, phù phiếm hiện hữu tại nơi làng quê yên bình ngày xưa làm chị xót xa, khắc khoải, đớn đau. Hồn quê biến mất, “tanh tanh giọng người lạ” trên mảnh đất tổ tiên xưa.
Và khi được bị nhận quốc tịch Úc, người đàn bà Mai Hạnh đã điên khùng quẫy đạp trong nỗi đau “tỉnh dậy thành người nước ngoài”. Chị quẫy đạp điên cuồng trong nỗi đau của mình khi sắp phải “nói lời thề trung thành với lá cờ nước họ”, lời thề “sẵn sàng chết để bảo vệ ngọn cỏ con sâu đất đai của họ”. Và trong nỗi đớn đau không dễ gì chia sẻ và thấu hiểu, đến ngay cả người chồng đầu gối tay ấp “anh nơi xa lắm, anh thương em nhiều, nhưng chẳng biết gì, chẳng hiểu gì đâu”. Mai Hạnh van xin chồng: “xin đừng nói gì, xin đừng chạm vào em”. Chỉ cần 1 cái “chạm nhẹ”, một lời nói lúc này sẽ biến thành cơn cuồng phong cuốn đi tất cả.
Nỗi đau “tỉnh dậy thành người nước ngoài” đã khiến “hồn” và “xác” của Mai Hạnh vốn ông chẳng bà chuộc lần đầu tiên xích lại gần nhau và “thân xác tâm hồn kết thành khối nước mắt” để tạm thời rửa trôi những muộn phiền, đau đớn khi bị “biến thành người ngoại quốc“.
Và khi người đàn bà Việt Bùi Mai Hạnh trở thành công dân Úc, trong căn cước của chị hiện diện một TƯƠNG LAI “đòi tái sinh”. Không thể là “một người Việt vô bản sắc trong trái tim người bản xứ”. Dù “mảnh đất này quá êm đềm cho người Việt sinh tử”, và trong cái êm đềm ấy, người ta có thể dễ dàng quên đi căn cước và nguồn cội của mình. Bùi Mai Hạnh “thèm được ngẩng cao đầu tự hào là con dân Việt”. Và tất cả những gì chị đang làm, cuộc sống của chị tại Úc, sự hiện diện của chị trong trái tim người bản xứ, tôi tin rằng đã và đang định hình một người Việt giàu bản sắc trong trái tim người bản xứ.
Và không chỉ Mai Hạnh, người “đẻ ra” quê hương, ôm ấp quê hương trong lòng như mẹ ôm con mà còn rất nhiều người đàn bà Việt xa xứ cũng ôm ấp quê hương như thế. Họ lao động vất vả ở xứ người, chắt chiu từng xu để trả tiền thuê nhà hàng tháng, nhưng rạng ngời hạnh phúc khi kể về mấy mảnh đất đầu tư nơi quê nhà để “chết về Việt Nam có đất chôn”. Đến phút cuối họ lại thèm được tan hoà vào đất mẹ Việt Nam. Họ và quê hương tan hoà làm một từ khởi thuỷ đến tận cùng đời sống. Họ “đẻ ra” quê hương và đến phút cuối lại khát khao được quê hương ôm ấp, tan vào đất mẹ.

Tôi tin một người đàn bà như Mai Hạnh, người mà mẹ chồng chị đã chia sẻ: “Nhờ con, mẹ không còn thành kiến với người châu Á nữa” sẽ “tái sinh” rạng rỡ trên nước Úc để trở thành một người Việt giàu bản sắc trong trái tim người bản xứ.
Yêu cái căn cước Việt trong chị. Cả cái quá khứ, hiện tại và một tương lai đòi tái sinh trong một hình hài mới.
Qua “Người hát” hiểu và trân trọng hơn tấm lòng và trái tim của những người đàn bà Việt xa xứ.
PGS.TS Trần Thị Thu Hoài