Mấy ý kiến về chọn mặt nạ tuồng (hát bội) tiêu biểu phục vụ quảng bá phát triển du lịch Bình Định

11:56 | 17/01/2025

Bình Định là vùng “đất địa linh nhân kiệt” với cảnh quan thiên nhiên phong phú, có bề dày lịch sử văn hóa – Linh khí núi sông của vùng đất đã sinh ra Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải Tây Sơn bách chiến bách thắng quân xâm lược trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại. Cùng với những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn, nơi đây có nhiều di tích, văn hóa kiến trúc có giá trị. Tỉnh Bình Định đã có ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đó là: Nghệ thuật Tuồng (Hát Bội); Nghệ thuật Bài chòi; Võ cổ truyền. Các di sản nêu trên đang nhận được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế làm cho tiềm năng du lịch của Bình Định ngày càng phát triển.

Nghệ thuật Tuồng (Hát Bội) là một loại hình sân khấu truyền thống độc đáo của Việt Nam. Được hình thành và phát triển từ tinh hoa của ca, vũ, nhạc dân gian. Tiếp thu ngôn ngữ, múa hát cung đình, cộng với những đóng góp của bao thế hệ nghệ nhân đã sáng tạo ra một hệ thống làn điệu, vũ đạo, phục trang, trang trí, hóa trang, âm nhạc vô cùng phong phú. Nghệ thuật Tuồng (Hát Bội) còn để lại hàng nghìn kịch bản có giá trị văn học, với những hình tượng nhân vật điển hình được nhân dân cả ba miền Bắc – Trung – Nam yêu thích. Trong dân gian có câu:

                    “Tháng ba ngày tám nằm suông

                    Nghe dục trống tuồng cố lết đi xem”

Tuồng (Hát Bội) là một loại hình sân khấu mang đậm bản sắc dân tộc. Nội dung của Tuồng (Hát Bội) đề cao các giá trị Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa. Về nghệ thuật, cốt truyện được xây dựng qua yếu tố tự sự – kịch tính – trữ tình, kết hợp múa, hát, diễn xuất trên nền nhạc lễ, cùng với các thủ pháp ước lệ, cách điệu và tượng trưng để thể hiện.

Quá trình hình thành, phát triển, nghệ thuật Tuồng (Hát Bội) đã góp phần làm giàu cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.  

Hóa trang trong nghệ thuật Tuồng truyền thống

Hóa trang trong nghệ thuật Tuồng (Hát Bội) truyền thống được thực hiện theo lối vẽ ước lệ, tạo ra những mặt nạ mang tính biểu tượng cho từng loại nhân vật. Mỗi loại nhân vật đều có mẫu hình riêng, thể hiện nét khái quát, phản ánh tính cách đa dạng làm nên bản sắc của loại hình nghệ thuật Tuồng (Hát Bội) truyền thống.

Các loại vai trong tuồng bao gồm:

  • Vua: Phân thành vua già, vua trẻ.
  • Đào: Có nhiều loại như đào văn, đào võ, đào thương, đào lẳng, đào lệch, và đào điên.
  • Kép: Chia thành kép văn, kép võ, kép rừng (kép xanh), kép đen (sông nước), kép câu, kép độc, và kép con.
  • Lão: Bao gồm lão văn, lão võ, lão tiều, và lão nông.
  • Mụ: Có mụ hiền và mụ ác.
  • Tướng: Phân thành tướng đống (tướng lớn), tướng lếch, tướng lác, và tướng táu (tướng nhỏ).
  • Nịnh: Chia thành nịnh lớn và nịnh nhỏ.
  • Hài: Như hài công tử bột, hài đi sứ, và hài lính canh.
  • Yêu tinh và một số loại nhân vật khác như nhà sư và nông dân các dân tộc.

Để thể hiện những nhân vật này, hóa trang được quy định rõ ràng về màu sắc và đường nét vẽ. Mỗi nhân vật đều mang một phong cách riêng biệt, giúp khán giả dễ dàng nhận biết và cảm nhận được tính cách của họ.

Màu sắc chủ đạo

Màu sắc trong hóa trang nghệ thuật tuồng chủ yếu dựa vào ba màu chủ đạo: trắng, đen và đỏ.

Màu trắng được sử dụng làm nền cho khuôn mặt nhân vật, tạo độ sáng và thu hút sự chú ý.

Màu đen được dùng để vẽ các đường nét, giúp định hình rõ ràng và tạo chiều sâu cho biểu cảm.

Màu đỏ có vai trò phân biệt tính cách và tuổi tác của nhân vật, thường được sử dụng cho những vai diễn thể hiện tính cách mạnh mẽ.

Màu tổng hợp là màu sắc được pha trộn từ nhiều màu khác nhau, tạo nền cho các nhân vật và giúp phân biệt các vùng miền, phản ánh sự đa dạng văn hóa trong nghệ thuật tuồng.

Đường nét vẽ

Đường nét hóa trang trong nghệ thuật tuồng thường tập trung vào một số loại nhân vật như tướng đống; lão tướng; tướng táu; kép võ; kép con; yêu quái và đào võ. Những loại nhân vật khác như kép văn; văn pha võ; đào lẳng; đào thương; lão văn; quân lính; nữ múa; nữ binh và dân làng được hóa trang theo phương thức cách điệu, với những nét vẽ, lông mày và đôi mắt được thể hiện một cách tinh tế.

Đường nét hóa trang nhân vật tướng đống, lão tướng

Đường nét vẽ trên khuôn mặt của các nhân vật tướng đống; lão tướng được gọi là “tròng lõa”.

“Tròng lõa” cho loại tướng đống: như Ôn Đình trong vở “Sơn Hậu”. “Tròng lõa” lấy nền trắng vẽ cân đối quanh hai mắt của nhân vật, tạo thành một mảng rộng, ôm từ giữa trán, qua mắt xuống tới nửa má. Mảng rộng màu trắng này sẽ được dùng que tre (nan vẽ) để vẽ những nét vờn của con hổ, gọi là “hổ mi”. Trong quá trình biểu diễn, diễn viên sẽ thực hiện các động tác như nháy mắt, nháy râu, nháy mũi, đảo mắt và rung má để những nét vờn này lay động, tạo nên sức mạnh của nhân vật hổ tướng. Màu nền bao quanh “tròng lõa” của tướng đống là màu đen sẫm, và râu của tướng đống thường là râu sàm, ngắn, màu đen.

 Tròng lõa” cho loại lão tướng: như Phàn Định Công trong “Sơn Hậu”. Các đường nét vẽ cũng tương tự như nhân vật tướng đống, nhưng nét vờn đen trên mặt dày hơn và độ đậm của màu sắc nhẹ hơn so với tướng đống. Những nhân vật lão tướng thường đeo râu bạc ngắn (râu trắng). Nền mặt bao quanh “tròng lõa” của lão tướng thường là màu đỏ sẫm, nhằm nổi bật màu trắng của “tròng lõa” và các nét vờn trong hóa trang.

Đường nét hóa trang của tướng táu, tướng lếch, tướng lác: Được xây dựng dựa vào mô hình “tròng lõa” nhưng thu nhỏ, gọi là “tròng xéo”.

Tròng xéo: là những nét kẻ mặt của các vai tướng nhỏ, kép núi hoặc những nhân vật có tính cách ngỗ ngược. Hóa trang “tròng xéo” được vẽ màu trắng ở phần dưới mắt, có kích thước nhỏ hơn “tròng lõa”. Một số nhân vật “tròng xéo” có thể được vẽ tràn qua mũi, thể hiện tính cách hài hước của nhân vật.

Đường nét hóa trang nhân vật kép võ

Tròng mỏ: Dành cho loại nhân vật kép võ, như Linh Tá trong vở “Sơn Hậu” và Tòng Luông trong vở “Lý Phụng Đình”. “Tròng mỏ” được vẽ giống mỏ con chim đại bàng, hoặc chim én, với phần mỏ hướng về sống mũi gần mắt. Phần thân chim ôm trọn mắt, và phần đuôi chim thì chéo vát lên hướng thái dương. Những nét vẽ trong “tròng mỏ” được thực hiện bằng màu đen, tạo đường nét sắc sảo, nhỏ gọn, không vờn to như “tròng lõa” của các vai tướng. Nền mặt của nhân vật kép võ bao quanh “tròng mỏ” thường có màu đậm, như màu xanh dành cho kép biển (người sống ở sông nước) và màu nâu dành cho kép rừng (người sống ở rừng).

Đường nét hóa trang nhân vật kép con

Nhân vật kép con thường hóa trang với hình tròn được gọi là “tròng trứng” để miêu tả tính cách nhân vật, như Phàn Diệm trong vở “Sơn Hậu” và Giang Chấn Tử trong vở “Triệu Đình Long”.

Tròng trứng: Tròng trứng được vẽ giống một quả trứng màu trắng bao quanh mắt, hình dáng của quả trứng được đặt chéo lên thái dương. Đường nét vẽ trên quả trứng thường mảnh mai, lấy cảm hứng từ nét vờn của con mèo. Màu nền xung quanh quả trứng thường là màu hồng, thể hiện sự trẻ trung của nhân vật.

Đường nét hóa trang cho nhân vật yêu quái

Trong tuồng có nhiều nhân vật yêu quái xuất hiện trong các kịch bản thuộc loại tuồng truyện. Nhân vật yêu quái hóa trang lấy những nét điển hình của con vật mà nhân vật đó cầm tinh. Ví dụ, nhân vật Dư Hồng trong vở “Tam Hạ Nam Đường” cầm tinh con gà nên được vẽ trên mặt hình con gà. Tương tự, nhân vật yêu quái trong vở “Lý Phụng Đình” cầm tinh con cá ở dưới nước thì có hình đầu cá trên mặt.

Đường nét hóa trang các nhân vật nịnh thần

Nhân vật nịnh thần thường là những quan chức cấp cao trong triều đình, như Tể tướng, Thừa tướng. Những nhân vật này thường được hóa trang theo lối bôi nhọ. Khuôn mặt được trát toàn bộ màu trắng, với đôi mắt vẽ ti hí và đuôi mắt cụp, lông mày được vẽ dày giống như con sâu róm hoặc hình con cá rô. Hai má thường được bôi một vòng tròn màu đỏ, nhưng có thêm những đường kẻ màu đen gạch chéo. Các nhân vật này thường đeo râu xàm ngắn và đội mũ bình thiên đen, tạo nên vẻ bần tiện.

Đường nét hóa trang nhân vật đào võ

Đào võ là những nhân vật cá tính, thường có khuôn mặt hóa trang màu đỏ, đậm hơn so với các nhân vật đào thương hay đào chín. Đôi mắt xếch và lông mày to hất ngược. Nhân vật Đào Tam Xuân trong vở “Đào Tam Xuân” có khuôn mặt hóa trang chia đôi ở giữa sống mũi, một bên mặt được vẽ màu xanh. Cá biệt có nhân vật Chung Vô Diệm có khuôn mặt rằn, xấu xí nhưng lại là người tài giỏi, đã nhiều lần cứu vua thoát nạn.

Hóa trang của nhân vật kép văn pha võ; kép văn; đào thương; lão bà

Những loại vai này thường hóa trang mặt thật. Đối với kép văn pha võ như nhân vật Kim Lân trong vở “Sơn Hậu”, màu nền thường là màu đổ sẫm. Các vai lão bà được hóa trang với màu nền đậm, lông mày bạc, và nếp nhăn trên mặt được vẽ bằng nét đậm, môi tô màu đỏ.

Hóa trang có tính đa dạng của nghệ thuật Tuồng

Sự phát triển của tiểu thuyết chương hồi đã dẫn đến việc nhiều soạn giả chuyển sang viết kịch bản tuồng. Trong quá trình dàn dựng, các thầy tuồng thường dựa vào tích truyện để chỉ đạo hóa trang cho các nhân vật như “tướng”, “kép võ”,… Vì vậy, việc hóa trang trong tuồng truyện trở nên đa dạng và phong phú.

Khán giả đến xem tuồng nếu không nắm rõ tích truyện sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu rõ lý lịch và nguyên nhân hóa trang của từng nhân vật. Ví dụ, nhân vật Triệu Khuông Dẫn trong vở “Đào Tam Xuân” được hóa trang với lông mày màu trắng và mặt bôi hồng, thể hiện cá tính của nhân vật. Ngược lại, vua Trụ trong vở “Trầm hương các” lại có mặt đỏ bầm, lông mày được vẽ giống như hình cá rô xước ngược, phản ánh tính cách của nhân vật.

Nghệ thuật Tuồng đã phát triển rộng khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam, từ cung đình đến dân dã, với những cấu trúc âm nhạc và hóa trang khác nhau. Mặc dù vậy, vẫn giữ nét cơ bản “đại đồng tiểu dị”. Đến thời kỳ tuồng đồ xuất hiện, hóa trang của loại tuồng này chủ yếu vẽ theo mặt thật, với các điểm nhấn về cá tính, tuổi tác và vị thế trong xã hội. Hóa trang theo kiểu vẽ mặt nạ của tuồng thầy và tuồng truyện đã không còn tồn tại.

Hóa trang trong nghệ thuật Tuồng không chỉ là một hình thức trang điểm mà còn là phương tiện để truyền tải những tính cách, thân phận và đặc điểm của nhân vật. Qua các nét vẽ và màu sắc, người xem có thể hiểu rõ hơn về cốt truyện và ý nghĩa sâu xa của từng vai diễn. Mỗi hình thức hóa trang phản ánh không chỉ cá tính mà còn cả vị thế xã hội và số phận của nhân vật trong bối cảnh kịch. Tính đa dạng trong hóa trang cũng cho thấy sự phong phú của văn hóa và nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Cuối cùng, việc hóa trang là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn của Tuồng, giúp kết nối khán giả với thế giới nhân vật một cách sâu sắc và sinh động.

Mặt nạ trong Tuồng Bình Định

Ở Bình Định, nghệ thuật Tuồng truyền thống đã phát triển rực rỡ gắn liền với tên tuổi các nhà soạn tuồng xuất sắc như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Diêu. Bình Định có nhiều nghệ sĩ nhân dân; nghệ sĩ ưu tú; nghệ nhân nhân dân; nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực nghệ thuật Tuồng. Được phát triển ở vùng đất võ, Tuồng Bình Định được các thầy tuồng khai thác vũ đạo đã làm giàu cho nhiều trò diễn. Nơi đây có nhiều nhà soạn tuồng nổi tiếng, nên chất thơ “trữ tình” được phát triển rực rỡ. Vì vậy, sự kết hợp giữa vũ đạo và làn điệu đã tạo nên phong cách riêng cho nghệ thuật Tuồng Bình Định.

Về hóa trang những nét vẽ trên các nhân vật lão tướng, tướng đống, kép võ…có liên quan tới “tròng lõa”, “tròng xéo”, “tròng mỏ”, “tròng trứng”… được các thầy tuồng (Hát Bội) ở Bình Định mở rộng để tạo điểm nhấn cho nét vẽ. Đôi mắt của các nhân vật lão tướng, kép võ… quanh mi mắt được tô thêm màu đỏ, để chân mày đen không làm nhòe đi con ngươi của nhân vật khi biểu diễn, mà nhiều vùng, miền khác không có.

Về lựa chọn mặt nạ tuồng trong hội thảo

Hội thảo đã chọn ba khuôn mặt điển hình trong vở tuồng Sơn Hậu đó là: Phàn Định Công đại diện cho lão tướng; Tạ Ôn Đình đại diện cho tướng đống, Khương Linh Tá đại diện cho kép võ. Sơn Hậu là một vở tuồng truyền thống nổi tiếng trong kho tàng nghệ thuật Tuồng Việt Nam. Nhưng nhìn vào ba mẫu mặt nạ được lựa chọn, người xem khó nhận biết về tuổi tác và tính cách. Vì họa sĩ chưa quan tâm tới chi tiết vẽ râu của các nhân vật. Trong tuồng Sơn Hậu nhân vật Phàn Định Công phải đeo râu trắng mới ra lão võ; Tạ Ôn Đình (nhân vật phản diện), đeo râu xàm, xoắn mới ra vai tướng đống; Khương Linh Tá đeo râu đen ba chòm mới ra vai kép võ. Vì không vẽ râu nên nhìn vào khuôn hình, ta thấy phần miệng của ba nhân vật đều giống nhau. Nên chăng họa sĩ nghiên cứu bổ sung vẽ thêm râu để cho ra tính cách, tuổi tác của các nhân vật. Dựa vào hóa trang của nghệ thuật Tuồng, có nhà thơ đã sáng tác:

“Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc

  Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”

Mặt nạ tuồng không chỉ có nét vẽ trên nền “tròng lõa”, “tròng xéo”, “tròng mỏ”, “tròng trứng” mà còn có loại “mặt thật”. Loại “mặt thật” này không có những nét vẽ ước lệ như những nhân vật nêu trên. Nhưng màu sắc, đường nét vẫn theo lối hóa trang cách điệu của nghệ thuật Tuồng. Nhân vật Kim Lân trong tuồng Sơn Hậu được vẽ mặt đỏ đậm. (người trong nghề gọi là “kép đỏ”). Đổng Kim Lân được các nhà soạn tuồng xây dựng là nhân vật trung tâm xuyên suốt của ba hồi (hồi 1; hồi 2; hồi 3) trong Sơn Hậu.

Nhà văn Kim Lân (giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vì yêu quý nhân vật này, nên ông đã lấy tên Kim Lân làm bút danh của mình. Đề án lựa chọn mặt nạ trong Hội thảo, có thể bổ sung thêm mặt nạ hóa trang của nhân vật Kim Lân cho phong phú, đa dạng.

Trên đây là mấy ý kiến về chọn mặt nạ Tuồng (Hát Bội) trong Hội thảo. Những vấn đề nêu ra không tránh khỏi thiếu sót. Mong các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các vị quan khách góp ý để cá nhân tiếp thu, chỉnh sửa bài viết cho hoàn chỉnh hơn.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Hà Nội 28/12/2024./.

                                               NSND Lê Tiến Thọ


Cùng chuyên mục

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

HÀ TĨNH: Sai phạm tại Di tích văn hóa Truông Bát – Trách nhiệm thuộc về ai?

HÀ TĨNH: Sai phạm tại Di tích văn hóa Truông Bát – Trách nhiệm thuộc về ai?

Hà Tĩnh: Tổ chức Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”

Hà Tĩnh: Tổ chức Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc