Vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng xảy ra 10/11/2014, vậy nhưng đến 18/10/2018, cơ quan CSĐT Công an huyện Hữu Lũng mới khởi tố vụ án. Trong khi quy định về thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể không quá hai tháng. Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hữu Lũng đã vi phạm Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
>> (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Bài 1: Công an xã hay ‘ông trời con’?
Anh Hoàng Văn Thư mòn mỏi chờ công lý?
Tính chất nghiêm trọng
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, vụ việc anh Thư bị đưa ra xét xử có tốc độ thực hiện các quy trình tố tụng rất nhanh, tất cả chỉ trong thời gian hơn 2 tháng, trái ngược hẳn với vụ việc mà anh Thư là nạn nhân, đến nay đã trong 4 năm nhưng vẫn “lình xình” mà chưa đi đến đâu.
Theo đơn tố cáo của anh Hoàng Văn Thư, chỉ do một mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt trong cuộc sống (giữa hai bên có vài lời nói chỉ trích nhau) mà Hoàng Văn Lựu, công an viên của xã Yên Bình đã ra tay tàn độc với anh, làm anh tổn hại 21% sức khỏe.
Vụ việc anh Thư bị đánh xảy ra vào tối ngày 10/11/2014. Vào khoảng 19h30 hôm đó, anh Thư cùng anh Hoàng Văn Chuyển đi xe máy ngang qua quán của Hoàng Văn Lâm thì bị Hoàng Văn Sân ra đứng chặn đường. Anh Thư chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì công an xã Hoàng Văn Lựu dùng gậy gỗ hình vuông, mỗi cạnh khoảng 5 – 6cm, dài chừng 60- 70cm phang thẳng vào mặt. Cú đánh hiểm ác khiến anh Thư gãy xương gò má phải, ngã gục ngay xuống đất. Mặc dù anh Thư đã ngã, nhưng Lựu, Lâm và Sân vẫn tiếp tục lao vào đấm đá túi bụi, phải khi anh Chuyển kêu to, ba tên hung thủ mới bỏ chạy.
Làm việc với cơ quan báo chí, Anh Hoàng Văn Chuyển (áo trắng) khẳng định khi được mời lên làm chứng bị điều tra viên tát mấy cái và đe dọa bỏ tù…
Sau khi vụ việc xảy ra, anh Thư đã có đơn tố cáo đến Công an huyện Hữu Lũng. Công an huyện đến lấy lời khai, đưa anh Thư đi giám định thương tật. Nhưng từ khi đi giám định về, Công an huyện Hữu Lũng không có bất kỳ thông báo nào tới anh Thư cũng như gia đình anh. Liên tục trong các năm 2015, 2016, 2017 anh Thư tiếp tục có đơn nhưng Công an huyện Hữu Lũng vẫn im lặng, không giải quyết và cũng không trả lời.
Năm 2018, anh Thư tiếp tục có đơn và ngày 24/9/2018, Công an huyện Hữu Lũng mới có văn bản trả lời về việc ngày 19/9/2018, Cơ quan điều tra đã ra quyết định phục hồi về việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tiếp đó, ngày 18/10/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hữu Lũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích đối với nội dung tố giác của anh Thư.
Cơ quan tố tụng ‘bao che” cho nghi phạm?
Tìm hiểu về lý do vụ việc anh Thư bị hành hung đã bị quên lãng trong thời gian dài, Thượng tá Lương Mạnh Linh, Phó trưởng Công an huyện Hữu Lũng cho biết, năm 2015, do thời hạn giải quyết tin báo đã hết nên vụ việc đã được tạm dừng. Khi ông Linh nhận công tác về huyện, sau khi nhận đơn của anh Thư, ông đã cho rà soát lại và thấy rằng có đủ căn cứ nên đã ra quyết định phục hồi giải quyết tin báo tội phạm…
Sau gần 4 năm cơ quan Công an huyện Hữu Lũng mới trả lời gia đình anh Thư khôi phục vụ án
Cụ thể hơn, theo Trung tá Lâm Tấn Hùng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Hữu Lũng, tháng 11/2014, sau khi nhận được đơn tố giác của anh Hoàng Văn Thư, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hữu Lũng đã ra quyết định phân công giải quyết tin tố giác tin báo về tội phạm, tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập tài liệu, ghi lời khai bị hại và những người liên quan, trưng cầu giám định thương tích nạn nhân.
Tuy nhiên, do không xác định được rõ thủ phạm, Công an huyện đã thống nhất với Viện KSND huyện Hữu Lũng tạm dừng giải quyết tin báo tội phạm, lưu hồ sơ, khi có tình tiết mới thì sẽ phục hồi giải quyết tin báo tội phạm.
Theo ông Lâm Tấn Hùng, việc tạm dừng giải quyết tin báo tội phạm được thống nhất trong cuộc họp ngày 20/8/2015, khi đó vẫn chưa có kết luận về thương tích của anh Thư.
Thế nhưng, chúng tôi đã phát hiện ra một vài sự bất thường trong hồ sơ vụ án. Đó là, theo ông Hùng thì việc tạm dừng giải quyết tin báo tội phạm được “quyết” vào ngày 20/8/2015 nhưng trong văn bản trả lời anh Thư thì Công an huyện đã quyết định việc này trước khi thống nhất với Viện kiểm sát (ngày 20/1/2015). Hơn nữa, trong hồ sơ cũng thể hiện, cơ quan giám định đã trả lời về thương tích của anh Thư là 21% từ ngày 8/1/2015. Vì sao phải đợi đến ngày 19/9/2018, Cơ quan điều tra mới ra quyết định phục hồi về việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong khi từ các năm 2015 đến 2017, anh Thư liên tục có đơn gửi tới Công an huyện và đã có kết luận giám định thương tích của nạn nhân? Đây là câu hỏi không chỉ chúng tôi mà còn cả gia đình anh Thư đã đặt ra.
Ngày 19/10/2018, Cơ quan điều tra công an huyện Hữu Lũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 127
Một điều bất thường nữa là có bằng chứng về việc, sau khi anh Thư điều trị ở bệnh viện về, Hoàng Văn Lựu cùng ông Hoàng Văn Chuyền là Phó Công an xã đã 3 lần đến nhà anh Thư xin lỗi, đòi xem hóa đơn viện phí để xin bồi thường nhưng nhưng không được gia đình anh Thư chấp nhận. Sau đó, Lựu bỏ về và còn đe “vui vẻ còn được mấy đồng, còn không thì đi mà kiện”. Chuyện này có cả các ông Phạm Cao Cường, Lương Văn Định đi cùng, nên biết rõ.
Được biết, tình tiết này đã được anh Thư khai với cơ quan điều tra và bà Nguyễn Thị Phương, cán bộ Độiđiều tra tổng hợp Công an huyện Hữu Lũng đã triệu tập các cá nhân liên quan để làm rõ. Và lời khai của nhân chứng cho thấy, có việc Hoàng Văn Lựu tới nhà anh Thư xin lỗi, nhận bồi thường.
Tuy nhiên, xung quanh vụ việc anh Thư bị đánh, theo thông tin chúng tôi có được từ những cán bộ có trách nhiệm lại có những chi tiết rất khôi hài. Đó là theo ông Vũ Văn Đạo, Phó trưởng công an xã Yên Bình, Hoàng Văn Lựu có chứng cứ ngoại phạm là vào thời điểm xảy ra vụ việc anh Thư bị đánh thì Lựu đang xem vô tuyến ở nhà người quen, khi được thông báo có người bị đánh mới chạy ra hiện trường…Còn bà Nguyễn Thị Phương, cán bộ Độiđiều tra tổng hợp Công an huyện Hữu Lũng, người trực tiếp điều tra về vụ việc của anh Thư thừa nhận có việc Hoàng Văn Lựu đến nhà xin lỗi anh Thư. Nhưng bà Phượng lại lý giải rằng Lựu đến xin lỗi vì có “tát anh Thư một cái”!?
Chúng tôi không thể hiểu nổi, tại sao một công an xã khi nhận được tin báo có người bị đánh, khi ra đến hiện trường thấy nạn nhân máu me bê bết, ngất xỉu lại còn bồi thêm nạn nhân một cái tát nữa để làm gì? Chẳng lẽ công an xã thay vì bảo vệ người dân trong hoạn nạn thì lại tiếp tục ra tay cho người dân đang ngắc ngoải phải chết hẳn? Và sau hành vi tát dân của mình, công an xã Hoàng Văn Lựu có bị kỷ luật gì không?
Theo phản ánh của người dân xã Yên Bình, tuy chỉ là công an viên của xã nhưng Hoàng Văn Lựu rất hống hách, xấu tính. Một số người mải vui bài bạc ăn tiềnnếu lỡ gặp Lựu thì không chỉ bị Lựu thu mất trắng tiền còn bị vài cái đá đít.Có người kể, khi thấy Lựu mặt đỏ phừng phừng, chở xe máy “kẹp ba” thì lẳng lặng mà tránh, không dám dây dưa… Người dân lý giải, sở dĩ Lựu chẳng sợ ai là vì có người nhà bên vợ làm “to” ở một cơ quan pháp luật trên tỉnh…
Có thể thấy, cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này chưa thực hiện đúng nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Trước sự việc trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao cơ quan tố tụng lại “ngâm” khởi tố vụ án? Ai đang “bảo kê” cho công an viên Hoàng Văn Lựu hống hách thách thức pháp luật?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc có nhiều uẩn khúc này…
Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm sát viên, cụ thể:
Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT;
b) Đề ra yêu cầu điều tra;
c) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;
d) Kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam;
đ) Tham gia phiên tòa; đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa;
e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án;
g) Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.
Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát về những hành vi và quyết định của mình.
Chính Quân-Đình Tuyến /VHVN