Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

16:45 | 13/11/2024

NGUYỄN ĐÌNH THI – MỘT TÀI NĂNG LỚN, CÂY ĐẠI THỤ CỦA NỀN VĂN NGHỆ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến một Nhà văn hoá lớn, một tài năng lớn, cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Ông sinh ngày 20/12/1924 tại tỉnh Luang Prabang nước Lào, nhưng quê gốc lại ở huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây trước đây). Đến đời ông nội thì chuyển ra làng Vũ Thạnh (nay là phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Ông cụ đã cùng gia đình trốn sang Lào, do tham gia vào một cuộc biểu tình đòi tăng lương rồi bị khủng bố tại Hà Nội. Sự lận đận của gia đình đã ảnh hưởng đến tâm hồn thời thơ ấu của Nguyễn Đình Thi.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi.

1/ Nguyễn Đình Thi lớn lên nhờ cách mạng và trở thành nhà lãnh đạo văn nghệ trong hơn nửa thế kỷ

Năm 1941, Nguyễn Đình Thi từ Lào về Hà Nội tích cực tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh, sinh viên và tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh. Năm 1942, ông bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ nhất tại Hà Nội. Năm 1943, ông là một trong những thành viên đầu tiên trong Hội Văn hoá cứu quốc thành lập. Năm 1944, ông lại bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai tại Nam Định. Chính trong những hoàn cảnh giam cầm đó đã giúp Nguyễn Đình Thi gắn bó mật thiết hơn với cách mạng. Nguyễn Đình Thi được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ông được Đảng cử làm Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, Uỷ viên Tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Uỷ ban Thường trực Quốc hội (khoá I). Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông tích cực tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá kháng chiến. Năm 1948, Nguyễn Đình Thi được cử giữ chức Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1952, một bước ngoặt đối với nhà văn là ông gia nhập quân đội với chức vụ Phó Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308. Đây là thời kỳ ông lăn lộn với thực tế chiến trường của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, ông giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam (khoá 1956-1958). Từ 1958, ông giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn liên tiếp ba khoá (I, II, III), rồi lại trở về làm Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, hai khoá V, VI (tên mới của Hội Văn nghệ Việt Nam).

Như vậy, với tư cách là một nhà văn hoá lớn, một cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, ông đã để lại một kho tàng đồ sộ gồm nhiều thể loại nhưng điểm cần nhấn mạnh là ông là một tài năng được sinh ra từ cách mạng, suốt đời phấn đấu cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ cách mạng. Người ta hay nói đóng góp của người nghệ sĩ là ở những tác phẩm nhưng với Nguyễn Đình Thi ngoài những tác phẩm để đời, ông còn có những tác động quan trọng vào nền văn nghệ và vào thời đại mà ông đã trải qua. Với tài năng tổ chức, lãnh đạo văn nghệ xuất sắc, nhất là đã toả sáng vào thời điểm cách mạng chuyển sang giai đoạn rất cần sự “nhận đường” sáng suốt, ông là người có uy tín cao, sức tập hợp, lan toả rộng rãi và tính kiên định cách mạng. Nguyễn Đình Thi có công lao to lớn trong việc xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật của đất nước trong hơn nửa thế kỷ, nhất là từ lúc trẻ, ông đã kiên quyết đấu tranh với các đảng phái phản động, bảo vệ cách mạng, bảo vệ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị lãnh đạo Hội Văn nghệ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khoá, ông đã thể hiện tài năng lãnh đạo của mình, nhất là ở môi trường hay xuất hiện nhiều vấn đề nhạy cảm để định hướng văn nghệ đi theo đường lối của Đảng. Trong cuộc sống thường ngày, Nguyễn Đình Thi là một người lịch lãm, chân thành, độ lượng, khiêm nhường thực sự nên được mọi người hết sức tin cậy và kính trọng. Trong Điếu văn Lễ tang Nhà văn Nguyễn Đình Thi, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Trưởng ban Lễ tang đọc, đã khẳng định: “Nhà văn Nguyễn Đình Thi mất đi để lại một khoảng trống không gì bù bắp được của giới văn học, nghệ thuật, một tổn thất to lớn của Đảng, của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương viết trong sổ tang nhấn mạnh: “Đồng chí Nguyễn Đình Thi là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật đồng chí đã có những đóng góp nổi bật của một người nghệ sĩ sáng tạo, đem lại sự cổ vũ lớn cho đội ngũ văn nghệ Việt Nam… Đồng chí Nguyễn Đình Thi còn là một người hoạt động chính trị không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam…”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Anh Thi ơi! Anh ra đi nhưng sự nghiệp của anh sẽ còn mãi với các thế hệ, và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền văn học và nghệ thuật của nước nhà trong thời đại mới”.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, với những đóng góp xuất sắc nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học, nghệ thuật và nhiều huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác.

2/ Phác họa thế giới thơ ca, văn xuôi và nhạc của Nguyễn Đình Thi

Không giống như các nhà văn khác, Nguyễn Đình Thi đến với văn nghệ không phải bằng các sáng tác mà bằng việc tiếp nhận các kiến thức lý luận từ sách vở. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ông đã viết các tiểu luận giới thiệu triết học phương Tây: Triết học nhập môn, Siêu hình học, Triết học Arixtôt, Đềcáctơ, Kăngtơ, Nitsơ, Đácuyn, Anhxtanh. Năm 1944, ông đã có bài nói chuyện cho sinh viên “Sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích” nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và đấu tranh cho các trí thức trẻ. Về thơ, ông có những tác phẩm: Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1985), Tuyển tập thơ (1994), Tuyển tập Nguyễn Đình Thi (tập 3 – phần thơ – 1977), Trong Cát bụi (1998), Sóng reo (2001). Sau thời kỳ “nhận đường”, Nguyễn Đình Thi đã có chùm thơ đầu tay: Đường núi, Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa đã đưa đến một cuộc tranh luận sôi nổi về nội dung và hình thức trong thơ Nguyễn Đình Thi dưới sự chủ trì của nhà thơ Tố Hữu và tham gia có nhiều tên tuổi lớn, như: Xuân Diệu, Văn Cao, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng…

Cảm hứng chủ đạo trong thơ của Nguyễn Đình Thi là tình yêu đối với đất nước và dân tộc. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông là Đất nước đã tạo dựng vóc dáng một cuộc trường chinh lịch sử. Dân tộc ta có nhiều mất mát, đau thương, chính vì thế, thơ Nguyễn Đình Thi cũng nói nhiều đến những cuộc chia ly, như: Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Lòng Hà Nội, Chia tay trong đêm Hà Nội, Ai biết tên các anh, Người tử sĩ…

Thơ của Nguyễn Đình Thi đã thể hiện sự cách tân sớm. Cuộc tranh luận năm 1949 về thơ của ông không đưa đến những ý kiến thống nhất. Nguyễn Đình Thi quan niệm rằng: “Thơ cũng như nhạc. Mỗi bản nhạc có giai điệu riêng nhưng vẫn là nhạc. Mỗi bài thơ dù rất khác nhau nhưng phải là thơ. Luật của thơ tự do là luật của cái đẹp – cái đẹp nghệ thuật. Thơ tự do giống như hoa lan. Người ta đã tìm ra tới hơn 10.000 loại lan, mỗi loại lan khác nhau ghê lắm… nhưng vẫn là hoa lan”. Trong bài viết “Ấn tượng về một bản lĩnh văn hoá”, nhà thơ Bằng Việt đã chia sẻ về chuyện này: “Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy, vấn đề không đơn giản chỉ là thơ có vần hay không vần, cái chính là cách cảm, cách tiếp nhận thực tế vào trong thơ, và, chừng mực nào đó, có cả những yếu tố siêu thực, những phức tạp của cảm xúc. Ngày nay, nếu viết như thế cũng chưa gây ồn ào gì lắm, nhưng đó là bối cảnh của nửa thế kỷ trước, và, đó là những mầm mống của sự cách tân”. Nguyễn Đình Thi từng nói: “Thơ là cái thiết tha nhất của tôi, và cả cái tìm tòi rất khổ của tôi”. Và, chính vì vậy thơ của Nguyễn Đình Thi góp phần bồi đắp tâm hồn con người, tái hiện vẻ đẹp của đất nước trong cuộc trường chinh lịch sử và như những hạt mầm khoẻ gieo xuống cánh đồng canh tân của thi ca Việt Nam.

Văn xuôi của Nguyễn Đình Thi gồm có: ký, truyện vừa và tiểu thuyết. Tập ký Thu đông năm nay được xuất bản sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là tập ký sự mặt trận gồm 8 bài: Thu đông năm nay (1948), Trên biên giới, Chúng ta chiến thắng cho hoà bình (1950), Bên kia sông Mã (1953), Mùa xuân của các chiến sĩ Điện Biên Phủ (1954). Các trang viết giàu sự kiện, cảm xúc và như tư liệu chiến trường.

Tập truyện Bên bờ sông Lô (1957) gồm 12 truyện viết trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp xoay quanh chủ đề ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người kháng chiến qua chinh chiến trận mạc. Nhà văn Nguyễn Khải nhận xét: “Tuy chỉ mới phản ánh được những mảnh đất nhỏ, rời rạc của dòng thác kháng chiến, nhưng nó có tác dụng gợi ta nhớ lại những ngày sống vĩ đại đã qua… Những truyện ngắn ấy cũng giúp cho tâm hồn ta trong sáng thêm lên, gạt được những cái gợn bẩn đã bắt đầu đóng váng lại trong đời sống hoà bình”.

Văn xuôi của Nguyễn Đình Thi được khẳng định trên văn đàn khi ông có những cuốn tiểu thuyết: Xung kích (1952), Vỡ bờ (tập 1-1962, tập II-1970) và giữa hai “lần” Vỡ bờVào lửa (1956) và Mặt trận trên cao (1967). Dư luận trong giới văn đàn đánh giá ông thành công ở thể loại tiểu thuyết hơn là ký và truyện ngắn. Ba cuốn tiểu thuyết trên viết về sự trưởng thành của quân đội nhân dân: Xung kích về bộ binh, Vào lửa về binh chủng phòng không và Mặt trận trên cao về binh chủng không quân. Nếu Xung kích viết về anh lính bộ đội Cụ Hồ chống Pháp, thì Vào lửaMặt trận trên cao viết về anh lính Cụ Hồ chống Mỹ. Có lẽ thành công hơn cả của Nguyễn Đình Thi là tiểu thuyết Vỡ bờ. Với 2 tập dày hơn 1000 trang, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện hiện thực mang đậm chất sử thi với thời gian hoành tráng từ chiến tranh Thế giới thứ hai đến Cách mạng Tháng Tám thành công và trên một không gian rộng từ Hà Nội đến Hải Dương, Hải Phòng. Cố giáo sư Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Tiểu thuyết Vỡ bờ là tấm lòng yêu thương tha thiết của Nguyễn Đình Thi đối với vận mệnh và lịch sử đất nước, là những suy nghĩ sâu lắng, ấp ủ của nhà văn về những đặc điểm tâm hồn và tính cách con người Việt Nam… Nguyễn Đình Thi mang đến cho nghệ thuật tiểu thuyết một phong cách có thể nói là độc đáo. Theo anh, cái gốc của nghệ thuật là tình cảm, là tấm lòng: có lẽ “cái tác động vào tình cảm ấy là cái chỗ sâu nhất của tiểu thuyết cũng như của các nghệ thuật khác”[1]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khi nhắc đến tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thì không thể bỏ qua Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi.

Nguyễn Đình Thi là người nghệ sĩ rất có duyên với âm nhạc. Cuối tháng 8 năm 1945, bài hát Diệt phát xít của ông là một trong ba ca khúc được trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh để chọn ra một bản làm quốc ca. Bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao được Bác chọn, còn Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi được chọn làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt 79 năm qua. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Đình Thi lại cho ra đời một bản trường ca bằng âm thanh bất hủ là bài hát Người Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Tôi đã kinh ngạc về tài năng âm nhạc với một tâm hồn dạt dào và hoành tráng của ông khi nghe bài hát này. Người Hà Nội đã mở ra một tầm vóc mới cho âm nhạc Việt Nam kháng chiến”.

Có một số bài thơ của Nguyễn Đình Thi cũng được các nhạc sĩ phổ nhạc. Bài thơ Nhớ được ca ngợi là bài thơ tình hay nhất của thơ thời kháng chiến chống Pháp mà ông viết tặng nữ phóng viên Pháp Madelaine Riffaud, bài thơ được nhạc sĩ tài năng Hoàng Vân phổ nhạc trở thành bản tình ca nổi tiếng. Hai khổ thơ (8 câu) trong bài thơ Quê hương Việt Bắc của ông được nhạc sĩ Thanh Ly phổ nhạc thành ca khúc Bác Hồ ở chiến khu đã được biểu diễn nhiều. Bài thơ Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi ra đời năm 1974 được được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và được hát vang trong ngày Sài Gòn giải phóng. Bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi là Đất nước đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông suốt mấy chục năm qua và được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ nhạc thành ca khúc hợp xướng dành cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn từ năm 2009.

Như vậy, về âm nhạc tuy ông viết không nhiều, nhưng với hai bài nổi tiếng Diệt phát xít (1943), Người Hà Nội (1947) và một số bài được phổ nhạc thì ông đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần phát biểu: Tôi đã sáng tác hàng trăm bài thơ nhưng chỉ có những bài được các nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc thì mới có sức sống lâu bền vì nhạc chắp cánh cho thơ. Thiết nghĩ, đối với Nguyễn Đình Thi dù các tác phẩm ông sáng tác ít, những bài thơ được phổ nhạc không nhiều, nhưng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” thì những tác phẩm của ông sẽ còn lại mãi với thời gian.

3/ Điểm nhấn trong kịch của Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi viết 10 vở kịch: Con nai đen (1961), Hoa và Ngần (1974), Giấc mơ (1977), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Tiếng sóng (1980), Người đàn bà hoá đá (1980), Cái bóng trên tường (1982), Trương Chi (1983), Hòn cuội (1986). Kịch của Nguyễn Đình Thi chia làm ba nhóm chính: 1, Mảng lịch sử: Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan; 2, Mảng mượn những cốt truyện dân gian: Con nai đen, Người đàn bà hoá đá, Cái bóng trên tường, Trương Chi, Hòn cuội; 3, Mảng hiện tại: Hoa và Ngần, Tiếng sóng, Giấc mơ. Nhà nghiên cứu Chu Huy Sơn cho rằng: “Về căn bản, kịch Nguyễn Đình Thi không phải là những tác phẩm sân khấu của một nhà biên kịch, mà vẫn là tác phẩm văn học theo phương thức kịch của một nhà văn (Bây giờ người ta gọi là kịch bản văn học). Có lẽ vì thế mà cho đến nay chỉ có một số rất ít được dàn dựng”.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến sự “kết hợp giữa chất huyền thoại” và “không khí hư ảo” như một đặc trưng thi pháp của kịch Nguyễn Đình Thi hay nói cách khác, thế giới kịch Nguyễn Đình Thi là thế giới của sự thực cuộc đời được huyền thoại hoá. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, có thể gọi kịch của Nguyễn Đình Thi là kịch triết lý như Nhà nghiên cứu Chu Huy Sơn nhận xét: “Không chỉ vì trong đó đậm đặc các câu triết lý gửi vào đối thoại hay độc thoại của các nhân vật, cũng không chỉ ở hệ thống các biểu tượng mang những hàm nghĩa triết lý sẵn trong kho tàng văn hoá được sử dụng phong phú ở đây mà có lẽ do bản thân các hình tượng trung tâm đều đậm nhạt, thấp thoáng một tượng trưng, một triết lý nhân sinh nào đó”. Ví dụ trong vở Rừng trúc, nhân vật Lý Chiêu Hoàng chấp nhận nhường ngôi một cách cao cả và không khỏi bi phẫn. Nàng đã nói với Trần Thủ Độ những lời như khắc một đạo lý lớn: “Việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn”.

Nguyễn Đình Thi sáng tác 10 vở kịch nhưng một số vở rơi vào tình trạng long đong, trắc trở, sóng gió như các vở: Con nai đen, Hoa và Ngần, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc. Không phải ngẫu nhiên mà trong giới văn nghệ lúc đó có câu: “Nếu kịch bản mang tên Nguyễn Đình Thi, lại đạo diễn Nguyễn Đình Nghi thì khâu duyệt vở nhất định sẽ là Nguyễn Đình Chỉ”. Song, là một nghệ sĩ lớn nên trong các sáng tác của ông đã vươn tới các ý nghĩa tận cùng của con người.

Khi viết “Kính tặng phòng lưu niệm Đặng Thai Mai – để tưởng nhớ nhà văn chí sĩ” trên cuốn Kịch Nguyễn Đình Thi, ông đã nói rõ với Đặng Thái Hoàng là con trai của cố giáo sư Đặng Thai Mai, rằng ông đã cân nhắc kỹ khi lời đề tặng chính của ông lại đề vào quyển kịch Nguyễn Đình Thi. Ông tâm sự rằng: “Cuốn tập kịch này là nỗi tâm huyết nhất của đời tôi, là những nối đau nhức nhối của đời tôi và cũng là một trong những niềm hạnh phúc nhất của đời tôi. Chính vì vậy tôi dồn tình cảm của tôi vào lời đề tặng cho bác Mai vào trang một của tâp kịch”.

4/ Về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Đình Thi đã là cây bút viết lý luận, phê bình văn nghệ rất được chú ý. Những bài viết, bài phát biểu của ông về lý luận, phê bình gắn với cương vị công tác là người lãnh đạo Hội Văn nghệ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Các bài đó được tập hợp trong 3 cuốn sách: 1, Mấy vấn đề về văn học (1956); 2, Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay; 3, Công việc của người viết tiểu thuyết (1964).

Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét rằng, phần lớn những bài viết của ông đều đáp ứng được những đòi hỏi mang tính thời sự của đời sống văn học, nghệ thuật. Qua đó, người đọc thấy được bức tranh của đời sống văn học, nghệ thuật, nhất là cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng trong giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX.

Nguyễn Đình Thi viết những bài về văn học, nghệ thuật rất nhạy bén, sắc sảo vì ông từng là ngòi bút viết tiểu luận triết học thời sinh viên. Ông quan tâm đến mối quan hệ giữa: Nhà văn – Cuộc sống – Sáng tạo nghệ thuật. Ông đặc biệt quan tâm đến chỗ đứng, cách nhìn nhận cuộc sống, sự tu dưỡng về tư tưởng, tâm hồn và vốn sống của người nghệ sĩ, và cả những vấn đề, như: phương pháp, kỹ thuật, ngôn từ… trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Đồng thời, Nguyễn Đình Thi cũng nhấn mạnh vai trò của tình cảm là ngọn nguồn, là gốc rễ của mọi sáng tạo văn học, nghệ thuật và cũng quyết định đến chất lượng của sản phẩm nghệ thuật.

Nguyễn Đình Thi có khao khát cách tân thơ ca. Theo các nhà nghiên cứu, tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” của ông thuộc vào những ý kiến đặc sắc nhất về thơ Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Xuất phát từ nhận thức: “Một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Ông nhấn mạnh: “Thơ không phải kể lể tình cảm. Thơ bây giờ là hình ảnh cảm xúc”. Trong bài viết “Làm mới thơ”: phương án Nguyễn Đình Thi”, Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Bao nhiêu ngả đường, bao nhiêu cung bậc, Nguyễn Đình Thi làm cho người ta quên mất câu chuyện thơ có vần, hay không vần chỉ còn biết thả lỏng sự tiếp nhận để cuốn hút vô thức trong dòng chảy mênh mang của thơ Anh. Một thi sĩ đủ tài năng để cất lên tiếng nói của thời đại mình. Đó là Nguyễn Đình Thi. Một bản lĩnh thơ thống nhất nhưng biến hoá tài tình. Đó cũng là Nguyễn Đình Thi. Anh không ngừng làm mới thơ, hiện đại hoá thơ, một kiểu hiện đại dựa chắc trên truyền thống của thơ ca dân tộc”[2].

Khi viết đến những dòng này, bất chợt tôi nhìn thấy tấm ảnh Nguyễn Đình Thi chụp với nữ văn sĩ Pháp Madelaine Riffaud trong cuốn Tạp chí Văn hiến số mới nhất, thấy bừng lên “Thời thanh niên sôi nổi”. Nụ cười ấm áp của nữ văn sĩ bên cạnh Nguyễn Đình Thi dường như đã xóa đi mọi khoảng cách địa lý và mọi đường biên chính trị, xã hội. Tôi nghĩ đến câu thơ mà mình đã viết không lâu: “Và tiếng cười Em sưởi ấm chỗ ta ngồi[3] và tin rằng có thể dùng để kết thúc bài viết ngắn tưởng nhớ một Nhà thơ đa tài và đa tình của thi ca Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Đình Thi là một tài năng lớn của đất nước, của nền văn nghệ nước nhà. Di sản của ông để lại không chỉ dành cho các thế hệ hôm qua, hôm nay mà còn là công việc của các thế hệ mai sau. Và, như một “giá trị đích thực” mà đương thời và hậu thế đã và đang khẳng định, thiết nghĩ những con người như Ông khi ra đi đã để lại dấu vết ở trên thế gian này chứ không phải như những thứ thảo mộc tầm thường, đã sống và tồn tại kéo dài hơn cả những nỗi khổ đau của con người…

Hà Nội, Mùa thu 2024

TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.


[1] Nguyễn Đình Thi, Công việc của người viết tiểu thuyết, NXB Văn học, Hà Nội, 1961, tr.132.
[2] Hữu Thỉnh, “Làm mới thơ: Phương án Nguyễn Đình Thi” (Lời giới thiệu Tuyển thơ Nguyễn Đình Thi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013.
[3] Câu thơ trong bài thơ Có một mùa Đông Mát-xcơ-va in trong tập Hương vị thời gian của tôi do NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2023. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết cho tập thơ Lời giới thiệu: “Hương vị thời gian – Hương vị của tâm hồn”, trong đó Ông rất tâm đắc nhận xét về câu thơ: “Và tiếng cười Em sưởi ấm chỗ ta ngồi” là một câu thơ có nhan sắc. Mong rằng tác giả rồi đây sẽ có nhiều những câu thơ như thế”.


Cùng chuyên mục

Phác thảo chân dung Đại thi hào Nguyễn Du

Phác thảo chân dung Đại thi hào Nguyễn Du

Nghệ sĩ Phan Huấn: 90 mùa xuân song hành cùng âm nhạc     

Nghệ sĩ Phan Huấn: 90 mùa xuân song hành cùng âm nhạc     

Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn