Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Đắk Lắk tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”
Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nhằm triển khai và đưa ra các giải pháp để sớm đưa Chỉ thị đi vào cuộc sống, giúp người dân được hưởng lợi những chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời.
Các ngành, các cấp, các địa phương cũng tập trung bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phát huy thế mạnh những sản phẩm chủ lực tại địa phương để tập trung phân bổ nguồn vốn vay đến tay người dân.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển KTXH, giảm nghèo bền vững gắn với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn để phát triển kinh tế.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã tạo nên sức mạnh tổng hợp xuyên suốt đến tận cơ sở, giúp cho việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao không chỉ về quy mô, nguồn lực mà còn về chất lượng tín dụng chính sách.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 7.927 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đến cuối tháng 6 năm 2024 là 505 tỷ đồng, tăng 386 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, chiếm tỷ lệ 6,4% tổng nguồn vốn.
Đến 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 7.903 tỷ đồng, tăng 4.902 tỷ đồng so năm 2014, với hơn 169 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, dư nợ hộ dân tộc thiểu số chiếm 42,5% tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó, dư nợ tập trung một số chương trình lớn như: Tín dụng hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tín dụng đối với vùng khó khăn,…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó đã tập trung ưu tiên cho khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tổng doanh số cho vay từ năm 2015 đến nay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, với hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Qua đó giúp gần 111 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hơn 4,8 nghìn hộ DTTS vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách góp phần hoàn thành 78 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2021 từ 17,83% xuống 6,34% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), giai đoạn 2021-2025 từ 12,79% xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025). Tính bình quân hàng năm tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 1,5->2%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3->4%.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội cũng đã có tác động rất lớn và tích cực đến việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn.
Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở vùng nông thôn, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW vẫn còn những khó khăn, đặc biệt tỉnh Đắk Lắk là một tỉnh lớn, diện tích rộng, nhu cầu về vốn cao; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn; thiên tai, dịch dệnh thường xuyên vẫn xảy ra nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đến địa phương hơn nữa, bổ sung nguồn vốn để triển khai các chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
PV