Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã được tăng cường, đáp ứng được nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Nô giải ngân cho khách hàng tại điểm giao dịch xã
Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện đến 31/5/2024 đạt 603.445 triệu đồng, tăng 388.850 triệu đồng so với năm 2014. Nguồn vốn Trung ương là 567.479 triệu đồng, chiếm 94.94% tổng dư nợ, tăng 354.313 triệu đồng so với năm 2014. Nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương (tỉnh và huyện) là 35.655 triệu đồng chiếm 6.06%, tăng 33.226 triệu đồng so với năm 2014. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh 18.784 triệu đồng chiếm 3.40% tổng dư nợ tăng 15.270 triệu đồng so với năm 2014. Nguồn vốn từ ngân sách các huyện đạt 16.871 triệu đồng chiếm 2.46% tăng 16.371 triệu đồng so với năm 2014.
Tổng quá hạn từ 215 triệu đồng năm 2014 đến nay còn 62 triệu đồng/2 hộ chiếm tỉ lệ 0.010% tổng dư nợ, giảm 153 triệu so với 2014.
Hoạt động của Tổ TK&VV thường xuyên được quan tâm, duy trì nền nếp, ổn định. Đến 30/5/2024, toàn huyện có 221 Tổ TK&VV/93 thôn, bon, tổ dân phố, trong các năm qua luôn duy trì xếp loại tốt chiếm tỷ lệ 100% và không có Tổ TK&VV xếp loại trung bình.
Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm và phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện hàng tháng thực hiện.
Thực hiện theo Văn bản số 213/CV-HU của Huyện ủy Krông Nô về thực hiện ngày tiết kiệm vì người nghèo, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với UBND các xã, cấp hội nhận ủy thác cấp huyện và các xã, thị trấn thực hiện ngày vì người nghèo với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau’’. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn huyện hiểu được lợi ích khi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH.
Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là những người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội đã đi vào cuộc sống, lan tỏa đến các thôn, bon nơi khó khăn, nơi đồng bào dân tộc sinh sống tại chỗ, là điểm tựa, địa chỉ tin cậy của người dân.
Krông nô là địa phương còn khó khăn, bởi trong tổng số 12 xã, thị trấn thì 10 xã có đồng bào dân tộc sinh sống với tổng số 24 dân tộc anh em sinh sống và có những bon đăc biệt khó khăn. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp từ xã đến huyện càng nhận thức và xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Ngay sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng CSXH huyện, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Krông Nô không ngừng tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Đến hết tháng 5 năm 2024, tổng nguồn vốn đạt trên 16.871 triệu đồng, tăng 120% so với cuối năm 2014 (trước khi có Chỉ thị 40). Nguồn vốn được tăng cường, đồng thời, định kỳ hàng năm, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định chính xác, công bố kịp thời, đầy đủ các đối tượng được vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách.
Đến nay, 100% đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế đều đã được đáp ứng nhu cầu vay. Được đào tạo kỹ thuật nông nghiệp, người vay còn được huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ, qua đó giúp phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế, an sinh xã hội và góp phần chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, huyện Krông Nô tiếp tục quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc tại chỗ. Triển khai, mở rộng cuộc vận động tiết kiệm chung tay vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với giai đoạn mới.
PV