Ngày 2/5/2024, nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 599 năm Thánh Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hoá Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển phối hợp với UBND xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Ban quản lý Đền Thánh Mẫu đã tổ chức “Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”. Đây cũng là dịp quy tụ các nghệ nhân, thanh đồng thực hành di sản, giới thiệu một số giá đồng như một sự minh chứng cho sức sống mãnh liệt của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ trong điều kiện phát triển xã hội đương đại.
Đền Thánh Mẫu không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là di tích lịch sử văn hóa quan trọng ở vùng non nước Hồng Lam
Tọa lạc trên đỉnh một quả đồi riêng biệt, được nhân dân gọi núi Na (xã Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), một trong nhiều ngọn của dãy núi Hồng Lĩnh, đền Thánh Mẫu toát lên vẻ trầm mặc, uy nghi, được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát. Đây là nơi thờ hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, một liệt nữ trung hiếu vẹn toàn, đã sát cánh cùng Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh.
Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, thanh đồng trực tiếp tham gia thực hành, giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Đối với người dân huyện Nghi Xuân nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung, Đền Thánh Mẫu không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là di tích lịch sử văn hóa quan trọng ở vùng non nước Hồng Lam. Đền đã được công nhận Di tích Lịch sử -Văn hoá cấp tỉnh, theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 08/08/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Đạo Mẫu đối với tâm thức người dân Việt Nam được xem là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển. Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.
Các nghệ nhân, thanh đồng tham dự liên hoan
Tham dự liên hoan lần này gồm 11 nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thời gian cho mỗi lần thực hành giao lưu của mỗi nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang là 45 phút. Mỗi giá hầu đồng được thực hiện theo đúng chuẩn mực, phép tắc lễ nghi, bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính.
Các đại biểu tham dự “Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Hà Tĩnh
Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay, sau khi được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, “Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã càng ngày càng được cộng đồng quan tâm và phát triển, lan tỏa sâu rộng ra nhiều vùng, miền trên phạm vi cả nước và một số nước có người Việt làm ăn, sinh sống. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được Chính phủ quan tâm bảo tồn và phát huy. Cũng nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa từ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được nhận thức sâu sắc hơn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận dân chúng.
Ngọc Trâm