TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

10:25 | 26/04/2024

Mổ mắt thay thủy tinh thể. Thế là đành một ngày dùng tai thay mắt. Không hiểu sao mình lại chọn nghe Trịnh Công Sơn và Hà Thị Cầu trong một ngày. Trịnh Công Sơn thì đúng rồi, thơ nhạc của ông cần cho mỗi người VN, trong đó có mình, nhất là khi ngưới ta buồn thương, bế tắc, tuyệt vọng, cả trong chiến tranh và hòa bình. Một nhạc sĩ không những của VN mà còn của thế giới, có thể đàng hoàng so sánh với Bob Dylan lừng danh ở Mỹ, người vừa được giải Nobel về văn học vài năm trước. Một nhạc sĩ đã cứu chữa những chấn thương do chiến tranh và nhân quyền của nước Mỹ vĩ đại giống như Trịnh Công Sơn là ông vua nhạc phản chiến và tình ca ở VN.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhưng điều bất ngờ trong một chiều nằm nghe kỹ 12 tác phẩm hát xẩm của cụ Hà Thị Cầu được Dihavina thực hiện năm 1994 thì mình thấy xấu hổ vì mình từng viết một bài rất được khen là “Hà Thị Cầu, người hát rong vĩ đại” nhưng thực ra mình chưa hiểu được sự vĩ đại của cụ bao nhiêu. Nghe kỹ cả 12 bài hát xẩm của cụ, mình bàng hoàng trước sức sáng tạo vô biên và sự chấn động sâu xa của những gì cụ nghĩ và hát. Nếu Trịnh Công Sơn là phản chiến ca và tình ca thì Hà Thị Cầu là nhân nghĩa ca, gia đình ca và xã hội ca, đều phản tỉnh và thức tỉnh con người mạnh mẽ và thăm thẳm, nghe tác phẩm của họ xong thực sự ta không thể sống như cũ nữa. Theo bố mẹ hát xẩm từ năm 6 tuổi, 16 tuổi là người vợ lẽ thứ 18 của một trùm xẩm, sống đến năm 90 tuổi, 86 tuổi đời đem theo cây nhị và cái thau đồng, đi khắp bờ sông, góc phố, nơi ngõ chợ, trên tàu xe…không chỉ ở Nam Định, Ninh Bình mà còn cả Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, TPHCM…Trọn đời cùng cực nghèo khó nhưng cũng trọn đời hóm hỉnh, lạc quan. Nghe Hà Thị Cầu nhiều tôi mới hiểu vì sao cụ thường kết bài hát bằng tiếng “oét” bất ngờ của cây nhị: cụ có vẻ không bằng lòng lại vừa vui vẻ chấp nhận những gì cuộc đời dành cho cụ: bất hạnh ở số phận và hạnh phúc nơi tiếng hát.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu

Nếu Hà Thị Cầu đích thị trọn đời là một kẻ hát rong thì Trịnh Công Sơn cũng coi mình chỉ là “kẻ hát rong đi qua đất nước này để hát lên những giấc mơ đời hư ảo”. Ở thân phận một nghệ sĩ của đất nước họ đều như nhau. Hôm qua, khi cùng nghe hai người gần như cùng lúc, tôi đã thấm thía sâu sắc điều này.

Tôi không thể không bấm máy gọi Mai Tuyết Hoa và Nguyễn Quang Long, hai nghệ sĩ đã coi cụ Cầu như thầy như mẹ, mời họ cũng thực hiện cuốn sách “Hà Thị Cầu, người hát rong vĩ đại” tôi hằng nung nấu. Rồi cùng làm một chương trinh biểu diễn “Xẩm Hà Thị Cầu” và làm hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu NSND cho cụ, điều mà không ít người có trách nhiệm coi như “thí’ cho cụ cái danh hiệu NSUT là quá đủ rồi. Rồi còn lập hồ sơ đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụ. Nên biết, trong hàng trăm bài xẩm hay cụ Cầu hát đã vào lòng bao thế hệ có rất nhiều bài xẩm do Hà Thị Cầu sáng tác cả điệu lẫn lời. Bài Theo Đảng trọn đời là một ví dụ xuất sắc. Một người hát xẩm mù chữ, từng bị khinh khi dù hát hay, sáng tác “đặc biệt xuất sắc” sẽ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, tại sao lại không?

Bác Hồ biết chắc Bác mừng lắm. Cả Trịnh Công Sơn nữa, sao lại không đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông?

Trịnh Công Sơn không là nhạc sĩ xuất sắc và có đóng góp xuất sắc bậc nhất cho đất nước cho dân tộc thời đại Hồ Chí Minh sao?

Nguyễn Thế Khoa

 


Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn