Đêm nhạc thơ Hợi hữu tổ chức ngày 15/4 tại Thung Nham (Ninh Bình), cô giáo ca sĩ Bích Liên được trưởng nhóm Thế Hùng chọn ngâm bài thơ “Hát ru nơi đồng đội yên nghỉ”. Đây là bài thơ tôi viết khi tôi và nhà quay phim chiến trường Vũ Xuân Hưng (sau này là đạo diễn phim truyện nổi tiếng) ở Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 được đi chiến đấu cùng D4, E12, F3 Sao vàng tại chiến trường Bắc Bình Định (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng)…
Những chiến sĩ Sư đoàn 3 bất tử tiến quân đánh vào Sài Gòn
Cuối năm 1974, tôi và anh Hưng được tham mưu trưởng F3 Thương và E trưởng E12 Thái cho đi cùng D4 của tiểu đoàn trưởng Hồng và chính trị viên Tuấn vào cửa mở trong một trận đánh chốt ở Hoài Châu. Trận đánh không thật thành công ta hy sinh nhiều vì hỏa lực địch quá mạnh. Riêng trung đội trưởng cửa mở tên là Inh quê Tràng Định, Lạng Sơn đã mở cửa tốt cho trận đánh nhưng bị nhận trúng cả nửa quả cối địch vào người. Vì lực lượng cứu thương quả mỏng nên anh Hưng và tôi đã thay nhau cõng anh Inh vượt qua làn đạn phản kích của địch về với người dân Hoài Châu đang yêu thương chờ đón các anh cùng đội phẫu tiền phương tiểu đoàn. Anh Inh đã hy sinh trên tay người dân Hoài Châu, Bình Định. Sự hy sinh anh dũng của anh Inh và tấm lòng người dân Hoài Châu với người linh Sư 3 đã làm tôi xúc động viết bài thơ này. Bài thơ đã được in trong tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ mừng 30/4/75, được in một số sách báo khác rồi được tuyển vào Tuyển thơ Thế hệ chống Mỹ năm 2015 của Hội Nhà văn VN (cùng với bài Tình ca miền Trung).
Đồng đội Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng, trong ảnh gồm có: ngoài cùng bên phải là Nguyễn Thế Khoa, thứ hai từ phải qua là anh Hồng tiểu đoàn trưởng D4 sau là Phó Tư lệnh Quân khu 7 và anh Vũ Xuân Hưng sau là nhà quay phim điện ảnh nổi tiếng của Bộ VHTT…
Tôi rất cảm động trước tình cảm của NSND Lê Chức, cũng là một nhà thơ và con một nhà thơ lớn là bác Lê Đại Thanh, đã rất trân trọng bài thơ và quyết dành thời gian quý giá của mình đọc thơ “mộc” tặng tôi và bạn bè, dù cả núi lễ hội và một vai quan trọng trong vở kịch về Điện Biên của Sân khấu Lệ Ngọc đang hối thúc anh từng giờ.
Nhà thơ Nguyễn Thế Khoa ở F3 năm xưa nay là Tổng biên tập Văn hiến Việt Nam
Thay mặt những người đã hy sinh và đang sống liên quan đến bài thơ, xin cám ơn món quà quý báu của NSND Lê Chức…
NSND, nhà thơ, đạo diễn Lê Chức
HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ
(Tặng các chiến sĩ D4, E12, F3 Sao Vàng và Nhân dân Bình Định)
Ngủ đi anh giấc ngủ hiền
Giữa lòng cát bỏng bình yên anh nằm
Những địa đạo những căn hầm
Đã thành lũy thép dưới tầm bom rơi
Như sau một chuyến đi dài
Anh về yên nghỉ thảnh thơi nhẹ nhàng
Trong lời ru mẹ Gia An
Có nhành dủ dẻ dịu vàng ru thêm
Ngủ đi anh giấc ngủ êm
Đất anh hùng hóa gối mềm trẻ thơ
Lại bắt đầu những ước mơ
Máu hồng chảy hóa chồi tơ vươn cành
Anh đi trọn cuộc hành trình
Và nằm lại giữa tuổi mình hai mươi
Nụ cười thanh thản trên môi
Dường như buổi ấy bầu trời quá trong
Ngủ đi anh giấc ngủ nồng
Trong hương thơm những cánh đồng bao la
Nước non đâu chẳng quê nhà
Em thơ thương mến mẹ già nâng niu
Nước non đâu chẳng thân yêu
Cánh rừng Tràng Định mái lều Hoài Châu
Nơi nào chẳng đáng hiến trao
Cả tình yêu với máu đào đời ta
Ngủ đi anh chân trời xa
Bình minh mọc sáng vòng hoa viếng chào
Quê hương mở tiếp chiến hào
Qua máu lửa thẳng bước vào mai sau
Những năm tổ quốc xót đau
Những năm tuổi trẻ gặp nhau chiến trường
Sống anh dũng chết quật cường
Bắc cầu cho những Hiền Lương nối liền
Ngủ đi anh giấc ngủ thiêng
Cánh chim bay suốt hai miền nước non
Đường Thống Nhất tựa dấu son
Mở bằng máu những lứa con anh hùng
Còn đây một trận cuối cùng
Chúng tôi đội ngũ trùng trùng hành quân
Ngủ ngon anh nhé mùa xuân
Đang bừng sáng tự cánh rừng xa xa…
NGUYỄN THẾ KHOA (Hoài Châu, cuối năm 1974)