Tiến sĩ Hồ Hán Dân cho rằng, tất cả set up của AI đều phải dựa trên nền tảng, trí khôn con người khi teamwork mới làm được. Nên nếu không có tình đồng đội, không có sự hợp tác thì khó thành công…
Tiến sĩ Hồ Hán Dân là thành viên hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật & Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC); Cựu Giám đốc nhiều Doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như Coca Cola, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm AAA, Công ty mỹ phẩm LAVO, Công ty TIWAN,… Top 10 Doanh nhân Việt Nam xuất sắc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2016), Giảng viên Cao cấp Học viện Kỹ năng VTALK, Brain B.O.S, BMG, Chuyên gia đào tạo cho nhiều đơn vị như Nutifood, Tập đoàn Cao su Miền Nam, Tập đoàn cao su Đồng Tiến tại Lào, Dược Đông Việt, DHL, PonYuen, Nhà máy giấy Sài Gòn, Vina Coffee, Dược Đông Việt, Vinaphone, FuBon Insurance,… Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhất định trong lĩnh vực kinh doanh, song, hiện tại Tiến sĩ Hồ Hán Dân lại lựa chọn con đường giảng dạy với những phương pháp vô cùng độc đáo cho sinh viên.
Được biết, ông là một người đa tài, vừa giỏi kinh doanh, vừa đam mê ca hát (ca sĩ khách mời nhiều chương trình), Tiến sĩ Hồ Hán Dân có nhiều quan điểm riêng trong phương pháp giảng dạy bộ môn Marketing cho sinh viên. Ông thổ lộ: “Cái gì cũng cần có nền tảng. Cái nền tảng đó là cái lý thuyết, cái kiến thức. Còn cái mà mình đưa vào cho sinh viên, mê hoặc và giúp sinh viên ứng dụng được vào thực tiễn là kinh nghiệm, trải nghiệm của mình hòa hợp với kiến thức đó. Nếu chỉ dừng ở kiến thức thôi thì các em chỉ hiểu học thuật, dùng nghiên cứu chứ rất khó ứng dụng những nền tảng kiến thức đó khi đi làm”… Từng bôn ba nhiều năm ở nước ngoài, trải qua không biết bao nhiêu hình thái kinh tế khác nhau, sau khi về nước tiến sĩ Hồ Hán Dân được mời giảng dạy tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, và hiện tại là Giảng viên cơ hữu của Đại học Kinh tế – Tài chính (UEF). Ban đầu, tiến sĩ Hồ Hán Dân chỉ nghĩ rằng mình đi chia sẻ “cho vui”, chứ không xem giảng dạy là nghề nghiệp. Nhưng trải qua quá trình phải thấu hiểu sinh viên, chứng kiến nhiều học trò bản lĩnh của mình vừa học vừa làm chủ, ông Dân cho rằng mình học được rất nhiều từ cách suy nghĩ vắn tắt, cách các sinh viên nghĩ đúng và bảo vệ quan điểm của mình. Qua đó ông càng thích công việc giảng dạy hơn và có nhiều phương pháp giảng dạy độc đáo từ chính những câu chuyện thực tế trong quá trình kinh doanh trước đây của mình.
Ông Dân cho rằng, cái khó nhất là phải thấu hiểu sinh viên chứ không phải là bài giảng, vì bài giảng nó vốn dĩ như vậy rồi. Còn sinh viên thì mỗi em lại có một cơ sở tư duy, thói quen, kiến thức và kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau, nên phải “bắt mạch đúng” để các em dễ dàng “khai thông” hơn. Đồng thời, Tiến sĩ Hồ Hán Dân cũng khuyên sinh viên nên chủ động thể hiện bản thân mình, tự khai phóng bản thân và quan trọng nhất là phải chịu hỏi. Có thể có những giảng viên khá truyền thống và e ngại sinh viên mở rộng vấn đề hơn phạm vi bài giảng, nhưng ông Dân luôn thích và khuyến khích sinh viên của mình chủ động thể hiện cá tính, mở rộng góc nhìn của bản thân. Giảng dạy ở bộ môn Marketing, ông Dân cho rằng sinh viên hiện nay có những suy nghĩ rất “táo bạo” và những cách tiếp cận vấn đề sáng tạo hơn các thế hệ đi trước. Điều này rất cần thiết cho những “Marketer tương lai”, miễn là sự sáng tạo phải gắn liền với thực tế.
Quốc Trọng – Hồ Chung