Kiều Hưng – Thanh Huyền: Đôi song ca huyền thoại của âm nhạc cách mạng Việt Nam

9:24 | 18/03/2024

Nói đến Kiều Hưng và Thanh Huyền, hai trong số những ca sĩ hàng đầu của nền thanh nhạc cách mạng Việt Nam, những khán thính giả thế hệ 5x, 6x và 7x trở về trước không ai là không biết đến. Sinh ra khi đất nước đang còn trong hoàn cảnh “bom rơi, đạn lạc”, từ cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Chính trong những năm tháng cả nước gian lao, anh dũng đánh Mỹ, tài năng của họ đã nảy mầm, phát triển và nở rộ để rồi họ mang tài năng ấy phụng sự cho sự nghiệp chung của cách mạng…

Kiều Hưng và Thanh Huyền tái hiện lại Rặng Trâm Bầu tại cuộc gặp gỡ của Kiều Hưng với người hâm mộ ngày 13/2/2013 tại KS Bảo Sơn.

Nghĩ lại quãng thời gian kể từ khi tôi biết tới họ cho đến nay đã hơn 50 năm. Đó gần như một mối duyên tiền định. Mùa hè năm 1971, trong một lần từ nơi sơ tán tránh chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (tôi theo cha mẹ đi sơ tán cùng trường Trung cấp Sư phạm, nơi cha tôi được phân công về giảng dạy sau khi tốt nghiêp ĐHSPHN), tôi đến thăm nhà người bác họ ở thị trấn Ninh Giang. Thấy trên bàn có cuốn tạp chí âm nhạc, trang giữa có in ảnh các ca sĩ nổi tiếng lúc đó, như: ca sĩ Thanh Huyền, Bích Liên, Ngọc Dậu, Tâm Trừng, Tuyết Thanh, Tuyết Nhung, Trung Kiên, Quý Dương, Kiều Hưng… Trong số đó tôi còn nhớ rõ Thanh Huyền có đôi má bầu với đôi mắt to tròn, đen láy và cực kỳ hút ánh nhìn. Còn Kiều Hưng thì nở nụ cười thật rạng rỡ với mái tóc bồng bềnh lật sang một bên. Ấn tượng ban đầu là như vậy và dù chưa nghe một bài nào họ đã hát nhưng không hiểu sao tâm trí tôi đã lưu ngay chân dung họ, để hơn 50 năm sau vẫn còn nhớ như in.

Sau đó, tôi được nghe Kiều Hưng hát lần đầu là vào năm 1973, khi gia đình tôi vừa quay lại thành phố từ nơi sơ tán sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Năm ấy tôi học lớp 4. Bài hát mà Kiều Hưng hát hôm ấy là “Bài ca người thợ rừng” (sáng tác Phạm Tuyên). Tất nhiên là tôi nghe qua làn sóng điện của Đài TNVN vì thời ấy thì radio là phương tiện nghe tin tức và giải trí duy nhất. Lúc đó tôi chưa hiểu nhiều về âm nhạc, chỉ biết rằng giọng Kiều Hưng sang sảng, vừa sáng lại vừa cao và rất ấm áp. Bố tôi bảo: “Ông Kiều Hưng có họ với nhà mình đấy con ạ”. Thế là kể từ đấy tôi để ý và nghe mọi bài mà Kiều Hưng hát. Đến mùa hè năm ấy, Đài TNVN dạy hát bài “Rặng trâm bầu” sáng tác của Thái Cơ, do Kiều Hưng và Thanh Huyền thể hiện. Ngay lập tức, bài hát này chinh phục tôi hoàn toàn. Lúc ấy đất nước chưa thống nhất, mỗi bài hát về miền Nam thân yêu luôn luôn như được tăng gấp đôi ý nghĩa. Nhưng cái chính là người sáng tác đã quá tài tình, lấy hình ảnh cây trâm bầu bám chặt vào đất để diễn tả sự ngoan cường giữ đất giữ làng của người Nam Bộ. Âm nhạc bài hát như những lớp sóng xô, hết lớp này đến lớp khác, diễn tả sự mênh mang của không gian, sự thẩm thấu qua thời gian để mang đồng bào miền Nam nguyên vẹn về giữa lòng miền Bắc. Đặc biệt, chuyển tải giai điệu chính của bài chính là tiếng đàn bầu thân thương, réo rắt, thiết tha, lay động đến tận cùng tâm hồn người người nghe. Đôi song ca Kiều Hưng – Thanh Huyền đã diễn tả hết sức thành công bài hát này. Giọng hát của hai nghệ sĩ thật là quyện, tương đồng, vừa trong sáng vừa bình dị, như tiếng bầu tiếng trúc, sao mà thân thương vô cùng. Ấn tượng về bài hát càng sâu đậm không thể phai mờ khi cảm xúc về bài hát quá lớn, chỉ cần một vài nốt nhạc ban đầu của tiếng đàn bầu tấu lên cũng đủ gợi lên cảm xúc bồi hồi xao xuyến. Cho mãi về sau này, khi nghĩ về những tháng năm tuổi thơ tôi không thể hình dung nổi nó sẽ thế nào nếu thiếu đi âm nhạc, dù chỉ là nghe qua làn song điện, trong đó giọng hát của Kiều Hưng và Thanh Huyền là thân thương nhất.

Sau này, tôi được đọc trên tạp chí âm nhạc rằng tác giả sáng tác “Rặng trâm bầu”, nhạc sĩ Thái Cơ vô cùng hài lòng về sự thể hiện của Kiều Hưng và Thanh Huyền đối với sáng tác của mình. Thậm chí nhạc sĩ còn khẳng định: “Có lẽ có rất ít nhạc sĩ được hài lòng như ông đã hài lòng đối với phần thể hiện tác phẩm của mình như cặp song ca Kiều Hưng – Thanh Huyền đã thể hiện”.

Kiều Hưng tại Hà Nội xuân 2018

Những năm đất nước chưa giải phóng, Thanh Huyền và Kiều Hưng đều thuộc quân số của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương. Sau đó là Đoàn Ca nhạc Dân tộc Trung ương. Cuối cùng tất cả gộp lại, đổi sang tên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và mang tên này cho đến nay. Ngay sau khi đất nước thống nhất, Kiều Hưng và Thanh Huyền cùng thể hiện một sáng tác bất hủ khác, đó là bài “Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca”, sáng tác của Trọng Loan. Bài hát thể hiện sự hồ hởi của nhân dân ta về chiến thắng cuối cùng của cách mạng. Sau đó hai nghệ sĩ cùng thể hiện nhiều bài hát khác như “Trên phá Tam giang em hát” (Lê Anh), “Khơi dòng nước mát” (Trọng Loan), “Thỏa nỗi đợi chờ” (dân ca Nghệ Tĩnh do Dân Huyền đặt lời mới)… Đó là một số bài hát hai nghệ sĩ song ca trên làn sóng điện Đài TNVN. Còn trên sân khấu, tôi nghe Kiều Hưng kể lại thì ông và Thanh Huyền cùng song ca rất nhiều bài hát khác nhau. Ngoài hát với Thanh Huyền, Kiều Hưng còn song ca với hầu hết các nữ ca sĩ cùng thời với ông như Tuyết Thanh, Bích Liên, Thúy Hà, Lê Dung, Vân Khánh, Thu Hiền, Vũ Dậu, Thu Phương… Trong số đó có những bản song ca rất tuyệt vời còn lưu tại Trung tâm Âm thanh Đài TNVN của Kiều Hưng với Lê Dung như: “Con  kênh ta đào”  của Phạm Tuyên, “Tình sâu hơn nước Hồng Hà – Cửu Long” của Trần Chương, “Dòng sông quê anh dòng sông quê em” của Đoàn Bổng; cùng với Tuyết Thanh như: “Muôn nẻo đường quê hương” của Phó Đức Phương, “Tiếng gội núi rừng” của Nguyễn An; hoặc với Bích Liên như “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh, “Đường vùng chiêm” của Hoàng Hiệp… Tuy nhiên, tôi cho rằng những bản song ca của Kiều Hưng với Thanh Huyền vẫn là đặc biệt nhất, trong đó nổi bật hàng đầu chính là Rặng Trâm Bầu (Thái Cơ).

Cuối năm 2012, sau bao năm phiêu dạt ở nước ngoài, lần đầu tiên Kiều Hưng về nước ăn Tết Nguyên đán và kể từ đây hầu như năm nào ông cũng về nước vào dịp cuối năm. Đây là lần tôi được gặp lại ông lâu nhất kể từ năm 1991, vì sau đó ông đi Châu Âu một mạch không về. Cùng với một số bạn bè thân thiết, chúng tôi bàn nhau sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ của Kiều Hưng với người hâm mộ. Dự định đó đã thành hiện thực vào đầu năm 2013 sau khi nghệ sĩ ăn tết xong. Địa điểm là khách sạn Bảo Sơn. Đây có lẽ là cuộc gặp gỡ quy mô nhất của Kiều Hưng với người hâm mộ. Toàn bộ diễn biến của cuộc gặp gỡ này đã được ghi hình lại và sau đó dựng thành bộ phim video về giọng hát Kiều Hưng. Đặc biệt, trong cuộc gặp gỡ này có sự hiện diện của nhiều bạn bè và đồng nghiệp của Kiều Hưng và không thể thiếu được Thanh Huyền. Một trong những cảnh ghi xúc động nhất chính là khi tiếng đàn bầu thánh thót cất lên và liền ngay đó Kiều Hưng và Thanh Huyền cùng cầm micro song ca trên nền bản thu “Rặng Trâm Bầu” (Thái Cơ) ghi âm từ cuối 1972. Mấy chục năm qua, kể từ mùa hè 1973 ấy, tôi đã nghe bài hát này không biết bao nhiêu lần, mà lần này vẫn xúc động chảy nước mắt khi Kiều Hưng và Thanh Huyền bằng xương bằng thịt đang hát “Rặng Trâm Bầu” ngay trước mắt chứ không phải chỉ được nghe giọng hát của cặp song ca huyền thoại này qua làn sóng điện của Đài TNVN như khi đất nước còn chưa thống nhất. Không riêng gì tôi mà nhiều khán giả có mặt tại cuộc gặp ngày hôm ấy cũng đều có chung cảm xúc này.

Những năm sau đó, cứ mỗi lần Kiều Hưng về nước, chúng tôi lại tổ chức những cuộc gặp gỡ nhỏ. Cho tới năm 2018 thì tổ chức cuộc gặp gỡ khá lớn của Kiều Hưng với người hâm mộ tại sân khấu ngoài trời của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nơi ông từng công tác. Cuộc gặp gỡ này có thể nói là lớn nhất nhưng thật tiếc lần này Thanh Huyền mệt nên bà không đến dự được.

Bẵng đi 6 năm, cho tới lần này Kiều Hưng mới lại về nước ăn tết cổ truyền đồng thời thăm thú bạn bè. Ông về nước từ cuối tháng 9/2023 nhưng còn phải châm cứu để hồi phục chức năng vì dù sao ông cũng chuẩn bị bước sang tuổi 88. Sau mấy tháng châm cứu, ông đi lại dễ dàng hơn và tới sau Tết, công việc gia đình đỡ bận rộn, gia đình mới có thể đưa ông đi thăm bạn bè. Hôm đó là ngày chủ nhật, 25/2/2024. Buổi sáng, chúng tôi được đón nhạc sĩ Dân Huyền và một số học trò cũ của ông tới thăm. Nhạc sĩ Dân Huyền cũng cao tuổi, chỉ kém Kiều Hưng một tuổi, vẫn thu xếp đến thăm người bạn già bằng được. Tình bạn già của họ thật đáng cảm động. Một người là nhạc sĩ sáng tác, một người là ca sĩ thể hiện một chùm ca khúc nổi tiếng của người kia. Nhạc sĩ Dân Huyền cứ nói vui: “Tôi may mắn được anh Kiều Hưng chiếu cố hát một chùm ca khúc khiến tôi được cả nước biết tới và trở nên nổi tiếng nên tôi rất biết ơn”. Đấy là nhạc sĩ cứ nói thế chứ chúng tôi hiểu không có bột làm sao gột nên hồ. Nhạc sĩ không viết ra những bài hát rất hay như: Bên Lăng Bác Hồ, Cung đàn tuổi xanh, Bông hoa Hồng Chiêm, Thành phố Đỏ thành phố Xanh, Tiếng hát trái tim, Trên quê hương Xô viết Nghệ tĩnh… thì làm sao người thể hiện hay được?

Buổi trưa hôm ấy tôi đưa vợ chồng Kiều Hưng tới thăm nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm và vợ ông là ca sĩ Xuân Thanh. Họ vốn là chỗ thân thiết mấy chục năm bên nhau khi phiêu dạt bên trời Âu. Bởi vậy về nước lần nào là hai nhà cũng đều gặp nhau. Năm nay ca sĩ Xuân Thanh mới bị ngã trước tết, chân còn đang bó bột nên không dậy tiếp khách được nhưng khi pianist Tôn Thất Triêm ngồi vào đàn và bắt đầu đàn một khúc Aria quen thuộc thì chị liền cất giọng hát theo. Giọng Xuân Thanh vẫn như thuở nào, còn rất tốt, vang sáng, rất sang trọng. Bữa cơm trưa đơn giản của các nghệ sĩ lớn của đất nước dường như chỉ là cái cớ để họ kéo dài thời gian gặp gỡ bên nhau với bao câu chuyện tưởng chừng như không bao giờ dứt.

Buổi tối, như dự định ban đầu, chúng tôi sẽ giành cho người bạn người đồng nghiệp, người song ca cùng Kiều Hưng để tạo nên những bản thu huyền thoại: NSND Thanh Huyền. Sáu năm rồi họ không gặp nhau nên khi tôi dẫn Kiều Hưng lên căn penthouse rộng 1200 mét vuông trên tằng 30 một chung cư cao cấp mà Thanh Huyền đang ở cùng con gái, bà hết sức bất ngờ. Cứ nhìn cái cách cả Kiều Hưng lẫn Thanh Huyền nói chuyện to nhỏ với nhau, cả sự trân trọng lẫn nhau suốt bao nhiêu năm qua và cả ở lần gặp gỡ này, chúng ta sẽ hiểu giữa họ là tình bạn, tình đồng nghiệp hiếm có. Đây Thanh Huyền và Kiều Hưng, bằng xương bằng thịt, là đồng nghiệp cùng Nhà hát CMNVN, hai tính cách tương đồng không thể ngờ, cùng vô tư, sắc sảo, mà hiền hậu, luôn tránh xa những thị phi. Buổi gặp gỡ giữa hai gia đình nghệ sĩ càng thú vị khi bữa tối được dọn ra, trong ánh điện vừa phải, ánh hoàng hôn cuối ngày vẫn chưa tắt, mùa xuân như vẫn còn vương trên nóc những tòa nhà cao tầng ngoài kia. Âm thanh của Rặng Trâm Bầu lại được bật lên phảng phất, vừa đủ nghe. Thật là một không khí ngày xuân đầy kỳ ảo như thực như mơ mà dù chỉ được tham gia một lần cũng sẽ khiến người ta nhớ mãi.

Đôi bạn già Kiều Hưng – Thanh Huyền tâm tình sau 6 năm không gặp

Ts Nguyễn Thanh, con trai cả của bà Thanh Huyền lại chuẩn bị va ly để lên đường sang Hàn Quốc đoàn tụ với vợ do vợ anh làm cán bộ ngoại giao của CHLB Đức. Bao năm qua vẫn vậy, anh vẫn đi khắp thế giới cùng vợ nhưng đích về luôn luôn là Việt Nam, bên người mẹ kính yêu của mình, đồng thời kết hợp giảng dạy ở trường sân khấu điện ảnh. Ở bên bà hàng ngày chỉ còn cô con gái út là ca sĩ Thanh Hằng nên nay cũng chuyển việc dạy dỗ sinh viên về nhà. Chúng tôi gặp nhau lần này không phải lần đầu. Hơn chục năm trước, khi bà Thanh Huyền còn ở khu văn công Nghĩa Đô, tôi và cô chú Kiều Hưng đã tới thăm vài lần. Cũng giống như các cụ nhanh chóng thân thiết với nhau, chúng tôi cũng mau chóng quen biết và trở nên thân thiết rất nhanh chóng.

Các cụ và con cháu. Từ trái qua, hàng đầu: Thanh Huyền, Kiều Hưng, bà Việt Bắc (vợ Kiều Hưng). Hàng sau: Ts Nguyễn Thanh (đạo diễn điện ảnh), ca sĩ Thanh Hằng, Ts Dương VĐH (chuyên gia ngành dầu khí).

Cuộc gặp gỡ nào cũng phải đến lúc kết thúc. Chùng như linh cảm được sự khó khăn của lần gặp gỡ sau, cả Kiều Hưng và Thanh Huyền đều bịn rịn chia tay. Cả hai cụ đều cao tuổi rồi. Thanh Huyền năm nay là 83 còn Kiều Hưng thì đã 88. Mấy hôm nữa ông lại trở về Đức. Có lẽ rất khó có lần nữa ông về nước ăn tết. Biết làm sao được. Từ “Rặng Trâm Bầu” réo rắt xoáy vào tâm can người nghe hơn 50 năm trước, đến nay đất nước đã bước sang trang mới với những phát triển mạnh mẽ về mọi mặt trong đời sống xã hội. Có lẽ cũng không còn bao nhiêu người còn nhớ đến “Rặng Trâm Bầu”… !

Hà Nội, tháng 3 năm 2024

Dương VĐH


Cùng chuyên mục

Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Nghệ An – Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Nghệ An – Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình