Chắc chắn là thế, bất cứ ai, thì ít nhất trong cuộc đời cũng có những lần tâm trạng xốn xang, xao xuyến và thổn thức, mỗi khi nghe tiếng còi “tu tu” rền vang của đoàn tàu hoả. Nhất là thế hệ 6x, 7x và 8x thì nhất định không thể nào quên những kỉ niệm này nơi sân ga, trên đoàn tàu…
Đoàn tàu mang ký hiệu SE trên sân ga Yên Trung
Bởi khi các phương tiện giao thông vận tải hành khách chưa phát triển thì đi tàu hoả vẫn là phổ thông và tối ưu nhất, an toàn nhất. Cứ mỗi lần đi học, hay đến kì nghỉ hè, hay nghỉ tết, ra đến sân ga nghe tiếng còi tàu “tu tu” lại bồi hồi, dâng trào nhiều cảm xúc… Tôi cũng thế, tuổi thơ gắn với tiếng hú còi tàu, đến khi đi công tác cũng gắn với những đoàn tàu hoả chở khách, chở hàng. Nên chuyến khởi hành đầu xuân Giáp Thìn 2024 năm nay, tôi quyết định cất “con thiết giáp 7 chỗ” ở nhà để chọn cho mình một hành trình tàu hoả mang ký hiệu SE xuôi Nam, ngược Bắc, cũng là vừa để trải nghiệm, vừa để an toàn và có những kỉ niệm đẹp đầu Xuân với những đoàn tàu trên tuyến Bắc – Nam thân quen!
Gặp gỡ, trao đổi cùng Trưởng tàu khách Lê Ngọc Huấn và nhân viên Trạm Hà Nội trên đoàn tàu SE1 ngày 21.2.2024.
Đã bước sang tiết Rằm tháng Giêng, tối 21/2/2024 từ Giảng Võ đi ra ga Hà Nội. Tới ga đã thấy Trưởng tàu SE1 Lê Ngọc Huấn đang đi kiểm tra công tác đón khách tại các toa tàu. Hành khách khá đông, các nhóm khách người Châu Âu cười nói rôm rả trên sân ga rồi từng tốp xếp hàng lên tàu. Khi Trưởng tàu khách Lê Ngọc Huấn và Trưởng tàu an ninh Trần Hữu Quí đang trao đổi với nhau, lại gần thấy Huấn hỏi anh Quí: “Đến giờ chạy chưa?”. Mắt Quí chăm chăm nhìn đồng hồ, tay phải cầm còi, trả lời: “Còn 1 phút nữa”. Tôi bước lên tàu những vẫn ngoái nhìn quan sát từ đầu đoàn tàu đến cuối. Khi đồng hồ trên tay chỉ đúng 22 giờ 10 phút Quí phất cờ và thổi một hồi còi, chiếc còi nhỏ kêu “toe… toe toe”… Phía đầu đoàn tàu tất cả các đèn tín hiệu chuyển màu xanh và đầu máy rúc lên một hồi còi dài “tu tu” rền vang, tàu từ lăn bánh…
Các toa hành khách trên tàu SE1 ngày 21/2/2024 sạch bóng, khang trang
Khi đoàn tàu SE1 xuất phát, dưới sân ga vắng vẻ. Chợt nghĩ, nếu ngành đường sắt bố trí cho các bộ phận làm việc tại mặt đất như trực ban, soát vé, thông tin, khách vận… cũng học tập kinh nghiệm từ Hàng hải hay Hàng không thì hay biết bao(?!). Với hàng hải, mỗi khi có chuyến tàu xuất phát ra khơi, tất cả các cán bộ chiến sĩ và công nhân viên làm việc tại bến cảng mặc trang phục gọn gàng đều đứng xếp hàng giơ tay chào đoàn tàu nhìn rất tình nghĩa và thân thiện, động tác chào như một lời chúc cho con tàu “Thượng lộ bình an”. Hành khách trên tàu vừa yên tâm, vừa yêu quí tình cảm đẹp đó. Những cán bộ công nhân viên trên con tàu đều được khích lệ để làm việc với quyết tâm và trách nhiệm rất cao trên một hải trình…
Khu bồn rửa trên tàu SE rất sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh cho hành khách
Với đường sắt thì mỗi ngày có nhiều chuyến tàu hoả chở khách ra vào sân ga, những tuyến chạy gần như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quảng Ninh có lẽ không cần thiết “phải chào”. Nhưng riêng đoàn tàu SE luôn đỗ ở đường sắt số 1 nếu tất cả các bộ phận mặt đất mặc trang phục đường sắt chào tiễn đoàn tàu thì sẽ là hình ảnh quá đẹp! Đường sắt số 1 lại liền với nhà ga, cũng là bề nổi của ngành đường sắt – lúc ấy, bạn bè quốc tế thêm yêu Đường sắt Việt Nam rất nhiều.
Khách nước ngoài hài lòng và yêu thích Đường sắt Việt Nam trên chuyến tàu SE1 ngày 21/2/2024.
Gặp gỡ, trao đổi với Trưởng tàu khách Lê Ngọc Huấn đôi chút về Tổ tàu, sau đó tôi dành thời gian quan sát chuyến tàu đầu xuân. Thật vui và hài lòng, các toa tàu SE1 hôm đó rất sạch sẽ, từ buồng vệ sinh đến khu rửa tay đều được vệ sinh rất cẩn trọng. Những khoang hành khách ngăn nắp, giường đệm gọn gàng như buồng ngủ của khách sạn mi-ni, trên mỗi bàn nhỏ còn có lọ hoa tươi thắm làm cho không gian phòng khách thêm lãng mạn…
Nhân viên Nguyễn Văn Hậu tận tình hướng dẫn cho khách nước ngoài trên tàu SE1 ngày 21/2/2024
Tại toa số 10 của tiếp viên Nguyễn Văn Hậu phụ trách có các hành khách người Châu Âu hát vang vui vẻ. Tôi hỏi bập bõm: “Đường sắt Việt Nam có thích không?”. Cả nhóm khách Tây giơ tay “Yes… favourite” rồi hô: “zê, zê” vang cả toa tàu, rồi các bạn cùng lôi tôi vào hoà nhập với cuộc vui đầy phấn khích. Tôi giơ máy ảnh lên các bạn rất hào hứng cười tươi trước ống kính.
Trường tàu an ninh Trần Hữu Quí chăm chú làm việc trên từng khu gian
Ở đầu toa tàu, Trưởng tàu an ninh Trần Hữu Quí chăm chú theo dõi, ghi ghi, chép chép trên từng khu gian. Tôi lại gần vỗ nhẹ vào người Quí nhìn lên cười thật vô tư… Vài câu hỏi thăm tiếp viên Nguyễn Văn Hậu, anh cho biết quê ở Việt Trì, trước đây làm công nhân hoá chất sau chuyển sang đường sắt, mới đi tuyến Bắc – Nam được 7 năm và anh rất hài lòng, muốn gắn bó với Tổ tàu SE1 này thật lâu dài…
Buồng khách Toa số 11 của đoàn tàu SE10 ngày 23/2/2024 trang trí đẹp như một phòng khách
Ga Yên Trung thuộc Hà Tĩnh đêm Rằm tháng Giêng, tối 23/2/2024, đoàn tàu SE10 tới sân ga vừa đúng giờ theo lịch trình. Tôi lặng lẽ bước lên toa tàu số 11, ấn tượng đầu tiên là thái độ niềm nở của nhân viên phụ trách toa có đeo biển tên là Đinh Thị Vượng, chị nhiệt tình hướng dẫn tôi vào buồng có các số giường 13, 14,15,16. Đúng là một toa tàu lý tưởng. Khoang khách trang trí quá đẹp, chăn ga sạch sẽ thơm tho. Lặng lẽ quan sát tiếp viên toa tàu, tôi thấy Vượng sau khi đón khách xong chị ra phía đầu toa, lấy gì đó đeo vào tay mình, khi đi qua cửa buồng tôi phát hiện hoá ra chị đeo găng tay ni-lông và cầm theo chai xịt rửa, lặng lẽ theo sau thấy Vượng ra bồn rửa tay xịt rửa chậu và lau kính sạch sẽ.
Tiếp viên Đinh Thị Vượng thường xuyên lau chùi, vệ sinh bồn rửa tay và khu vệ sinh để phục vụ hành khách trên tàu SE10
Rút máy ảnh “chụp trộm” vài kiểu, sau tôi hỏi: “Chậu rửa, nhà vệ sinh sạch thế mà em vẫn lau chùi à?”. Lúc ấy biết tôi phía sau, Vượng nói: “Công việc thường xuyên anh ạ, cứ đến các ga đỗ tàu chạy lại phải vệ sinh cho sạch sẽ để khách yên tâm anh ạ”. Nhìn xuống góc nơi bồn rửa tay, một hộp cat-tol để gọn gàng cho hành khách bỏ rác… Tôi thấy vui vui khi chuyến tàu đầu xuân gọn gàng, sạch sẽ và nề nếp. Đường sắt bây giờ đã thay đổi và cung cách phục vụ đã tốt và khác xưa rất nhiều.
Công tác phục vụ hành khách của ngành Đường sắt bây giờ đã khác trước rất nhiều
Trưởng tàu khách SE10 hôm ấy là Nguyễn Công Thiên, cũng lặng lẽ quan sát tổ tàu này khi đoàn tàu đến ga Vinh và xuất phát rời ga Vinh. Công Thiên một mình đi dọc đoàn tàu kiểm tra từng toa khách, đến các buồng khách đã ngủ nhưng cửa chưa đóng anh lặng lẽ đóng cửa lại cho khách yên giấc. Thấy tất cả các toa đều đã yên lặng Thiên đi nhẹ về phía toa phiên vụ của tổ tàu… Tôi lặng lẽ đi theo Thiên với ý định chụp lấy kiểu ảnh chân dung về anh nhưng không thành. Còn đề nghị Thiên để xin chụp một kiểu ảnh thì tôi không muốn, bởi không thích cho tổ tàu biết có một nhà báo đang đi trên đoàn tàu SE để thực hiện một phóng sự nho nhỏ này trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn!
Phóng sự của: GIÀNG NHẢ TRẦN