ĐỐC LÝ TRẦN VĂN LAI TRONG TIỂU THUYẾT “HÀ NỘI MÙA NẮNG HANH VÀNG” CỦA NGUYỄN THANH TÙNG

18:28 | 23/02/2024

“Hà Nội mùa nắng hanh vàng”có hơn 300 trang, khổ 16x24cm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 4, năm 2023. Sau những “Dư chấn”, “Đêm một đời”, “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe”, thì đây là cuốn tiểu thuyết thứ 4 – một thành công mới của cây bút vốn là cựu chiến binh thời chống Mĩ – biên đạo múa Nguyễn Thanh Tùng.

Trừ “Phần mở đầu” và “Vĩ thanh”, còn trải suốt 24 chương sách, người đọc thấy thời gian như dồn nén lại, chất chứa biết bao nhiêu những chi tiết, sự kiện trong chặng đường đời của một con người chứa một phần lịch sử. Con người ấy, cũng góp phần làm nên những giá trị lịch sử lớn lao, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nên càng rất đáng tôn vinh. Nhưng ông vẫn còn ít được nhắc nhớ, hoặc số người biết tỏ tường chưa thật nhiều – dù tên ông được đặt tên cho một con phố ở Hà Nội bây giờ. Đó chính là cuộc đời của ông Đốc lý / Thị trưởng Thành phố Hà Nội Trần Văn Lai.

Bác sỹ Trần Văn Lai (1894-1975) xuất thân từ một gia đình làm nghề khảm trai truyền thống ở Hà Nội. Nhưng ông theo học ngành y, trở thành bác sỹ nổi tiếng trong nhà thương Phủ Doãn (bệnh viện Việt Đức ngày nay), cũng là người hảo tâm, tế bần. Dân nghèo Hà Nội nhiều năm từng coi ngôi nhà của ông ở ngõ Tức Mặc (gần ga Hàng Cỏ) là địa chỉ tin cậy để khám bệnh và xin thuốc miễn phí.


Bác sỹ Trần Văn Lai (1894-1975)

Ông quảng giao, có uy tín, tham gia nhiều hoạt động xã hội, làm Phó Hội trưởng Hội Tế sinh; được bầu vào Viên Dân biểu năm 1938, nhưng từ chối công tác, do nhận thấy tính chất bù nhìn của cái ‘viện gật” trong đất nước nô lệ. Ông tham gia Đảng Xã hội Việt Nam, có tiếng là người yêu lịch sử, yêu nước và bài Pháp, “sống kín đáo, điềm đạm và nhân hậu”; từng bị chính quyền Pháp bắt giam cuối năm 1943 tại nhà tù Hỏa Lò, đày lên Sơn La, đến đầu năm 1945 mới được thả…

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, công bố trao quyền độc lập (giả hiệu) cho An Nam. Được sự đồng ý của Nhật, triều đình Huế đổi tên chính thể thành Đế quốc Việt Nam, thành lập Chính phủ do học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) làm Thủ tướng, bổ nhiệm Khâm sai đại thần Phan Kế Toại trông coi công việc tại Bắc Bộ, cùng một số trí thức và chính khách làm Đốc lí / Thị trưởng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tháng 7 / 1945, bác sỹ Trần Văn Lai chính thức đảm nhiệm chức Thị trưởng Thành phố Hà Nội. Trên thực tế, vị Thị trưởng lúc ấy ở vào tuổi 51 (là vị Đốc lý / Thị trưởng thứ 50 và là người Việt Nam duy nhất nhận chức vụ này ở Hà Nội, kể từ 1885 – 1945), chỉ tại nhiệm có 1 tháng trời ngắn ngủi. Nhưng chạy đua với thời gian, ông cùng các cộng sự đã làm được những việc có thể coi như kì tích…

Cách mạng tháng Tám thành công, Đế quốc Việt Nam sụp đổ, rồi Hà Nội tiêu thổ, cùng cả nước bước vào cuộc trường chinh kháng chiến gian lao và anh dũng chống thực dân Pháp, ông vẫn giữ vững lập trường yêu nước, khước từ mọi dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo từ phía kẻ thù. Ông tin tưởng và ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh: cho người con trai duy nhất đi theo kháng chiến, trở thành bác sỹ quân y – GS.TS đầu ngành về tiết niệu; góp ý và là người đầu tiên kí vào Bản kiến nghị đòi hòa bình cho dân tộc Việt Nam, tạo tiếng vang lớn trên mặt trận ngoại giao. Ông là 1 trong 4 nhân sỹ Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng radio, được cử  làm Ủy viên Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội khóa II, III; đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội liên tục từ khóa I đến khóa V. Ở cương vị nào, ông cũng nêu cao tấm gương của một trí thức nhân sỹ yêu nước, một “công bộc” tận tụy với Nhân dân, thật sự chí công-liêm chính, để lại danh thơm và được hậu thế tôn kính.

Để hình tượng hóa một phần đời và sự nghiệp khá phong phú ấy thành nhân vật văn học sống động, thật như con người thật ngoài đời, Nguyễn Thanh Tùng đã có bút phát và thủ pháp nghệ thuật khắc họa thích hợp. Nhà văn xây dựng Trần Văn Lai trở thành nhân vật chính, nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết, đan xen nhiều mối quan hệ, chất chồng những công việc, trong khoảng thời gian vừa ngặt nghèo vừa cấp bách.

Ông trở thành nhân vật lịch sử, không phải như một báo cáo lai lịch, một chuyện kể thuần túy về sự nghiệp (dù có nhiều đóng góp, cống hiến). Nhà văn chọn lối trần thuật không theo tuyến tính, mà thường chọn lối đồng hiện, khiến cho cốt truyện vừa không nhàm chán, vừa mở ra nhiều tầm hướng, đề cập được nhiều mối quan hệ rộng và sâu, cắt nghĩa được nhiều phát ngôn, ý tưởng, cảm xúc và hành động của nhân vật. Bởi vì như đã nói, ánh chớp – tia hào quang chói ngời của Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai, với bao nhiêu việc làm rất có ý nghĩa, như một thứ di sản cho mai sau, chỉ dồn đi bỏ lại trong một tháng trời tại nhiệm.

Lấy ví dụ, một trong những việc làm đầu tiên, tưởng như nhỏ thôi, nhưng cực kì khó khăn và to lớn của chức phận Đốc lý Hà Nội, là bài trừ thuốc phiện, rượu cồn: “Là một bác sỹ tôi biết: sinh ra con người thì dễ, để được làm một con người, dưới chế độ thực dân bảo hộ…Hừ…Thầy kí có biết mỗi năm người Pháp chuyển vào Việt Nam bao nhiêu tấn thuốc phiện không?Đó là một thứ vũ khí lợi hại nhất tiêu diệt nhuệ khí của thanh niên, đưa thanh niên vào con đường tự hủy diệt(…), người Việt Nam ta tự triệt tiêu theo thời gian cũng vì rượu và ancol đấy Thầy kí ạ”. Không cần bình luận về nỗi đau và đánh giá về tính chuẩn xác khoa học của lời nói trên, nếu ta đem so sánh với cáo trạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong “Tuyên ngôn Độc lập”: “Chúng dùng thuộc phiện, rượu cồn làm cho nòi giống ta suy nhược”. Cũng vì xuất thân là bác sỹ, nên ông Đổng lý biết rõ hơn ai hết “dịch đói”(như lời tâm sự về việc viết “Vợ nhặt” của Kim Lân), với ngổn ngang những cái thây nằm la liệt nơi góc phố đầu thôn, nơi đường quan, chợ huyện, có quan hệ thế nào tới dịch bệnh: “Đói khát bao giờ cũng kéo theo dịch bệnh”. Ông ra lệnh; “Không thể chậm hơn được rồi – giọng ông bỗng trầm lại nhưng rành rẽ: Mười ngày! Đó là thời gian tôi giao việc cho Thầy. Thầy biết rồi đấy. Hôm nay đã là hai mươi mốt tháng bảy rồi”(năm 1945). Chỉ có 10 ngày để toàn Hà Nội chấm dứt tình trạng rất bất ổn: “thu gom xác chết, chôn cất kĩ càng, chặt chẽ đề phòng dịch bệnh phát sinh” và huy động mọi nguồn lực để cứu đói, kể cả việc nấu cháo phát chẩn hàng ngày: “Là người đứng đầu tỉnh, chẳng có gì buồn hơn, nghiêm lệnh đầu tiên của tôi là lệnh cứu đói. Cứu những đồng bào thiện lương vô tội của tôi”. Lại còn phải kể tới, các tổ chức, đoàn thể, phe phái mọc lên như nấm sau mưa. Họ lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan mà trục lợi, quấy nhiễu. Phải nhân nhượng, dung hòa họ thế nào, trấn áp ra sao, hạn chế tối đa những ác nhân thất đức của các đảng phái, phe nhóm và mưu mô tàn độc của quân thù đối với Việt Minh. Tất cả  nhằm bảo toàn đại cuộc và có ý đón đợi một bình minh đang hừng lên ở phía chân trời…Lại còn chọn người đứng đầu các công sở, lo công việc thường nhật của đô thành sao cho hài hòa giữa các đảng phái, không phân biệt đảng phái, nhưng phải thật sự là “công bộc” có tài và mẫn cán: “Tôi cần có nhiều người tài đức cộng tác và ủng hộ”. Công việc này cũng cấp bách, vì chắc ông Đốc lý cũng tâm niệm như vua Bảo Đại khi ấy: “Nay có cơ hội tuy chưa được độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra là đủ tư cách để độc lập. Nếu không(…)người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta”.(1)  Chính trị luôn nhạy cảm và lịch sử khi ấy biến động vô cùng khẩn trương. Một ngày bằng hàng chục năm lịch sử trước đó. Những đám mây trái dấu trên bầu trời chính trị đang xích lại gần nhau, “trời chớp giật, tất có ngày sét đánh”. Mọi ý tưởng và hành động lúc này của ngài Đốc lý cần được chuyển thành nghị lực và tâm huyết của thuộc cấp, của những kẻ tâm phúc và trùng hợp với ý nguyện của Nhân dân. Chất chồng công việc như gánh nặng ngàn cân và vô vàn hệ lụy đè trên vai và cũng có lúc như níu chân kẻ sĩ “Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu / Hậu thiên hạ chi lạc, nhi lạc”(lo trước nỗi lo thiên hạ / vui sau niềm vui thiên hạ).

Chỉ có thể giải thích mọi chủ trương nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời, đúng đắn và hữu ích ấy của Đốc lý bằng thủ pháp đồng hiện của nhà văn, qua việc tái hiện truyền thống giáo dục gia đình, qua những mối quan hệ xã hội, đức tính khiêm cung mà đầy bản lĩnh và kể cả những mối lương duyên cảm tình với những nhà cách mạng, những cán bộ Việt Minh chân chính, mà ông Trần Văn Lai có may mắn được tiếp xúc trong thời gian bị nhà cầm quyền Pháp bắt giữ và đày đọa lên tận Sơn La…Cứ như, mọi chủ trương, giải pháp của ngài Đốc lý được bàn thảo, thu tiếp tinh hoa từ nhiều nguồn lực, vốn liếng, rồi chung đúc, “thai nghén” tự bao giờ. Nhờ thế khi thời cơ tới, tuy gấp gáp khẩn trương trong có một tháng trời, nhưng mỗi suy tư và hành xử của nhân vật chính, cứ rộng mở dần ra, rất bài bản, chỉn chu, được cắt nghĩa rất có căn cứ và thuyết phục. Nhân vật nhờ thế trở nên có chiều cao về tầm vóc và chiều sâu về tâm lý tính cách.

Đã gọi là tiểu thuyết (văn sáng tác nói chung) là phải có hư cấu. Nhưng tuyệt đối không thể làm sai lệch, tổn hại đến những giá trị chung của nguyên mẫu lịch sử, tính chân thực lịch sử. Nhất là không gán ghép, nói quá sự thật. Dường như Thanh Tùng rất tôn trọng nguyên tắc ấy  và có diễn tả thêm những cảm nhận về không gian thiên nhiên vào những hoàn cảnh nào đó cho phù hợp với diễn biến tâm trạng và cảnh huống của nhân vật. Bằng sự hiểu biết cặn kẽ, chính xác về lịch sử – xã hội, về gia thế và các mối quan hệ – nhất là mối quan hệ với những người tâm phúc, nhà văn đã tạo nên một không gian-môi trường sống rất có ý nghĩa. Để rồi trên cái nền, cái “phông” chân thực lịch sử ấy, nhân vật được tái hiện sống động về tính cách và những cống hiến, đóng góp. Có thể nói, lần đầu tiên bằng ngôn ngữ nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Thanh Tùng đã khắc họa vào không gian và thời gian một nhân vật lịch sử giai đoạn cận kề cuộc cách mạng tháng Tám lở đất long trời  – một người có tinh thần yêu nước, tôn vinh những giá trị lịch sử – văn hóa và muốn khởi đầu bằng những giá trị ấy để canh tân nước Việt. Bấy nhiêu tâm huyết, Đốc lý Trần Văn Lai dồn vào cho Hà Nội, với biết bao kì vọng.

Trong cuốn tiểu thuyết, không ít lần nhà văn để cho những nhân vật như Thầy kí Thiện, bà Phượng và vài nhân vật tâm phúc khác bày tỏ cảm xúc về ánh đèn thâu đêm trên phòng ông Đốc lý và bữa ăn đạm bạc, uể oải của ông sau những lần mệt mỏi. Những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đi thực địa, dự hội nghị thường xuyên đã tiêu tốn khá nhiều thời gian, nhưng bao giờ ông Đốc lý cũng mẫn tiệp, bài bản, chi tiết, chặt chẽ và tâm huyết; khẩn trương mà đĩnh đạc; nồng nhiệt đến sôi trào từ trong tâm can khi chỉ đạo công việc. Ông xem đây là cơ hội ngàn năm có một, để “Thoái Pháp – Thoát Trung”, làm một cuộc cách mạng văn hóa; từ văn hóa để khởi đầu công cuộc tái thiết lại non sông, mà trước hết bắt đầu từ Hà Nội.Ông không muốn Hà Nội xảy ra chiến tranh, người dân phải đầu rơi máu chảy; nhưng Hà Nội phải thay đổi, phải tìm lại những giá trị gốc rễ, khẳng định và khai mở để lan tỏa rộng và sâu hơn những căn cốt về đạo đức nhân cách, cùng hành vi ứng xử đúng phầm cấp và thật chính hiệu con người đất Tràng An. Cái đoạn ông Đốc lý luận bàn về tố chất phẩm giá nhân cách con người Tràng An, nghe sao mà thấm ngấm, “tâm phục khẩu phục”. Những câu chữ như thế, trong văn chương đương đại, không nhiều. Nó thật sự cần thiết biết bao để gây dựng lại những chuẩn mực cốt lõi về đạo đức-văn hóa cho Hà Nội hiện nay…

Theo ông Đốc lý: “Để được thành người Tràng An, người ngụ cư Hà Nội phải thực sự cầu tiến, tu chỉnh mình một lòng một dạ kiên định và ý thức rất mạnh mẽ, mới thấm nhuần được đạo lý đạo đức chuẩn mực thấm đẫm những giá trị cao vợi, mới có thể Sống như thế-Chơi như thế và Lao động Sáng tạo như thế”. Người Tràng An, “dù là lao động lực điền, hay trí thức danh tiếng, nhất cử nhất động phải nói đến một sự thật đó là chữ Tín, chữ Tín trong đối nhân xử thế mới làm nên một con người thị dân đĩnh đạc và thâm thúy sâu sắc”.

Nhận thức về Hà Nội như thế, cho nên ông Đốc lý chạy đua với thời gian, vượt qua muôn vàn gian khó, thiếu thốn; chớp lấy thời cơ mà hành động, với kì vọng mang lại cho Hà Nội   những thay đổi lớn lao, trả lại cho mảnh đất từng là kinh kì những giá trị văn hiến, từng là bộ mặt của quốc gia và nay sẽ là “Thủ đô của Đế Quốc Việt Nam Độc lập – Tự chủ”(như câu nói dõng dạc và khẳng khái của ông Đốc lý, trước những lời và hành vi đe dọa của viên Đại úy hiến binh Nhật).

Việc đầu tiên là “thủ tiêu tàn dư văn hóa nô dịch, xóa bỏ chế độ bảo hộ của thực dân Pháp bằng ba hình thức. Thứ nhất là phá dỡ toàn bộ tượng đài tôn vinh chế độ thực dân bảo hộ. Thứ hai là lấy lại tên phố cũ ba mươi sáu phố phường mang tên Hàng, trong khu phố làng nghề Kẻ Chợ(…).Thứ ba là thay mới toàn bộ tên đường phố hiện nay đang mang tên chính khách và danh nhân của Pháp. Thay biển mới mang tên những vị tiên đế và danh nhân cùng các vị anh hùng tiên liệt của nước Nam”. Ngay khi đó, có người đã tỏ ra hoài nghi về chủ trương và giải pháp trên đây. Một Đốc lý không tấc sắt trong tay, ngân khố rỗng, mới nhậm chức được một tuần, nhân sự chưa được kiện toàn, người chết đói như ngả rạ, đảng phái phe nhóm quấy đảo…, thì liệu đi đến đâu. Có khác gì múa kích một mình giữa sa mạc! Nhưng thật kì tài và kì diệu. Những chủ trương và giải pháp trong công cuộc lớn lao này đã được ông nghiền ngẫm, ấp ủ từ lâu trong tâm trí. Nó rành rẽ, bài bản; lại được sự đồng thuận của Hội nghị các nghị viên, đại diện công chức, giáo chức, một số đảng phái, kể cả những người được xem là người của Việt Minh, “Việt Minh thì sao chứ. Việt Minh cũng là người Việt Nam ta. Tôi chống thực dân Pháp cai trị hà khắc, bần cùng hóa nhân dân ta. Tôi xóa bỏ tàn tích tàn dư của chế độ thực dân bảo hộ. Ai ủng hộ, chia sẻ , đồng lòng đồng ý cùng tôi chống Pháp tôi sẵn sàng bắt tay”. Điều đó cho thấy ông Trần Văn Lai có niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, chạm đến được nơi sâu thẳm trong tâm hồn và trí óc người Hà Nội, khơi dậy được “tinh thần TỰ TIN – TỰ CHỦ, tạo nên bầu không khí Tự tôn dân tộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có được như vậy, cuộc tái thiết đất nước sẽ thuận lợi ngay khi cuộc chiến tranh thế giới kết thúc”. Trong tâm niệm lấy dân làm gốc, ông Đốc lý còn lưu ý các thuộc cấp quan tâm tới sức mạnh tinh thần, thúc đẩy lòng nghĩa hiệp của thanh niên, xác định trách nhiệm, khích lệ nhiệt huyết, nâng cao lòng yêu nước “cũng là để tự giải phóng mình khỏibao năm nay ôm nối oán giận cam tâm chịu lụy kiếp nô bần”.

Chính vì biết dựa vào nhân dân, “Lấy dân làm chủ thể. Hướng mọi mục đích vì dân”, khơi dậy sức mạnh tinh thần quật khởi của họ, cho nên công việc phức tạp như đổi biển tên đường phố, vườn hoa; công việc nặng nề như giật đổ và thu dọn những tượng đài tôn vinh thực dân đều đồng khởi chóng vánh mà thành công mĩ mãn. Có công việc huy động sức mạnh của muôn người, chỉ diễn ra trên dưới một ngày; đúng là “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”(Nguyễn Trãi).

Ở đây, tưởng nên nói thêm đôi điều để thấy hết tâm sức đóng góp và ý nghĩa lớn lao việc làm của ông Đốc lý. Theo một bài viết trên Tạp chí “Người Hà Nội”, ra ngày 19/6/2022 thì, báo Tin mới ngày 31/7/1945 khi ấy đưa tin: Hội đồng đã hoàn thành danh sách lấy các  danh nhân và liệt sỹ để đặt tên đường phố, vườn hoa…và được chia thành 11 cụm: cụm truyền thuyết – cổ đại; cụm chống Bắc thuộc; cụm đầu thời tự chủ, độc lập; cụm nhà Trần; cụm khởi nghĩa chống giặc Minh; cụm nhà Lê; cụm Tây Sơn; cụm chống Pháp thời Nguyễn – Cần vương; cụm bạo động chống Pháp; cụm Trí thức Ái quốc; cụm Văn hóa giáo dục. Đó là cách làm vừa theo dòng thời gian, vừa đảm bảo khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tính khoa học, khiến cho tên phố tên đường Hà Nội quy củ, không xáo trộn lộn xộn. Nhiều đường phố thời ấy, đến nay vẫn không thay đổi. Nhiều tên phố mới-đường mới cũng noi theo cách ấy mà mở ra và đặt tên. Đặc biệt thú vị, trong các vườn hoa Hà Nội được đổi tên có vườn hoa Ba Đình. Đây vốn là tên một cuộc khởi nghĩa ngoan cường và đẫm máu chống Pháp do Đinh Công Tráng và Phạm Bành chỉ huy, trải trong 2 năm(1886-1887), ở xứ Thanh. Sau khi Pháp thôn tính hoàn toàn nước ta, cái tên này gần như bị lãng quên. Nay theo quyết định của ông Đốc lý, nó được lấy lại, thay tên cho vườn hoa Puginier (tên vị linh mục có công với người Pháp đánh chiếm thành Hà Nội). Và không ngờ, vườn hoa mang tên Ba Đình ấy trở thành địa điểm lịch sử, nơi diễn ra lễ Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Song song với công việc đổi tên đường phố, vườn hoa, dọn dẹp các tượng đài sặc mùi thực dân, ông Đốc lý còn có một quyết định lớn lao nữa là dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính và tiến tới biên soạn sách giáo khoa dùng chung cho các cấp học, bằng tiếng Việt, theo đúng tinh thần của Chính phủ và tâm huyết của những nhà khoa học chân chính, như Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn lúc bấy giờ. Đây là sự tiếp nối và còn hơn thế nữa trong việc hiện thực hóa ước mơ của các bậc tiền bối phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Ông Đốc lý nhận thấy “Nhờ có chữ Quốc ngữ mà tư duy, trí tuệ của dân ta được thoát xác, mở mang vượt xa cả mấy nghìn năm trước(…)Chúng ta nhất định sẽ hoàn thiện tiếng nói và chữ viết để giải phóng bản thân, tôn vinh dân tộc, đồng thời chấn hưng đất nước”.

Ông nghiêm sắc mặt như ban lệnh cho viên Thư kí Tòa Thị chính mẫn cán và trung thành – một mệnh lệnh hoàn toàn trong quyền hạn của ông: “Từ ngày mai, tất cả các văn bản trong hệ thống chính quyền và văn bằng chứng chỉ cùng mọi chứng từ trong giao dịch kinh doanh mua bán trên toàn thành phố chỉ được dùng bằng Việt ngữ, chính là chữ Quốc ngữ, mới có tính pháp lý”. Cũng như thế, nội dung giảng dạy trong trường phổ thông năm học tới phải dùng tiếng Việt.

Trong cuộc họp với dân biểu, đại diện giáo giới, hiệu trưởng các nhà trường trên địa bàn Hà Nội, với đôi mắt sáng, khuôn mặt đôn hậu, chòm râu thưa mà đẹp, giọng nói khi trầm ấm, điềm đạm; khi sôi nổi mà vẫn đĩnh đạc, ông Đốc lý như có cơ hội dốc cả tâm can. Tôi đọc đi đọc lại, suốt từ trang 220 đến hết trang 226, thấy sao mà cảm động và thấm thía những điều ông luận bàn về chương trình, sách giáo khoa và tiếng Việt. Ông đau về việc loạn sách cho con em ở mỗi tỉnh, mỗi trường. Ông ao ước “thống nhất một bộ sách Giáo khoa Quốc ngữ dùng chung cho từng cấp học”; ông muốn minh định ngôn ngữ và văn phong chuẩn mực nhất cho sách giao khoa, và ông nói: “Điều quan trọng nhất xin các quý vị lưu ý: Nội dung sách giáo khoa phải sử dụng lâu dài(…)Các quý vị đang làm một cuộc Cách mạng Giáo dục(…)thay nền giáo dục thực dân bảo hộ và xóa bỏ lối giáo dưỡng giáo điều Nho giáo bảo thủ phong kiến lạc hậu(…)Làm sách giáo khoa Quốc ngữ không chỉ để dạy chữ…còn mang một ý nghĩ lớn lao…chính là giải phóng tinh thần cho môn sinh hậu thế của chúng ta, mang một tinh thần Tự trọng-Tự tôn-Tự lập-Tự cường của một dân tộc có lịch sử nghìn năm văn hiến văn minh”. Sau đó tiếng vỗ tay rền lên như sấm dậy. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn thấy bao ý nghĩa, cùng giá trị trị thời sự trong mỗi câu chữ…

Những câu nói, những việc làm của ông Đốc lý cho Hà Nội trong vòng một tháng trời “cầm quyền”, như thế đã là vô cùng nhiều và to lớn. Có những việc ông Đốc lý đã hoàn tất, có những việc còn dang dở giữa ánh sáng rực vàng / hanh vàng của những ngày đầu thu năm 1945 lịch sử. Lịch sử đã ghi công tích của ông với tư cách một quan chức cao cấp của chính phủ cũ, trước khi chuyển tiếp cho chính phủ mới của một chính thể mới. Những tâm huyết và thành quả của ông là tiền đề hữu ích cho cách mạng, cho Hà Nội sang trang. Nhân vật được khắc họa trong chiều dài hơn 300 trang sách khổ lớn, với chồng chéo đan xen bao mối quan hệ cần gỡ rối, bao việc làm cẩn trọng mà khẩn trương; bình tĩnh mà rốt ráo quyết liệt…đã cuốn hút người đọc, có lúc tưởng ngộp thở. Đó là thành công mới của cây bút văn xuôi Nguyễn Thanh Tùng, ngày càng dầy kinh nghiệm./.

Đinh Thiên Hương


(1). Nguyễn Huy Thắng…“ Sử ta chuyện xưa kể lại”. Tập 4, Tr 327. NXB Kim Đồng 2023. 


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế