Tôi lắng nghe anh kể về cuộc đời hoạt động của mình trên hai lĩnh vực nghệ thuật và chính trị với những vui buồn trên hai trách nhiệm.
Lê Tiến Thọ sinh năm 1951 ở một vùng quê thịnh vượng cả về kinh tế cũng như các hoạt động xã hội, văn hoá văn nghệ.
Lê Tiến Thọ giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định.
Phía trên làng quê là phủ Trịnh còn đượm không khí lịch sử một thời.
Quê anh nằm trong khu vực Bồng Báo với câu thành ngữ quen thuộc: “Xe ngựa chạy về Bồng Báo”. Vùng quê có ông nghè Tống Duy Tân, nhà văn Thanh Châu, nhà toán học Lê Dũng Tráng. Lê Tiến Thọ cũng ấp ủ và mơ ước những chuyến ra đi để tu chí, rèn luyện và lập nghiệp:
“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.
Và anh đã tham dự các cuộc thi tuyển ở cấp huyện rồi cấp tỉnh. Thí sinh ở cấp huyện phải đọc thơ, hát, giọng nói hình thể và cách biểu diễn. Trúng tuyển ở cấp huyện lại xuống tỉnh với các môn thi khó hơn, cũng vẫn là hình thể nhưng yêu cầu cao hơn, thi hát, đọc thơ, giọng nói và phải thi tiểu phẩm.
Tôi hỏi:
- Anh chọn tiểu phẩm gì? Tự mình nghĩ ra hay Ban giám khảo đặt cho.
- Thưa thầy em chọn hai tiểu phẩm nhỏ: “Vòi tiền mẹ đi hội với bạn” và “Gặp chó dữ”.
- Mọi việc tốt chứ?
- Vâng, chuyện thực thường thấy xảy ra ạ.
Lê Tiến Thọ đã trúng tuyển với cấp độ xuất sắc, đẹp về hình thể, giọng nói vang và ấm, cách biểu diễn linh hoạt, hấp dẫn. Ra Hà Nội anh học trường Trung cấp Nghệ thuật sân khấu trong bốn năm.
Tháng 1/1969, Lê Tiến Thọ được chọn vào Đoàn Tuồng Bắc T.Ư. Lúc này Lê Tiến Thọ mới 18 tuổi nhưng đã đủ tư cách một diễn viên xuất sắc, hình thể đẹp, có chiều cao thích hợp với những vai diễn trong và ngoài nước.
Một vinh dự sớm đến với anh. Anh được sắm vai Bác Hồ trong một vở về đề tài miền Nam tưởng nhớ đến Bác Hồ.
Được sắm vai Bác Hồ là niềm vinh dự cho nhiều diễn viên ở các đoàn sân khấu cũng như điện ảnh. Có thể nhắc tới các anh: Mạnh Linh, Ngọc Thủy, Tiến Thọ, Tiến Hợi…
Tôi hỏi anh Tiến Thọ:
- Anh để Bác hát tuồng sao?
- Thưa thầy trong Tuồng có hát và cũng có nói. Bác sử dụng phần ngôn ngữ nói là đủ. Anh ngập ngừng kể tiếp: – Đêm ấy đóng vai Bác xong em xúc động đứng nép vào cánh gà sân khấu không cầm được nước mắt. Em khẽ gọi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hiểu cho con niềm vui lúc này”.
Một niềm vui khác lại đến với anh Tiến Thọ. Sân khấu thời kỳ này có nhiều vở diễn nước ngoài như Hăm-lét, Ô-ten-lô của Sếch-xpia, Tác-tuýp của Mô-lie, Kẻ đốt đền. Dựng vở Ô-ten-lô anh Tiến Thọ được đóng vai chính. Ô-ten-lô là một dũng tướng trăm trận trăm thắng, người da đen được cô gái da trắng xinh đẹp yêu và tình yêu trở thành bi kịch. Theo anh Tiến Thọ, đóng Ô-ten-lô là một thử thách quá lớn. Về hình thể chỉ cần nhuộm đen là phù hợp nhưng còn tính cách khác thường của nhân vật, không dễ thể hiện. Tuồng hiện đại có những yếu tố khi thể hiện sự phẫn nộ đau đớn của nhân vật. Có một cảnh Tiến Thọ nhảy cao và thét lên rồi té xuống bằng mông. Ông Trần Độ – Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng rất thích thú cảnh này, nhân vật làm sao có thể thu xếp đôi chân để hạ xuống sân khấu trong tư thế ngồi xếp bằng.
Năm 2015, anh Tiến Thọ và tôi cùng trong một đoàn sang thăm các nước Châu Âu do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Đoàn đã đến thăm trường Đại học Paris 7, xem múa Lido… Tại trường Đại học Paris 7 nơi giao lưu quen thuộc với các giáo sư Việt Nam, Ban Giám đốc và các giáo sư đón tiếp nồng nhiệt. Đoàn Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ làm trưởng đoàn, các Giám đốc nhà hát Sân khấu, Giám đốc Hội Mỹ thuật, các tiến sĩ. Tôi xin phép và thay mặt anh Thế Kỷ giới thiệu đoàn bằng tiếng Pháp cho nhanh: “Hôm nay chúng tôi vinh dự, vui mừng được đến thăm trường Đại học Paris 7 nơi nhiều giáo sư Việt Nam thường đến nghiên cứu, trao đổi, học tập nhiều vấn đề văn học. Tôi đã từng gặp các giáo sư Đại học Paris 7 tại cuộc hội thảo năm 1982 do trường Đại học Ha-vớt tổ chức. Các giáo sư Boudarel Pierre Brocheux là những người bạn tốt có nhiều ý kiến sâu sắc đúng đắn về văn học Việt Nam.” Về việc giới thiệu các thành viên trong đoàn có “Giáo sư Nguyễn Thế Kỷ, Tiến sĩ ngôn ngữ học trưởng đoàn, các giám đốc nhà hát, giám đốc nhiều Hội Mỹ thuật, Âm nhạc”.
Riêng anh Lê Tiến Thọ tôi nhấn mạnh: “Ông là giám đốc Nhà hát Sân khấu đã từng đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh và dũng tướng Ô-ten-lô”.
Mọi người chăm chú nhìn anh với nhiều thiện cảm.
Niềm vui lại tiếp nối niềm vui. Lê Tiến Thọ cũng rất thành công trong vở Hoàng hôn đen viết về quân xâm lược phương Bắc ở các tỉnh biên giới. Tình huống phức tạp vấn đề chính trị nóng bỏng và sự thể hiện cũng có giới hạn về thời gian.
Sau những thành công với tư cách diễn viên xuất sắc, Lê Tiến Thọ là người đầu tiên trẻ nhất được phong là Nghệ sĩ Ưu tú đợt I năm 1984 và những năm sau là Nghệ sĩ Nhân dân.
Gắn bó với thể loại Tuồng, Lê Tiến Thọ đã kết bạn với ông Alain – Giám đốc nhà hát Sân khấu mặt nạ của Pháp và có những trao đổi tâm đắc.
Theo công việc điều hành của Bộ, Lê Tiến Thọ được làm Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn trong 4 năm và Cục trưởng trong 3 năm. Trong thời kỳ này, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III.
Ngày 9/5/2003, Nhà nước trao trách nhiệm cho Lê Tiến Thọ giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định. Từ đây tạm chấm dứt con đường biểu diễn nghệ thuật và bắt đầu con đường quan chức nhà nước.
Lúc này Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ông Phạm Quang Nghị, quê ở làng Hoành – Yên Định cách Bồng Báo một dòng sông, một con đò.
Điều quan trọng nhất của hoạt động chính trị là hoàn thành trách nhiệm được giao phó, đó cũng là niềm vui lớn nhất trong công việc, trong nhiệm vụ.
Công việc của Bộ Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực: xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, giao lưu văn hoá quốc tế, văn hoá báo chí, học đường, văn hoá thể thao. Việc nào Lê Tiến Thọ cũng thấy khó khăn nhưng đều hoàn thành. Đã đến Kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, ngày lễ trọng của dân tộc, anh được phân công làm Phó ban chỉ đạo Nhà nước Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ôn cố tri tân phải xuất bản in lại nhiều công trình của cha ông. Các Tuyển tập, Toàn tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến thời hiện đại của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu. Có những cuốn dày bảy, tám trăm trang khổ lớn như: Chữ Húy Việt Nam, Câu đố Việt Nam, biên soạn rất công phu nhưng ít người tra cứu. Còn các công trình kiến trúc giao thông, sao không xây một đài cao, một cây cầu đặc biệt, một trường đại học Thăng Long để ghi nhớ, những hiện vật hiển hiện trước mắt mỗi người Nghìn năm Thăng Long còn lại những gì?
Rồi việc tổ chức giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Xét phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn Sân khấu và Điện ảnh, Ca múa nhạc trong nước và quốc tế do Bộ Văn hóa tổ chức, những hoạt động của văn hóa giúp đỡ cho các kỳ Seagames, vào thời làng quê xây dựng nông thôn mới.
Chẳng mấy chốc theo việc mà làm đã hết một nhiệm kỳ Thứ trưởng. Việc bầu cử cho nhiệm kỳ hai được tiến hành chu đáo qua phiếu bầu của cơ quan văn hoá, các cục thuộc Bộ Văn hóa, Lê Tiến Thọ lại trúng cử. Công việc dần quen thuộc, vui vẻ, có trách nhiệm và hiệu quả. Tuy nhiên đôi lúc cũng nhớ tới những đêm sân khấu đỏ đèn, người đến đông vui, những cái bắt tay chặt, những nụ hôn gió nhiều khích lệ.
Một lần tôi đi cùng nhà Việt Nam học Nga lên thăm anh và có chút việc. Chị Darya Mishukova tác giả cuốn Việt Nam xứ sở con Rồng cháu Tiên. Chị tặng sách anh và muốn xin bằng khen của Bộ Văn hóa. Anh Thọ nhận sách và tiếp tục quan tâm. Ít lâu sau chị Darya nhận được Kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa tặng. Có thể đây là kết quả của buổi gặp.
Là Thứ trưởng phụ trách phần văn hóa, nghệ thuật, Lê Tiến Thọ hay đi công tác nước ngoài, đặc biệt ở Pháp. Tôi hỏi anh: “Anh tiếp nhận được gì về văn hoá Pháp sau nhiều chuyến đi ?”. Anh cười và nói: “Học tập tiếp nhận văn hoá của người thì không khó nhưng biến thành cái của mình thì rất khó. Em tham dự rất nhiều lễ hội kể cả những lễ hội thường niên của xứ A-vi-nhông. Thật khó khăn trong công việc, khó khăn này trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài sao cho tránh sao chép lại.”
Sau hơn 8 năm làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, anh Lê Tiến Thọ nghỉ hưu vào năm 2011. Ghi công những đóng góp của anh qua hai khóa Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nhà nước tặng thưởng anh Huân chương Độc lập hạng Ba; Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương lao động hạng Hai vì có thành tích góp phần giúp đỡ xây dựng Trường Nghệ thuật quốc gia Lào; Năm 2012 được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Còn ghi công về nghệ thuật là vấn đề khó, không phải chỉ trên văn bằng, trang giấy mà in trong lòng người, trong nỗi nhớ với ấn tượng sâu đậm khó lãng quên. Nhà thơ Tế Hanh cho rằng trên đời khó nhất là tình yêu và nghệ thuật:
“Tôi minh họa bằng thơ
Nghệ thuật và tình yêu là điều khó nhất
Đó là những gì ta mơ ước
Có bao giờ trọn vẹn điều ta có được”.
Được như anh Lê Tiến Thọ là đã chạm đến hạnh phúc.
Chưa hết, vẫn chưa kết thúc. Tạm rời Bộ Văn hóa đã có Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đợi chờ. Tiếp nối hai khóa Chủ tịch Hội Sân khấu, Lê Tiến Thọ đã ở tuổi 70. Từ năm 13 tuổi đã nhập nghề, hơn nửa thế kỷ không ngừng nghỉ nay hiểu như đúng nghĩa tuổi của người.
Mùa xuân 2023, anh mời tôi đi dự mừng xuân của cán bộ huyện Vĩnh Lộc ở Hà Nội do anh chủ trì Hội đồng hương Vĩnh Lộc ở Hà Nội. Còn sức, còn yêu đời, còn làm không buông tay như con tàu chạy suốt đến ga cuối cùng.
Thời gian hữu ích ghi công cho anh.
Tôi cảm ơn anh về buổi chuyện trò thân thiện nhiều đồng cảm.
Hà Nội, tháng 12/2023.
Hà Minh Đức