Di tích lịch sử Hang Tám Cô, hay còn gọi là Hang 8 Thanh niên Xung phong (TNXP) tại km 16, đường 20 – Quyết Thắng, thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những “tọa độ lửa” những năm 1971-1972. Đây là nơi 8 chiến sỹ TNXP (4 nam, 4 nữ) quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Hang Tám Cô vẫn là câu chuyện huyền thoại, bất tử như một tượng đài bất khuất, hùng vĩ đi cùng năm tháng lịch sử của dân tộc…
Đền thờ các Liệt sĩ khu di tích hang Tám Cô trên Đường 20 Quyết Thắng
Tọa độ lửa đường 20 – Quyết Thắng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình có vị trí trọng yếu, là “cửa ngõ”, và là nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam.
Cái tên Đường 20 – Quyết Thắng được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt tên là “con đường tuổi 20”, bởi lẽ, lực lượng tham gia làm con đường này gồm bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, lực lượng tham gia “Ba sẵn sàng”… hầu hết đều ở lứa tuổi 20. Đường 20 còn là con đường thể hiện ý chí quyết tâm “phá thế độc tuyến”, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi quyết định trên mặt trận giao thông vận tải, nên con đường còn có tên là “đường 20 – Quyết Thắng”.
Đường 20 – Quyết Thắng nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh có vị trí trọng yếu, là “cửa ngõ”, và là nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, xuất phát từ km 0 Phong Nha, vượt đỉnh Trường Sơn nối với đường 128, 129. Chính vì thế, khi bị phát hiện, địch đánh phá một cách khốc liệt, điên cuồng bằng tất cả các loại vũ khí tối tân nhất, đủ các loại bom đạn dội xuống đường 20, kể cả dùng B52 rải thảm, có thời gian địch đánh 4-5 ngày đêm. Mức độ đánh phá vô cùng ác liệt và với cường độ ngày càng tăng. Mỗi cung đường, địa danh tên cung đường này trở thành một tọa độ lửa như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhic, ngầm Trạ Ang, Km14, Km 16, phà Xuân Sơn, phà Nguyễn Văn Trỗi….
Bia tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh trên khu di tích
Tuy nhiên, mưa bom bão đạn của địch vẫn không ngăn nổi ý chí, quyết tâm của những người con yêu nước. Với phương châm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” và quyết tâm “Địch đánh, ta cứ đi”, lớp lớp đoàn quân, đoàn xe vẫn vượt qua đạn bom, lao ra phía trước, kịp thời chi viện cho các chiến trường. Trong suốt 11 năm khảo sát, mở đường, chiến đấu bảo đảm giao thông, hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến trường trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng có 4000 đến 5000 ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và hàng ngàn thương binh trong tổng số hơn 8000 lượt cán bộ, công nhân, TNXP, bộ đội làm việc trên tuyến đường này. Đó không những là minh chứng về tính chất khốc liệt trên mặt trận giao thông vận tải, mà còn in đậm, khắc sâu biểu tượng của những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Huyền thoại Hang Tám Cô
Theo dòng lịch sử, năm 1965, lực lượng vận chuyển bằng cơ giới của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại túi nước Xiêng Phan (Lào), từ Pắc Pha Năng tới bản Na Nô- Na Nhom, có chỗ ngập sâu tới 6 mét. Nhiều lúc hàng trăm xe mắc kẹt tại địa điểm này. Cần phải có một tuyến đường khác từ bến phà Xuân Sơn, vượt tây Trường Sơn, qua Lùm Bùm kết nối với đường 128 rồi nhập vào đường 9.
Thực hiện chủ trương này, năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh khởi công chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thẳng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” gọi tắt là “đường 20 Quyết Thắng”. Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, chủ yếu là lực lượng TNXP ngày đêm đào, cuốc, san bằng mặt đường. Sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, con đường ngang dãy Trường Sơn hoàn thành với chiều dài 125km, khởi điểm từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) và điểm cuối tại ngã ba Lùm Bùm.
Hang 8 TNXP đã anh dũng hy sinh
Tháng 6/1971, 8 TNXP quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã cùng hàng nghìn TNXP khác tình nguyện vào chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đất lửa Quảng Bình. Họ được biên chế vào Đội 163, Ban 67 phụ trách cung đường 20 Quyết Thắng.
Năm 1972, Phát hiện đường 20 Quyết Thắng là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm hủy diệt con đường.
Chiều ngày 14/11/1972, máy bay B.52 ném bom rải thảm dọc tuyến đường 20 Quyết Thắng. Tiểu đội TNXP 163 của Ban 67 đang bám trụ đường gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai chạy vào một hang đá bên đường (nay gọi là hang Tám Cô) trú ẩn. Cả quãng đường qua Km16,5 trên đường 20 Quyết Thắng bị bom cày nát, cắt đoạn, đất đá tung lên mù mịt. Những vách núi đá dựng đứng lắc lư. Sau một loạt bom, 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh trước cửa hang. Cùng lúc đó một tảng đá nặng hàng trăm tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang…
Bàn lễ các Liệt sĩ tại Đền nơi khu di tích
Tiếng máy bay, tiếng bom nổ vừa dứt, đồng đội lao đến dùng cuốc, xẻng, xà beng… đào bới nhưng không thể lay chuyển được khối đá khổng lồ án ngữ trước miệng hang. Nghe rõ tiếng kêu cứu của các đồng chí TNXP vọng ra từ khối đá nhưng tất cả đều bất lực…
Không chịu bó tay, những chiếc ống thông rỗng ruột được luồn qua qua kẽ nứt để đổ cháo loãng, những viên thuốc B1, những bánh lương khô đã được nghiền nát vào trong hang nhằm kéo dài sự sống cho các anh chị. Nhưng tất cả đều tuyệt vọng bởi những ống dẫn cũng bất lực không đủ để cứu sống các anh các chị. Thế rồi, tiếng kêu cứu yếu dần, đến ngày thứ 7, đồng đội chỉ thoáng nghe một giọng nữ gọi yếu ớt “Bầm ơi cứu con…”!, rồi tất cả rơi vào im lặng vĩnh viễn
Tên gọi hang Tam Cô có từ trước năm 1972, vốn dĩ đây là một hang đá lớn, sâu và rộng, rất thuận lợi cho bộ đội và TNXP tránh máy bay địch. Là nơi trú ẩn, sinh hoạt của 8 cô gái TNXP, vì cách hang khoảng 30m có một trạm giao liên nên hang đá này đã trở thành nơi ăn ở sinh hoạt của các TNXP. Mỗi đợt có 8 người thay nhau tiếp quản trạm giao liên. Có thời gian dài một tiểu đội nữ TNXP gồm 8 cô gái vẫn thường vào tránh máy bay địch. Mọi người quen gọi là hang “Tám Cô”.
Sau chiều định mệnh 14/11/1972, Khi 8 chiến sỹ TNXP mất (gồm 4 nữ, 4 nam) cũng chính tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên. Thế là, cái tên hang “Tám Cô” trường tồn mãi mãi cho đến ngày hôm nay.
Về 8 TNXP hy sinh ở Hang Tám Cô, vào tháng 9/1995, tại Hội nghị TNXP tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, vấn đề tìm hài cốt 8 liệt sỹ hy sinh lần đầu được đặt ra. Sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng ý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh này tiến hành thực hiện.
Ngày 22/3/1996, lực lượng tìm kiếm sử dụng mìn để phá hòn đá chắn cửa hang. Sau thời gian làm việc tích cực, lực lượng tìm kiếm đã thu thập được toàn bộ hài cốt 8 liệt sỹ TNXP, tất cả đều quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngày 4/6/1996, tỉnh Quảng Bình đã làm lễ bàn giao, đưa tiễn 8 liệt sỹ về an táng tại quê nhà.
Anh Nguyễn Tứ Vỵ – Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đường 20 – Quyết Thắng cho biết : “Tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại, có hơn 35.000 lượt người ghé tham quan và dâng hương tại hang Tám Cô. Du khách đến đây dâng hương tưởng nhớ, thành kính các vị anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc”.
Trong ban thờ chính ngày ngày ngát khói hương
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hiến Việt Nam,ông Mai Xuân Thành – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thế thao Quảng Bình cho biết : “Công tác phát huy giá trị của di tích cực tốt, Hang Tám Cô được UBND tỉnh Quảng Bình giao cho Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng quản lý. Đơn vị đã bố trí một bộ máy thường trực để bảo vệ, dâng hương, đón tiếp khách dâng hương báo công. Hiện nay rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang quan tâm, tài trợ để trùng tu di tích”.
“Hầu hết người và các phương tiện đi lên các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, khi đi ngang qua hang Tám Cô đều dừng lại kính cẩn thắp nhén nhang để tưởng nhớ đến các vị anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, rồi mới lên đường đi tiếp”, ông Thắng trao đổi thêm.
50 năm trôi qua, chiến công, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam. Hang Tám TNXP – nơi các AHLS ngã xuống – đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; đường 20-Quyết Thắng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Minh Tâm
Box: 8 TNXP (4 nam,4 nữ) hy sinh đều ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Trần Thị Tơ (SN 1954, cùng ngụ xã Hoằng Trường); Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Đạt); Hoàng Văn Vụ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Hà); Lê Thị Mai (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953, cùng ngụ xã Hoằng Thịnh) và Đỗ Thị Loan (SN 1952, ngụ xã Hoằng Ngọc).