Nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong lao động

9:47 | 24/10/2023

An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo vệ người lao động, yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp. Mất an toàn lao động đã, đang và sẽ gây ra những tổn thất lớn cho các doanh nghiệp, kể cả ngành sản xuất và dịch vụ,… Chính vì vậy, vấn đề này cần phải được các cấp, các ngành quan tâm hơn bao giờ hết.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Hải – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lạng Sơn (LĐTBXH) cho hay, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, các khu, cụm công nghiệp mới bắt đầu hình thành, chưa phát triển. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ là chủ yếu. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất trực tiếp không nhiều và sử dụng lao động ít (khoảng dưới 50 lao động).

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lạng Sơn Hoàng Thị Hải

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lạng Sơn Hoàng Thị Hải

Cũng theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hoàng Thị Hải, nếu như trước đây công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở còn rất hạn chế. Thế nhưng, khi Luật ATVSLĐ ra đời, đặc biệt là việc đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt từ các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, không chỉ riêng người sử dụng lao động mà cả người lao động và người dân cũng đã chú trọng quan tâm đến bảo vệ bản thân. Ý thức và văn hóa an toàn lao động được hình thành.

Ngoài ra, điều này thể hiện rõ nét trong các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khai thác đá vôi, vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng. Qua công tác kiểm tra tại các doanh nghiệp, công trường, có thể dễ dàng thấy được hình ảnh người lao động sử dụng quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi giày trong quá trình làm việc đều được trang bị rất chu đáo, bà Hải cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại tỉnh cũng đặc biệt tuân thủ kỷ luật lao động; tác phong làm việc của người lao động đã được cải thiện đáng kể. Thói quen hút thuốc, uống rượu trong giờ làm việc đã được người lao động thay đổi và dần loại bỏ.

Tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, người lao động đã được quan tâm bố trí phòng nghỉ, vệ sinh, bếp ăn hợp vệ sinh. Chế độ bồi dưỡng độc hại, chăm sóc sức khỏe cho người lao động được chủ doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức khám sức khỏe cho người lao động để sớm phát hiện ung thư. Đây cũng là sự quan tâm, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp song có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành ý thức của người lao động, văn hóa an toàn trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một một thực tế tại Lạng Sơn, lao động làm việc tại môi trường các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước, việc coi trọng ATVSLĐ vẫn còn có những hạn chế nhất định, do đặc thù, tính chất công việc. Thế nhưng, chính lực lượng lao động làm việc trong những lĩnh vực y tế, giáo dục, hay nhân viên văn thư, lưu trữ, cán bộ vận hành máy móc,… lại dễ xảy ra mất ATVSLĐ. Vì vậy, chúng ta cần phải có trách nhiệm và quan tâm hơn bao giờ hết, bà Hải cho hay.

Có một thực tế nữa, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, những vụ tai nạn lao động dẫn đến thương vong cao lại liên quan đến công việc thu hái hoa hồi, phần lớn là lao động tự do, trình độ hiểu biết, nhận thức và các kỹ năng về ATVSLĐ còn hạn chế.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH Lạng Sơn, số người bị tai nạn lao động do trèo hái hoa hồi ngày càng tăng. Từ năm 2020 đến nay, tổng số người bị thương vong là 197 người (trong đó bị thương là 182, số người chết là 15 người).

Người dân xã Yên Phúc (Văn Quan) hái hoa hồi chủ yếu bằng tay, trèo lên cây nhặt từng bông hoa hồi, nên rất dễ xảy ra tai nạn (Ảnh: Nhandan.vn)

Người dân xã Yên Phúc (Văn Quan) hái hoa hồi chủ yếu bằng tay, trèo lên cây nhặt từng bông hoa hồi, nên rất dễ xảy ra tai nạn (Ảnh: Nhandan.vn)

Lý giải về nguyên nhân những vụ tai nạn liên quan đến thu hoạch hoa hồi tăng cao, bà Hoàng Thị Hải cho hay, hoa hồi là cây có giá trị kinh tế, là một trong những cây mũi nhọn của tỉnh Lạng Sơn. Tháng 8 là thời điểm thu hoạch hoa (quả) hồi. Cây hồi là cây thân gỗ, mọc thẳng, cao từ 7 đến 15 mét. Tuy nhiên, việc thu hoạch rất khó khăn, người dân phải trèo hái hồi ở độ cao cách mặt đất khoảng 4-15m, cành cây hồi mỏng và giòn. Việc trèo hái hồi không có dụng cụ bảo hộ và phương tiện chuyên dụng dẫn tới nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Hiện tại, ước tính diện tích trồng hồi toàn tỉnh Lạng Sơn là khoảng 40.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 16.000 tấn và giá trị kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Cây hoa hồi được trồng tập trung ở những huyện: Văn Quan, Chi lăng, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình.

Để đảm bảo ATVSLĐ trong việc thu hái hoa hồi, các chuyên gia về ATVSLĐ khuyến cáo, người dân cần đặc biệt lưu ý và cẩn trọng. Khi thu hoạch, cần dùng dây thừng buộc kéo các cành nhỏ ở xa vào cành to hoặc thân cây cho chắc chắn, không nên cố vươn chèo ra các cành nhỏ xa thân cây, hoặc dùng cây tre làm thang buộc chắc chắn vảo thân cây để hái. Người dân nên dùng dụng cụ thu hái (dùng gậy dài, có móc bằng sắt ở đầu để kéo các cành ở xa vào phía thân cây) để bảo đảm an toàn khi thu hoạch hồi.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho việc thu hái hóa hồi, Sở LĐTBXH Lạng Sơn sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị liên quan. Đồng thời, Sở cũng ban hành những văn bản đôn đốc các huyện triển khai nội dung này trong những hội nghị tập huấn, các chương trình có nhiều người tham gia nhằm nâng cao các kỹ năng cho người dân.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong công tác huấn luyện ATVSLĐ, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ của tỉnh giai đoạn 2016-2022 và giai đoạn 2022-2025. Trong đó có nội dung hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ, người lao động của các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn. Giai đoạn 2022-2025, mỗi năm hỗ trợ huấn luyện cho khoảng 300 người (tương ứng với số doanh nghiệp mới thành lập). Qua đó vai trò, trách nhiệm của chủ cơ sở cũng được nâng lên, góp phần hình thành văn hóa ATVSLĐ trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở LĐTBXH cũng thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Phòng LĐTBXH và các ngành chức năng (Sở Xây dựng, Công thương, Tài nguyên & Môi trường, PCCC,…) tiến hành rà soát nhu cầu huấn luyện ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở. Thông qua đó, để có chương trình phối hợp với đơn vị có chức năng huấn luyện tổ chức huấn luyện cho người sử dụng lao động, người lao động tại các doanh nghiệp.

PV/VHVN


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu