Khám phá làng chài Ngư Mỹ Thạnh trên phá Tam Giang

7:37 | 15/09/2023

Là một làng chài lưới lâu đời trên phá Tam Giang (Huế), Ngư Mỹ Thạnh có đời sống, văn hóa phong phú, đặc trưng của vùng sông nước. Trước đây, nói đến phá Tam Giang là nhắc về một vùng sóng to, gió lớn đầy nguy hiểm, nhưng giờ đây lại là điểm đến của những du khách ưa thích khám phá.


“Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Câu ca xưa như nói lên phần nào nỗi xa xôi diệu vợi, mênh mông cách trở của phá Tam Giang, một vùng đầm nước hoang vu, sóng to gió lớn của xứ Huế.

Thế nhưng ít ai biết, từ bao đời nay, trên vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á quanh năm chỉ thấy mênh mông trời nước ấy vẫn có những làng chài sinh sống bám trụ kiên cường từ đời này qua đời khác, tạo nên những bức tranh mang đậm sắc màu văn hóa và đời sống của những người theo đời sông nước. Trong số đó có làng chài Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), một làng chài nổi tiếng nằm cách kinh thành Huế không xa, chừng 20km về phía Đông Bắc.

Bình minh lên nhuộm một màu tím biếc mơ màng trên vùng đầm phá Tam Giang, nơi có những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh nằm yên như còn ngái ngủ trên miền sóng nước.

Ngư Mỹ Thạnh là một làng chài nổi tiếng trên phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng này xưa gốc là làng Mỹ Thạnh, hình thành vào khoảng đầu thế kỉ 19. Lúc đầu làng là nơi sinh sống của những hộ dân ở trên bờ, về sau một số dân chài ở vùng Phú Vang, Phú Lộc cách đấy chừng vài chục cây số đi thuyền đến đánh bắt mưu sinh, thấy nơi đây đầm phá nhiều tôm cá, thuận lợi làm ăn nên ở lại, lâu dần sống quần tụ với dân trên bờ thành một vạn đò, gọi là vạn Mỹ Thạnh.

Dân vạn Mỹ Thạnh đa phần sinh sống bằng nghề sông nước, đánh bắt cá tôm trên phá Tam Giang, mọi sinh hoặt, ăn ở đều diễn ra trên đò, ngày đi đánh bắt, tối mới về bờ neo đò ghe để nghỉ ngơi. Đến năm 1990, để ổn định đời sống cho cư dân vạn đò, tránh cảnh sống bấp bênh, nguy hiểm trên sông nước, chính quyền xã Quảng Lợi đã vận động đưa dân lên bờ làm nhà định cư và chính thức đặt tên làng là “Ngư Mỹ Thạnh”.

Cuộc sống hiện nay tuy có khá giả hơn nhưng lối sống sông nước của cư dân Ngư Mỹ Thạnh dường như vẫn vậy. Cứ vào mỗi buổi chiều tối, dân làng lại lên đò ra phá đánh bắt cá tôm. Cuộc mưu sinh kéo dài từ đêm đến khoảng 4 giờ sáng thì vào bờ để bán. Vì lẽ đó mà nhịp sống ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh vui và nhộn nhịp nhất là vào lúc sáng sớm. Cảnh mua bán diễn ra trên phá, trên bến, trên đường làng từ lúc chưa nhìn rõ mặt người cho đến khoảng 7 giờ sáng thì vắng dần rồi tan hẳn.

Chính sự độc đáo của cuộc mưu sinh trên vùng sông nước mênh mông, hùng vĩ của phá Tam Giang và phong cảnh hữu tình nơi đây khiến nhiều du khách tìm đến, muốn được trải nghiệm…

Thảng hoặc đâu đó trên phá đã có những người dậy sớm tần tảo trao đổi bán mua những mớ cá tôm vừa đánh bắt suốt đêm đem về.

Một vài người dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh dậy sớm ra bến ngồi chờ thuyền đánh bắt trong đêm về.

Trời sáng tỏ cũng là lúc những chiếc ghe chở cá tôm cập bến để đem lên bờ bán cho những người đi chợ sớm.

Một góc làng chài Ngư Mỹ Thạnh, ngôi làng nổi tiếng với nghề sông nước ở vùng đầm phá Tam Giang xứ Huế.

Tôm cá đánh bắt về được bày bán ngay trên đường làng, thành ra từ sáng sớm lúc chưa tỏ mặt người cho đến chừng 7 giờ sáng, những con đường nhỏ dọc theo bờ phá Tam Giang của làng Ngư Mỹ Thạnh trở thành cái chợ bày bán đủ thứ sản vật đánh bắt được từ dưới phá.

Sản vật của phá Tam Giang nổi tiếng với những giống cá tôm nước lợ, tuy sản lượng không nhiều nhưng nức tiếng tươi ngon như: cá nâu, tôm rảo, cua, trìa…

Tôm rảo hay còn gọi là tôm đất, loại tôm nước lợ mình nhỏ, thịt thơm và chắc, thường được dùng để chế biến các món đặc sản nổi tiếng xứ Huế như tôm chua, bánh bột lọc.

Một người phụ nữ vội vã chở cá tôm thu mua được của dân làng chài để kịp đem ra chợ bán vào phiên buổi sáng.

Một rổ cá tươi roi rói vừa được đánh bắt trong đêm về.

Cá bống và cua, hai trong số các sản vật nổi tiếng của vùng nước lợ phá Tam Giang.

Một rổ cá nhỏ gồm nhiều loại cá khác nhau.

Hình ảnh những người đàn ông làng chài Ngư Mỹ Thạnh tranh thủ dỡ nốt mẻ lưới cuối để về nghỉ ngơi sau một đêm đánh bắt vất vả.

Khu vực chợ nổi, nơi tập trung buôn bán cá tôm vào mỗi buổi sáng của ngư dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh, nơi đây giờ còn là điểm du lịch cộng đồng thu hút khá nhiều người đến khám phá đời sống và văn hóa của người dân phá Tam Giang.

Những con ngõ nhỏ ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh được làm đẹp bằng các bức bích họa vẽ cảnh đời sống sông nước Tam Giang.

Thỉnh thoảng trên những con ngõ nhỏ ấy người ta bắt gặp hình ảnh những ngôi miếu nhỏ và cành phan đỏ thắm thể hiện cho tục thờ thủy thần có từ bao đời nay của những cư dân sống đời sông nước ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/kham-pha-lang-chai-ngu-my-thanh-tren-pha-tam-giang-post264497.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế