Là đơn vị hàng đầu của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam, sau 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã trở thành chiếc nôi đào tạo, hội tụ và tỏa sáng của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng. Từ những bước đi đầu tiên cho đến hôm nay, vị thế và uy tín của “cánh chim đầu đàn” ấy luôn được khẳng định qua hàng trăm chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, chinh phục hàng triệu khán giả trong và ngoài nước .
Nơi quy tụ nhiều tên tuổi lớn
Tháng 11.1951, Đoàn văn công Trung ương được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Từ năm 1964, tên gọi Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chính thức ra đời.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đoàn đã mang lời ca điệu múa phục vụ khắp các mặt trận Biên giới Tây Bắc, Chiến dịch Thu Đông, Chiến dịch Điện Biên Phủ… Các thế hệ nghệ sĩ đã nối tiếp nhau lên đường, bằng trái tim, tài năng và khối óc cống hiến hết mình cho nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Gắn liền với những cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc luôn có những nghệ sĩ, chiến sĩ của Nhà hát, với lời ca tiếng hát khích lệ tinh thần, ý chí chiến đấu ở nơi tiền tuyến. Đã có những nghệ sĩ – chiến sĩ anh dũng ngã xuống ngay trong đêm diễn nơi hòn tên mũi đạn. Hình ảnh của họ sáng mãi, để lại thương nhớ và dũng khí tiến lên cho thế hệ nghệ sĩ sau này.
Trong công cuộc đổi mới và cho đến hôm nay, Nhà hát vẫn không ngừng lớn mạnh, luôn giữ vững vai trò “cánh chim đầu đàn”, nơi quy tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Giám đốc Nguyễn Hải Linh cho biết: “Với sứ mệnh phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Nhà hát sau 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành đã khẳng định thương hiệu của một đơn vị nghệ thuật lớn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân mọi vùng miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…”.
Nhà hát cũng là đơn vị có nhiều nghệ sĩ được phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, được trao tặng các danh hiệu cao quý NSND, NGND, NSƯT…. Có thể kể đến như: GS, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước; GS, NSND Nguyễn Văn Thương; các NSND: Nguyễn Văn Thương, Quốc Hương, Thanh Huyền, Thương Huyền, Trần Hiếu, Thu Hiền, Trần Quý, Thái Ly, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Trọng Bằng, Mai Khanh, Trung Đức, Xuân Hoạch, Quang Vinh, Thái Bảo, Kim Chung, Ngọc Bích… và rất nhiều NSƯT.
Những giai điệu mãi ngân xa
Trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống đương đại, vượt qua nhiều thách thức, Nhà hát vẫn luôn bền bỉ đi trên con đường đã chọn. Góp mặt trong nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước, phục vụ nhân dân, thanh âm nghệ thuật bất tận từ Nhà hát đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng quan hệ giao lưu, giới thiệu và quảng bá những tinh hoa nghệ thuật, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Bước vào kỷ nguyên mới, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tiếp tục phấn đấu, học hỏi, đổi mới không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Nhà hát cũng được tin cậy giao trọng trách xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các lễ kỷ niệm cấp Quốc gia, các chương trình đối ngoại cấp Nhà nước, trong đó có rất nhiều chương trình đặc sắc, gây tiếng vang. Dù ở bất cứ giai đoạn nào, các nghệ sĩ luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa văn nghệ cũng là mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Trái ngọt cho những tận tâm cống hiến trong 70 năm qua, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất (2 lần), hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ… Đặc biệt là Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, nhiều Huân, Huy chương quốc tế của các nước bạn đã được trao tặng cho Nhà hát như: Huân chương Lao động của CHDCND Lào, Hoàng gia Campuchia, CHND Mông Cổ…; Bằng khen của các Bộ, Ban, ngành, địa phương; Giải thưởng, Cúp, Huy chương trong các cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tài năng, ban lãnh đạo nhiệt tâm, trong thời gian tới Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến cho công chúng nhiều chương trình nghệ thuật với những góc nhìn đa chiều, giúp cho khán giả có cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam trong thời kỳ mới. Đảm bảo tính kế thừa, phát huy tài năng người nghệ sĩ, đem văn hóa Việt Nam đến với không chỉ khán giả trong nước mà còn hội nhập với thế giới.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà hát diễn ra sáng 25.12 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, với tên gọi Những cánh chim không mỏi.
Trên sân khấu đặc biệt này, khán giả được thưởng thức các tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Đây cũng là sân khấu quy tụ các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát, với các tiết mục đặc sắc như: Hòa tấu dàn nhạc Cánh chim và ánh sáng Mặt Trời; Ca khúc Chiến sĩ Sông Lô; Múa Hương Xuân; Tốp ca nữ Thập lục: Quê hương tôi đổi mới; Ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa, Người là niềm tin tất thắng; Múa Hạt thóc vàng; Liên khúc Những ngôi sao sáng; Hát múa Rạng rỡ Việt Nam.
Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia, năm 1984 tôi đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam – nơi quy tụ những ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng của cả nước. Với tôi đó là điều may mắn và hạnh phúc.
Gần 40 năm sống và làm việc tại Nhà hát, trải qua những thăng trầm và nhiều cung bậc cảm xúc, cùng với nỗ lực và niềm đam mê cháy bỏng, tôi đã dày công rèn luyện, quyết tâm phấn đấu, học hỏi và sáng tạo. Nhiều ca khúc được đông đảo công chúng đón nhận đã để lại dấu ấn trên con đường sự nghiệp của tôi. Để có được những thành công như ngày hôm nay, tôi may mắn được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Ban giám đốc Nhà hát. Tôi thật vinh dự, hạnh phúc và mãi biết ơn điều đó!
70 năm là chặng đường dài xây dựng, phát triển của Nhà hát. Tôi cũng như các nghệ sĩ đã và đang đóng góp những thành tích nhỏ bé vào thành công chung của Nhà hát…
Theo Văn hóa