Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022 quy tụ 21 chương trình, vở diễn của 15 đơn vị nghệ thuật trong nước và 6 đoàn nghệ thuật quốc tế.
Đây là một trong những nội dung được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thông tin tới báo chí tại họp báo giới thiệu Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội năm 2022, ngày 8/11.
Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội năm 2022 diễn ra từ ngày 15 đến 26/11/2022 tại Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng.
Liên hoan lần này quy tụ nhiều loại hình sân khấu tham gia như Kịch nói, Cải lương, Múa rối. Đặc biệt, có 6 đơn vị nghệ thuật của 6 quốc gia đã đăng ký tham gia Liên hoan với 6 vở diễn.
Chủ tịch hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi phát biểu tại họp báo. Ảnh: LT
Cảnh trong vở “Bản tình ca trên núi cao” của Nhà hát Múa rối Việt Nam tham dự Liên hoan. Ảnh: BTC
Lương Thu Trang – Thanh Sơn trong vở Hedda Gable của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: BTC
Các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia liên hoan gồm: Tom Corandini Teatro (Italia), Yvua Arts (Hàn Quốc), Patch Theater (Ba Lan), Singapore Raffles Music College (Singapore), Mass Foundation (Pakistan), Dhyaas Performing Arts (Ấn Độ). Đây là những đoàn nghệ thuật của các quốc gia có nền kịch nghệ rất phát triển, mang đậm hơi thở thời đại với những thử nghiệm độc đáo, sáng tạo.
15 đơn vị nghệ thuật trong nước tham gia 15 vở diễn gồm: Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội), Nhà hát Múa rối Việt Nam, Đoàn kịch Lucteam, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng, Sân khấu Lệ Ngọc, Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam – Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, Liên hoan lần nay, các đơn vị nghệ thuật trong nước đã có những sự thử nghiệm đáng kể cả trong các lĩnh vực Múa rối, Kịch nói, sự kết hợp giữa nghệ thuật Cải lương và nghệ thuật Xiếc.
Trong số này có thể kể đến Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia vở “Trái tim người Hà Nội”, Nhà hát Múa rối Việt Nam tham gia vở “Bản tình ca trên núi”, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham gia vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”…
Đồng thời, dàn kịch mục của các đơn vị nghệ thuật trong nước tham dự Liên hoan năm nay đa số là những tác phẩm dàn dựng gần đây. Những tác phẩm này được các đơn vị nghệ thuật đầu tư lớn về chuyên môn, là những sáng tạo trong việc thử nghiệm với cách làm mới mẻ, tạo nên sự hấp dẫn của mỗi vở diễn.
Đối với các đơn vị nghệ thuật quốc tế, họ sẽ mang tới Liên hoan những vở diễn xuất sắc mang đậm dấu ấn văn hóa và nền kịch nghệ của mỗi quốc gia.
Theo kế hoạch Lễ khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra vào tối 15/11, tại Nhà hát Tuổi trẻ; Lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra tại rạp Đại Nam vào ngày 26/11.
Đây cũng là nơi diễn ra các tác phẩm dự thi của 6 đơn vị quốc tế và một số vở diễn của Việt Nam. Các vở còn lại sẽ được trình diễn rại Rạp Công nhân, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Tháng 8 (TP Hải Phòng).
Thế Vũ
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/7-quoc-gia-tham-gia-lien-hoan-quoc-te-san-khau-thu-nghiem-tai-viet-nam-post221411.html#p-0