5 quy định mới có lợi cho người lao động từ 01/9/2021

21:30 | 06/09/2021

Ngày 01/9/2021 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 04/2021/TT-BCT ngày 16/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương và Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với nhiều quy định mới ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

1/ Thời gian làm công việc trong hầm lò chỉ còn 7 giờ/ngày

Trước đây, khi chưa có Thông tư 04/2021/TT-BCT, giờ làm việc của người lao động làm công việc trong hầm lò được áp dụng theo quy định chung tại Bộ luật Lao động.

Theo đó, khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

  1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Tuy nhiên, khi Thông tư 04/2021/TT-BCT ra đời, thời gian công việc trong hầm lò đã được xác định cụ thể tại khoản 2 Điều 4 như sau:

  1. Thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 42 giờ trong 01 tuần.

Như vậy, thay vì phải làm 08 giờ/ngày, kể từ ngày 01/9/2021, người lao động làm việc trong hầm lò sẽ được giảm thời gian làm việc xuống còn 07 giờ/ngày và tổng thời gian làm việc trong tuần sẽ là không quá 42 giờ.

Với việc giảm giờ làm việc, người lao động sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi có thêm thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Đây được cho quy định phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi phải làm việc trong điều kiện khó khăn tại hầm lò.

2/ Ca làm việc tối đa trong hầm lò còn 9,5 giờ/ngày

Khoản 1 Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BCT nêu rõ:

  1. Ca làm việc của người lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày.

Trong khi đó, nếu thực hiện theo quy định chung thì thời gian của ca làm việc có thể lên đến 10 giờ/ngày nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần (theo khoản 2 Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 và hướng dẫn về ca làm việc tại Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Như vậy, với quy định mới này, dù thực hiện thời giờ làm việc theo tuần thì ca làm việc của người lao động làm trong hầm lò cũng chỉ tối đa 9,5 giờ/ngày.

Quy định này giúp người lao động giảm bớt thời giờ tiếp xúc với các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Từ đó bảo vệ sức khỏe trong môi trường làm việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm.

3/ Mang thai đôi được tính hưởng chế độ thai sản theo số con sinh ra

Đây là một trong những quyền lợi mới đáng chú ý tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH.

Trước đó, khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chỉ chi trả tiền thai sản tính theo những con còn sống của lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh có thai bị chết hoặc chết lưu.

Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 06, người lao động trong trường hợp này sẽ được nhận thêm quyền lợi. Cụ thể Khoản 6 Điều 1 Thông tư này ghi nhận:

Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Theo đó, từ ngày 01/9/2021, lao động nữ khi mang thai đôi trở lên dù không may có con bị chết hoặc chết lưu thì vẫn sẽ nhận tiền trợ cấp tương ứng với số con mà mình sinh ra.

4/ Mở rộng trường hợp hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con của nam

Không chỉ lao động nữ được nhận thêm quyền lợi mà tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, lao động nam cũng được hưởng lợi từ quy định mới. Thông tư này đã bổ sung thêm trường hợp lao động nam được hưởng trợ cấp khi vợ sinh con đó là:

Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho lao động nam ngay cả khi hai vợ chồng cùng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Trong khi trước đó, lao động nam chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi vợ không tham gia BHXH.

5/ Lao động nam được nghỉ hưởng chế độ thai sản nhiều lần

Thêm một quyền lợi mới cho lao động nam tại Thông tư 06/2021 đó là được nghỉ chế độ thai sản thành nhiều lần khi vợ sinh con.

Trước đây khi không có quy định này, việc nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con thường thực hiện một lần cho toàn thời gian được quy định.

Với quy định mới, từ ngày 01/9/2021, lao động nam có thể nghỉ hưởng chế độ thai sản một cách linh hoạt hơn nhờ chia thời gian nghỉ thành nhiều lần nhưng phải đảm bảo:

– Thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong 30 ngày đầu từ ngày vợ sinh con.

– Tổng thời gian nghỉ tối đa:

+ 05 ngày làm việc: Trường hợp thông thường.

+ 07 ngày làm việc: Vợ phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

+ 10 ngày làm việc: Sinh đôi; từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

+ 14 ngày làm việc: Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật./.

 

 

Nguyễn Phương

Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu