Chúng ta luôn được nhắc nhở phải tiết kiệm, tiết kiệm là một đức tính tốt, phải biết để dành để phòng những lúc khó khăn. Nhưng thực tế đôi khi việc tiết kiệm tương đối khó để thực hiện.
Chuyên gia tài chính cá nhân Michelle McGagh đã trải nghiệm về cách tiết kiệm tiền hiệu quả thông qua việc thử nghiệm kế hoạch một năm không chi tiêu cho những khoản ngoài kế hoạch.
Cô sẽ chỉ trả các hóa đơn, tiền ngân hàng, mua đồ tạp hóa và nguyên liệu cho các bữa ăn tự làm. Không chi tiền cho vé xe buýt, cô lựa chọn cách đi xe đạp đến khắp nơi và dĩ nhiên là không có ngân sách cho việc đi ra ngoài ăn uống, cô đã tìm ra những cách khác để giao tiếp với bạn bè.
McGagh nhìn lại một năm đó chính là một thành công lớn mà cô đạt được. Cô tiết kiệm được 22.000 bảng Anh để thanh toán cho ngân hàng, giảm tiền lãi và số năm mà cô sẽ mắc nợ ngân hàng đáng kể. Trong một bài viết cho Moneywise, cô chia sẻ những lời khuyên thiết thực cô đã học được trong thực nghiệm này khi sống tằn tiện.
4 bài học nổi bật sau 1 năm sống tằn tiện của McGagh chính là:
1. Phân định rõ ràng giữa “nhu cầu” và “mong muốn”
Khi phải đối mặt với việc mua sắm, hãy tự hỏi liệu đó có phải là nhu cầu cần thiết của bạn hay chỉ là mong muốn để thỏa mãn bản thân. Thật quá dễ dàng để đưa ra một lý do tại sao bạn nghĩ rằng bạn cần mua một món gì đó, chẳng hạn một đôi giày mới, một chiếc áo sơ mi, một kỳ nghỉ, thậm chí một chiếc xe mới; nhưng điều quan trọng là phải phân tích để thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề tiêu tiền, đặc biệt là bạn đang mắc nợ ngân hàng
Theo McGagh, có rất nhiều lý do để mọi người mua sắm; vì họ chán, họ vui, họ buồn hoặc vì họ muốn thỏa mãn chính mình. Nếu bạn có thể xác định lý do tại sao bạn lại mua đồ hoặc làm chủ hành vi của mình, thì bạn có thể tự dừng lại trước khi dùng đến thẻ tín dụng để bắt đầu mua sắm.
2. Đặt mục tiêu dài hạn
Tiết kiệm sẽ dễ dàng thực hiện hơn khi bạn có một mục tiêu cụ thể. Khi bạn đề ra một mục tiêu dài hạn thì việc bạn bỏ qua những khoản phát sinh sẽ dễ dàng hơn, vì bạn biết được lợi ích lâu dài sẽ đạt được là gì.
McGagh chọn mục tiêu là khoản nợ ngân hàng của mình, mục tiêu của bạn có thể là bất cứ điều gì chẳng hạn như tạo dựng quỹ khẩn cấp, trả tiền học phí cho một lĩnh vực mới hay đơn giản là khoản tiết kiệm để dành đi du lịch cho các con trong suốt quá trình trưởng thành…
3. Học hỏi những kinh nghiệm truyền thống để tiết kiệm
Bạn có thể học hỏi được rất nhiều bài học hữu ích về lối sống thanh đạm, cần kiệm từ cách sống truyền thống của ông bà cha mẹ chúng ta. Những người lớn tuổi thế hệ trước – họ chính là một bảo tàng những kiến thức, bạn sẽ học được cách tiết kiệm hữu hiệu từ vấn đề tiêu xài cho đến những mẹo để có thể tiết kiệm thực phẩm một cách rất sáng tạo. Chưa kể họ còn có định lực rất cao trước những ý muốn thỏa mãn bản thân.
McGagh đã xoay sở để cắt giảm chi phí hàng ngày của mình đến mức tối đa nhất và hiệu quả nhất. Chi phí của cô đã bao gồm thực phẩm, đồ dùng vệ sinh cá nhân, và các chất tẩy rửa vệ sinh nhà cửa bằng cách áp dụng những kinh nghiệm truyền thống, những mẹo dọn dẹp nhà cửa từ thế hệ trước.
4. Thoát ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân
Sau khi đề ra kế hoạch sống tằn tiện, McGagh đã tìm ra những cách để giao tiếp xã hội, đi du lịch và giải trí cho bản thân nhưng không phải tốn quá nhiều chi phí mà vẫn vui vẻ hạnh phúc. Cô khẳng định rằng chúng ta cần phải đón nhận những điều mới mẻ đôi khi khác thường và sẵn sàng phiêu lưu khi chúng ta muốn sống một cuộc sống thanh đạm nhưng vẫn hạnh phúc.
Chúng ta phải thoát ra khỏi những lối mòn chi tiêu dẫn đến việc không kiểm soát được. Thay vào đó nên chú trọng vào những hoạt động mang đến sự vui vẻ, an bình trong tâm hồn nhưng lại không tốn quá nhiều chi phí.
Thực ra chúng ta không cần phải sống tằn tiện như cách McGagh thử nghiệm, thay vào đó bạn nên cân bằng lại chi chi tiêu bằng cách thiết lập những kế hoạch và bám sát theo đó. Những kinh nghiệm quý báu của cô ấy cũng là những bài học quan trọng để chúng ta học hỏi và trở thành một người quản lý tài chính thành công hay một người chi tiêu thất bại.
Theo Tree Hugger